Gửi tiết kiệm từ tiền đi vay
Sau gần một tháng ban hành thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 39, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có giải thích lý do ban hành các quy định này.
NHNN cho biết qua công tác thanh tra, giám sát có phát sinh trường hợp ngân hàng đã cho vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay khi đi lao động, học tập ở nước ngoài dưới hình thức vay tiền để gửi tiết kiệm. Hoặc có khách hàng thế chấp sổ tiết kiệm ngoại tệ vay VND để gửi tiết kiệm.
Liên quan đến vấn đề này, NHNN đã có văn bản số 9565 ban hành ngày 6-12-2019 cảnh báo các ngân hàng. Bản chất của tiền gửi tiết kiệm và giao dịch chứng minh tài chính của khách hàng phải hình thành từ chính nguồn tiền của khách hàng, không phải là tiền đi vay từ ngân hàng.
Theo đó, thông tư 06 bổ sung quy định ngân hàng không được cho vay vốn để gửi tiền nhằm đảm bảo kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích và kiểm soát rủi ro khoản vay cũng như đảm bảo phù hợp với bản chất của tiền gửi tiết kiệm, bản chất giao dịch chứng minh tài chính.
Tiềm ẩn rủi ro từ việc cho vay để mua cổ phần công ty chưa niêm yết
Về quy định ngân hàng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; công ty cổ phần chưa niêm yết, NHNN cho biết thực tiễn thời gian qua cho thấy việc ngân hàng cho vay đối với nhu cầu vốn này trong nhiều trường hợp tiềm ẩn rủi ro.
"Đây là nhu cầu vốn khó kiểm soát mục đích sử dụng tiền vay do ngân hàng không kiểm soát được việc sử dụng vốn của bên nhận góp vốn. Đồng thời không có cơ sở để đánh giá thường xuyên đối với tình hình tài chính, tình hình hoạt động, khả năng trả nợ của bên nhận vốn góp.
Đây cũng là một trong những hình thức mà khách hàng có thể sử dụng để che giấu hình thức sở hữu lẫn nhau", NHNN cho biết.
Về phía khách hàng, nguồn trả nợ của khách hàng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiền từ chủ đầu tư, giá trị khoản vay khá lớn. Khách hàng vay có thể là các doanh nghiệp mới thành lập, không có nguồn trả nợ nào khác, hoặc nếu có nguồn trả nợ khác thì không đáng kể so với số tiền vay vốn.
"Trên thực tế, bên nhận vốn góp sử dụng khoản vay góp vốn của khách hàng tại ngân hàng phần lớn để kinh doanh, khai thác vào các dự án. Trong khi các dự án này chưa đảm bảo tính pháp lý cũng như điều kiện triển khai theo quy định của pháp luật.
Trường hợp rủi ro xảy ra, việc xử lý tài sản đảm bảo sẽ phát sinh rất nhiều vướng mắc và khó xử lý", NHNN lý giải.
Chỉ cho vay bù đắp với trường hợp chính đáng
Về cho vay bù đắp tài chính, NHNN cho biết việc cho khách hàng vay để bù đắp tài chính tiềm ẩn rủi ro về việc sử dụng vốn vay do khó đánh giá sự phù hợp giữa nhu cầu vay vốn và giá trị tài chính khách hàng đã mượn, tính xác thực của các giao dịch.
Ví dụ như không có hồ sơ, tài liệu đủ tin cậy chứng minh cho phương án vay vốn của khách hàng. Nhiều trường hợp cho vay bù đắp nhu cầu phục vụ đời sống như để thanh toán giao dịch phát sinh từ 5, 10 năm trước đây. Chứng từ là giấy tờ viết tay mượn tiền giữa các cá nhân để mua bất động sản, hàng hóa với số tiền giá trị khá lớn...
Tuy nhiên, trên thực tế có một số nhu cầu vốn vay bù đắp là chính đáng.
Vì vậy thông tư 06 đã bổ sung cho phép ngân hàng tiếp tục thực hiện cho vay đối với trường hợp chính đáng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, qua đó tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận