10/11/2015 08:01 GMT+7

Ngăn ngừa đấu giá để PR rồi bỏ chạy

VIỄN SỰ - LÊ KIÊN - V.V.THÀNH
VIỄN SỰ - LÊ KIÊN - V.V.THÀNH

TT - Theo đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TP.HCM), có nhiều người tham gia đấu giá từ thiện, đưa giá rất cao để PR doanh nghiệp sau đó bỏ chạy, hiện vẫn chưa có cơ chế xử lý.

Ông Trần Du Lịch - Ảnh: Việt Dũng

Chiều 9-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật đấu giá. 

“Tôi thấy dự thảo Luật đấu giá lần này chưa nói sẽ xử lý sao cả. Vậy chúng ta phải xác định đây có phải là hiện tượng nguy hiểm cần chế định để xử lý không, hay chỉ là hiện tượng xã hội rồi kệ nó?” - ông Lịch đặt vấn đề.

Ông Lịch cũng cho rằng việc ban hành Luật đấu giá là rất cần thiết nhưng phải làm sao để có thể điều chỉnh, triệt tiêu được những tiêu cực trong đấu giá.

Ông Lịch nói thực tế là hiện tượng quân xanh, quân đỏ, ép bên nọ, ép bên kia để cuối cùng chắc chắn có một người được tính trước sẽ thắng. Vấn đề thứ hai là đang có tình trạng người thắng đấu giá nhưng cứ nhùng nhằng bao nhiêu năm không lấy được tài sản.

“Ông mua đấu giá thì cứ ngồi đó mà dòm và cơ quan đấu giá không xử lý gì được cả” - ông Lịch nêu thực tế.

Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), điều quan trọng nhất trong đấu giá tài sản là phải do thị trường quyết định.

“Tôi đi nước ngoài thấy rằng ngay cả các hàng hóa đưa vào siêu thị thì người ta cũng tổ chức đấu giá công khai, xem rất thú vị. Có những sản phẩm người ta đấu giá từ cái giá rất cao rồi chốt lại ở mức giá thấp, có những sản phẩm lại đấu giá từ mức khởi điểm thấp rồi nâng dần lên.

Quan trọng trong Luật đấu giá là phải đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công khai, tránh việc bắt tay nhau để móc ngoặc, làm giá. Đặc biệt là trong đấu giá mua sắm công, thì quy định công khai, minh bạch, hiệu quả là rất cần thiết” - ông Thảo nêu.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng cho rằng lâu nay người ta hay nói có chuyện thông đồng với nhau trong đấu giá để trục lợi, nên Luật đấu giá lần này đã đưa ra quy định cấm hành vi này là rất đúng.

“Để quy định chặt chẽ hơn, ví dụ có trường hợp người ta mua lô đất A thông qua đấu giá khách quan, trung thực rồi, nhưng đấu giá xong đến khi làm sổ đỏ lại cấp lô đất B. Tôi đề nghị quy định cả trách nhiệm sau khi đấu giá, phải có chế tài xử lý.

Ví dụ đấu giá sản phẩm làm từ thiện, khi đấu giá thì hào hứng lắm, trả giá rất cao nhưng sau phiên đấu giá thì lặn mất tăm không thấy đâu nữa, không mua tài sản đó nữa thì phải bị xử lý” - bà Khánh đề nghị.

VIỄN SỰ - LÊ KIÊN - V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên