16 ngân hàng thương mại và 32 doanh nghiệp trên địa bàn ký kết hợp đồng tín dụng tại hội nghị - Ảnh: A.H.
Ông Nguyễn Phước Hưng - phó chủ tịch, tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM - cho biết sau thời gian bị gián đoạn nguồn cung nguyên liệu vì dịch COVID-19, hiện nhiều doanh nghiệp đã nối lại được nguồn cung nhưng xuất khẩu chưa thông suốt. Các doanh nghiệp ngành du lịch, hàng không, khách sạn vẫn đang rất khó khăn.
Thủ tục cần đơn giản hơn
Ông Hưng kiến nghị ngành ngân hàng nên đẩy mạnh các chính sách giãn nợ, cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay hơn nữa cũng như tăng cường cho vay trung dài hạn với lãi suất thấp để đầu tư, tái cơ cấu sản xuất.
"Đề nghị không chỉ hỗ trợ những doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch mà nên hỗ trợ cả cho những trường hợp không bị thiệt hại. Thủ tục cần đơn giản để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận được.
Ngoài ra cần xây dựng bộ tiêu chí cơ cấu lãi vay, thông báo rộng rãi để doanh nghiệp có thể tự xác định xem mình thuộc đối tượng nào để tìm đến. Các chính sách hỗ trợ cũng như điều kiện phải được phổ biến rộng rãi, không nên để ai biết thì xin, không biết thì thôi" - ông Hưng kiến nghị.
Ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP - cho biết 6 tháng đầu năm TP.HCM hụt thu ngân sách 14%. Điều này cho thấy ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến kinh tế trên địa bàn TP. UBND TP đã thành lập tổ chuyên phụ trách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, thuế, bảo hiểm để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các quận huyện, sở ngành cũng cùng bắt tay vào để cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
"Chúng tôi không hô hào, nói suông mà nói thật làm thật" - ông Tuyến khẳng định.
Không thiếu tiền
Ông Phan Đình Tuệ - phó tổng giám đốc Sacombank - cho hay trên thực tế có những doanh nghiệp không bị tác động nhiều bởi dịch, chẳng hạn chỉ bị sụt giảm doanh thu nên khó đòi hỏi ngân hàng phải tái cơ cấu, vì nếu tái cơ cấu, ngân hàng không được tính lãi dự thu, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân hàng.
"Thời gian qua ngân hàng đã cắt giảm lương của cả lãnh đạo lẫn nhân viên, thuyết phục cổ đông giảm chỉ tiêu lợi nhuận 40% so với dự kiến ban đầu để giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Nhưng nồi cơm của ngân hàng cũng có hạn, chưa kể lãi suất huy động tiền gửi trước đây không giảm được.
Gần đây do thực tế thị trường và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước mới giảm được nên chúng tôi khó đáp ứng tất cả nhu cầu của doanh nghiệp. Liên quan đến việc doanh nghiệp kêu về quy trình xét duyệt cho vay, chúng tôi phải tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước, nên có những cái không giảm được" - ông Tuệ giải thích.
Ông Tuệ nói tình trạng chung của các ngân hàng hiện nay là đang dư tiền vì huy động nhiều mà chưa cho vay được. Thậm chí có những gói ngân hàng đã triển khai nhưng khó giải ngân sau dịch vì nhu cầu vốn của khách hàng lúc này chưa có. Cũng theo ông Tuệ, cần có thêm các chính sách quyết liệt hơn để hỗ trợ cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Sẽ giữ ổn định tỉ giá
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng của ngành chỉ ở mức 2,8%, bằng phân nửa so với cùng kỳ, riêng khu vực TP.HCM chỉ tăng 2,5%, thấp hơn mức tăng trưởng toàn ngành.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay ở mức 13-14%, nhưng ông Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ xem xét để điều chỉnh tăng room tín dụng cho một số ngân hàng nếu cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, nhu cầu vốn của khách hàng giảm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tín dụng cũng khó tăng cao.
Ông Tú ví việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước hiện như "đi trên dây", khi vừa phải giảm lãi suất, đẩy mạnh đưa vốn ra thị trường nhưng không được để lạm phát tăng cao, đồng thời phải ổn định tỉ giá dù trong điều kiện "đứt mạch" như hiện nay.
"Tuy nhiên chúng tôi sẽ làm được để doanh nghiệp yên tâm. Chứ nếu tỉ giá cứ nhảy nhót, doanh nghiệp đầu tư bao nhiêu chỉ cần một cơn bão tỉ giá là mọi thứ ra sông ra biển" - ông Tú nói. Đồng thời, ông cảnh báo rằng các ngân hàng sẽ không có cơ hội đầu cơ tỉ giá với Ngân hàng Nhà nước.
Trong khuôn khổ Hội nghị kết nối hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 2-7 cũng đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa 16 ngân hàng thương mại và 32 doanh nghiệp trên địa bàn.
Nới tiêu chí cho doanh nghiệp vay vốn
Tại Hội nghị Chính phủ ngày 2-7, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề xuất nới lỏng tiêu chí doanh nghiệp được vay vốn khi 2 tháng triển khai chưa có doanh nghiệp nào vay được gói 16.000 tỉ đồng, lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị giảm sâu thu nhập do dịch COVID-19. Ông Dung đề nghị bỏ tiêu chí DN không có nguồn thu mới được vay, vì nếu không có nguồn thu thì DN gần như phá sản, giải thể. Đồng thời, cần kéo dài thời hạn cho DN vay đến hết tháng 12, thay vì hạn cuối ngày 31-7. Ông Dung đề nghị Chính phủ chấp thuận đề xuất này và giao lại cho bộ, NH Nhà nước thực hiện sớm nhất vì đây là giải pháp vừa hỗ trợ sản xuất kinh doanh, vừa kích cầu tiêu dùng.
Đồng ý với đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành giảm tiêu chí để DN có thể tiếp cận gói 16.000 tỉ đồng để vay trả lương cho lao động. Chính phủ yêu cầu các NH thương mại phải chia sẻ với DN, NH Chính sách xã hội phải có chính sách phù hợp để đẩy nhanh việc cho DN vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận