23/12/2012 07:25 GMT+7

"Ngân hàng lương thực" của học trò cấp III

LÊ NGỌC
LÊ NGỌC

TT - Rất nhiều học sinh (HS) THPT ở Hà Nội đã thể hiện tình yêu thương cộng đồng bằng cách đi quyên góp đồ ăn dôi ra từ các nhà hàng, khách sạn, chuyển đến những người đang gặp khó khăn.

NMjzoXIv.jpgPhóng to
Các tình nguyện viên mang quà đến và vui chơi với bệnh nhi - Ảnh: L.N.

Gần 200 HS đã tham gia cuộc thi “Công dân toàn cầu 2012” do AIESEC (tổ chức sinh viên toàn cầu) chi nhánh Đại học Ngoại thương Hà Nội tổ chức. Chủ đề của cuộc thi là “Cứu lấy lương thực” với hình thức thu thập, chế biến, bảo quản thức ăn dư thừa còn giá trị sử dụng, đem đến cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Từ một cuộc thi

Năm đội thi với năm dự án về “ngân hàng lương thực” đã nhiệt tình tham gia thu thập 1.461 suất ăn dôi ra từ 34 nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bánh ngọt... Trong thời gian từ ngày 7-10 đến 4-11, năm đội thi đã mang những suất ăn đến với các làng trẻ (Hòa Bình, Hữu Nghị, SOS Hà Nội), các bệnh viện (Viện Bỏng, Viện Châm cứu, Viện Nhi trung ương, Viện 09) và các trung tâm, các xóm chạy thận, những người vô gia cư...

Tham gia một dự án lớn khi chỉ là HS THPT, thời gian thật sự là một vấn đề lớn với các thành viên dự án. Nhật Hồng (lớp 11 Trường Hà Nội - Amsterdam) kể lại: “Có nhiều hôm phải thức đến 1-2 giờ sáng lên kế hoạch, viết báo cáo, chuẩn bị buổi tập huấn và gặp mặt các tình nguyện viên”.

Khó khăn còn ở việc xác định các cửa hàng, nhà hàng tiềm năng để xin đồ ăn dôi ra, có nhóm mỗi thành viên liên hệ không dưới 20 cửa hàng. “Thời gian chạy dự án khá ngắn (một tháng), các nhóm phải hoàn chỉnh bản kế hoạch, tuyển tình nguyện viên, tìm các nguồn thực phẩm và phân phát thực phẩm” - Lê Đình Thịnh (SV năm 2 ĐH Ngoại thương) - thành viên ban tổ chức cuộc thi - giải thích.

Lan tỏa xã hội

Khắc phục khó khăn, mang những suất ăn ngon lành đến người cần là niềm vui chung của tình nguyện viên - HS THPT. Trịnh Minh Phương (lớp 10 Trường THPT chuyên Ngoại ngữ) vẫn nhớ kỷ niệm: “Khi trò chuyện, ăn bữa cơm với bệnh nhân HIV ở Viện 09 và các em nhỏ khuyết tật ở Trung tâm Ngọc Sơn, sự ngại ngùng và sợ sệt trong tôi đã biến mất, cảm giác thật hạnh phúc khi nhìn thấy nụ cười của mọi người”. Lê Thị Thùy Linh (tình nguyện viên dự án) miêu tả cuộc sống ở xóm ve chai Vạn Phúc: “10 người và một đứa trẻ mới 2 tuổi sống trong một cái nhà kho cho thuê chung, phải dùng đèn ăcquy. Tôi tự trách mình vì đã nhiều lần bỏ phí đồ ăn!”.

Đáp lại sự nhiệt tình của tình nguyện viên là tình cảm chân thành của những người được nhận thực phẩm. Cô Lành (quê Nam Định) sống tại xóm ve chai Vạn Phúc chia sẻ: “Tối nay cô sẽ lại chia đều cho mấy nhà nữa. Cảm ơn các con!”. Một nhân viên vệ sinh trên phố Trần Hưng Đạo cảm ơn tình nguyện viên, đồng thời “chỉ điểm”: “Các cháu đã đem phát cho các em nhỏ chưa đấy? Thử tìm đến Văn Chương nhé, bác quen một người ở đấy bảo là khu đó khó khăn lắm”...

Bên cạnh đồ ăn, tình nguyện viên còn mang đến cho những cảnh đời khó khăn sự động viên tinh thần. Nhiều nhóm tình nguyện viên được tổ chức quy củ thành các ban: ban trang trí, ban văn nghệ và ban nấu ăn. Thức ăn được chuyển đến nơi tổ chức sự kiện, ban nấu ăn sẽ chế biến thực phẩm, đội trang trí sẽ “làm đẹp” phòng ăn và nhóm văn nghệ tổ chức các trò chơi, ca nhạc cho mọi người vui vẻ. Trò chuyện với một người mẹ trẻ có con đang điều trị tại Viện Nhi, chị khóc và chia sẻ: “Những đứa trẻ đã tươi cười sau một thời gian dài chỉ biết khóc và chịu đau đớn. Món quà, bánh và đặc biệt là những câu chuyện, trò chơi đã động viên tinh thần mọi người rất nhiều!”.

Chị Hồng Hạnh - giám đốc bộ phận ẩm thực của khách sạn Sofitel Plaza - bày tỏ: “Chúng tôi đánh giá cao việc làm của các bạn HS THPT. Động lực làm việc của các bạn đã thôi thúc chúng tôi thay đổi. Sofitel Plaza luôn sẵn sàng hỗ trợ thực phẩm cho các bạn...”.

LÊ NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên