Hãng tin AFP dẫn nguồn tin giấu tên từ WB cho biết nguyên nhân của việc “thu hồi” đoạn chỉ trích là do chưa xem xét đầy đủ.
Hôm 1-7, WB đưa ra báo cáo “Cập nhật kinh tế Trung Quốc”, trong đó có đoạn yêu cầu Bắc Kinh nhanh chóng cải cách lĩnh vực tài chính do nhà nước chi phối.
Bằng ngôn ngữ gay gắt, WB cảnh báo rằng nếu Trung Quốc không giải quyết thành công vấn đề thì khả năng thành tựu 30 năm phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này sẽ chấm dứt.
“Đầu tư lãng phí, nợ công quá mức và hệ thống ngân hàng yếu kém phải được giải quyết thì chương trình cải cách rộng hơn của Trung Quốc mới thành công” - báo cáo viết.
Ngoài ra, báo cáo cũng nêu rằng Nhà nước Trung Quốc đã dùng quyền lực của mình để kiểm soát phần lớn tài sản của các ngân hàng thương mại khiến hệ thống ngân hàng của Trung Quốc nằm ngoài các tiêu chuẩn quốc tế.
Báo cáo nêu rõ trong một số trường hợp giới chức quản lý đồng thời cũng chính là chủ, là nhà hoạch định chính sách và là cả khách hàng của các ngân hàng.
Theo WB, hiện nay việc Trung Quốc cần làm chính là tái cơ cấu vai trò của nhà nước trong hệ thống tài chính. “Cải cách tài chính chỉ cho thấy hiệu quả nếu Trung Quốc chịu từ bỏ những kiểu khuyến khích méo mó và cấu trúc quản lý nghèo nàn, lạc hậu, vốn đã gây ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên tài chính đang được huy động và phân phối ở nước này” - đoạn chỉ trích viết.
Tuy nhiên, trong một báo cáo cập nhật vào cuối tuần qua, WB nhấn mạnh họ đã rút lại những chỉ trích trên vì chưa được cơ quan này xem xét đầy đủ để thông qua. Quyết định rút chỉ trích này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang “vật lộn” với tình hình nền kinh tế sụt giảm diễn ra nhanh hơn dự kiến và thị trường cổ phiếu của nước này lao dốc.
Hôm 4-7, Bắc Kinh đã kêu gọi WB phối hợp hỗ trợ thị trường chứng khoán nước này sau khi giá cổ phiếu lao dốc gần 30% chỉ trong ba tuần. Giới lãnh đạo Trung Quốc đang ra sức đưa ra một sự chuyển đổi cho mô hình tăng trưởng của nước này theo hướng dựa vào nhu cầu người tiêu dùng hơn là đầu tư.
Chuyên gia tại Trung tâm Kinh tế chính trị quốc tế của châu Âu Guy de Jonquières nhận định quyết định của WB cho thấy hai khả năng: nếu nguyên nhân rút đúng theo lời giải thích thì dường như việc kiểm soát trong nội bộ của WB có thiếu sót nghiêm trọng, hoặc WB “đột nhiên” có lập luận khác về tình hình kinh tế của Bắc Kinh do có khả năng đã đối mặt với “áp lực từ Trung Quốc”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận