09/11/2015 17:11 GMT+7

Quốc hội giám sát mua ngân hàng yếu kém

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Sáng mai 10-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Nghị quyết này là giám sát việc tái cơ cấu ngân hàng.

Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm (nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước) về vấn đề này.

* Thưa ông, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến giám sát việc Ngân hàng Nhà nước mua lại các ngân hàng thua lỗ với giá 0 đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nội dung: “Tăng cường công tác giám sát việc chuyển đổi sở hữu và quản lý các tổ chức tín dụng yếu kém”. Ông nghĩ sao?

- Ông Cao Sĩ Kiêm: Việc Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng/cổ phần đối với một số ngân hàng mà cổ phần đã mất hết giá trị (vốn chủ sở hữu của các ngân hàng này âm lớn) thì thế giới đã làm, còn ở ta chưa có tiền lệ, bây giờ mới làm.

Luật các tổ chức tín dụng quy định là NHNN được phép mua lại các ngân hàng, nhưng chưa nêu rõ mức giá bao nhiêu.

Để pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, thống nhất thì Quốc hội và các cơ quan tư pháp cần vào cuộc để giám sát việc tiến hành mua lại này cũng như giám sát quá trình can thiệp, xử lý của Nhà nước đối với tổ chức tín dụng yếu kém nói chung. Mục đích là đảm bảo không xảy ra rủi ro.

Ở đây liên quan đến mua 0 đồng ít nhất có hai vấn đề khác nhau. Tiền gửi tiết kiệm của người dân được bảo vệ bởi quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi. Còn cổ phần của cá nhân, tổ chức là theo quy định pháp luật về doanh nghiệp, anh góp vốn vào lời ăn lỗ chịu.

* Nếu đã có quy định pháp luật rồi thì làm theo luật. Vậy sự giám sát của Quốc hội cần thiết đến đâu, thưa ông?

- Ông Cao Sĩ Kiêm: Ví dụ mua 0 đồng xong, trách nhiệm của Nhà nước trong việc củng cố các ngân hàng mua về như thế nào? Làm sao để vốn không những không mất đi mà còn phát triển lên thì mới đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, đồng thời đảm bảo quyền lợi của cổ đông.

Trách nhiệm của cơ quan dân cử ở đây là đảm bảo quá trình can thiệp, xử lý diễn ra đúng quy định pháp luật và đảm bảo được mục đích đề ra, nhất là trong giai đoạn đầu của việc mua lại.

* Có ý kiến đề nghị Quốc hội thành lập Ủy ban giám sát đặc biệt đối với việc tái cơ cấu ngân hàng, trong đó có việc xử lý các ngân hàng yếu kém và việc NHNN mua lại các ngân hàng thua lỗ với giá 0 đồng. Ông có ủng hộ việc này?

- Ông Cao Sĩ Kiêm: Theo tôi không nên. Dù có thành lập thì rồi cũng là các cơ quan chức năng liên quan chịu trách nhiệm chính, không ai làm thay được.

Thường thì các ủy ban hay là các ban chỉ đạo ở ta hoạt động hình thức, theo phong trào là chủ yếu, làm kinh tế mà đưa các ông lãnh đạo bộ ngành vào vài ba tháng mới họp một lần thì lỏng lẻo lắm, khó khả thi.

Quan trọng là Chính phủ chỉ đạo tập trung, các cơ quan chức năng quyết liệt triển khai, Quốc hội giám sát bằng các công cụ giám sát của Quốc hội. Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ định kỳ báo cáo kết quả can thiệp, xử lý ở các ngân hàng đã được mua 0 đồng, qua đó đôn đốc, uốn nắn nếu cần thiết.

* Cá nhân ông có lo ngại gì ở các ngân hàng đã được mua 0 đồng trong thời gian tới đây?

- Ông Cao Sĩ Kiêm: Quan trọng là chúng ta cử các cán bộ chất lượng, tạo điều kiện pháp lý để các ngân hàng này phục hồi dần.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên