Lãnh đạo Tổ chức tài chính vi mô CEP nhận cờ thi đua của Chính phủ nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập sáng 7-11
Đó là điều được bà Nguyễn Thị Hoàng Vân - tổng giám đốc Tổ chức tài chính vi mô CEP - chia sẻ tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (7-11-1991) với sự tham dự của nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân viên, khách hàng CEP sáng 7-11.
Theo bà Vân, năm thứ 30 thành lập cũng là năm khó khăn nhất, khi dịch bệnh kéo dài. Tính đến tháng 10-2021, 54.137 khách hàng không có khả năng hoàn trả.
"CEP đã miễn lãi 38 tỉ đồng nhưng dư nợ còn lại 648 tỉ đồng, tạo ra thách thức rất lớn. Nhiều nỗi lo về sức khỏe, dịch bệnh, sự mất mát trong gia đình, về việc làm và nguồn thu nhập trở nên kiệt quệ sau một thời gian dài giãn cách xã hội.
Nhưng trong bối cảnh đó, chúng tôi nỗ lực tìm mọi phương cách để hỗ trợ, chăm lo cho thành viên công nhân lao động, như hỗ trợ khẩn cấp, giảm lãi suất, miễn lãi, các chương trình CEP chia sẻ yêu thương, tập trung nỗ lực chi tiết kiệm cho người lao động", bà Vân chia sẻ.
Với tên gọi ban đầu là Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm, CEP được thành lập từ năm 1991, thời điểm nhiều người lao động, công nhân nghèo trở thành nạn nhân của vay nặng lãi.
CEP học tập mô hình tín dụng nhỏ của Ngân hàng Grameen với mô hình rất khác biệt so với ngân hàng truyền thống: đối tượng phục vụ là người nghèo, người có thu nhập thấp, được tổ chức theo nhóm, cụm, kết nối người cho vay cùng nơi ở, hoàn cảnh, nơi làm việc để họ chia sẻ, sàng lọc, giám sát và quản lý lẫn nhau.
CEP cung cấp dịch vụ cho vay, tiết kiệm nhỏ tới tận tay người lao động và không thu bất kỳ khoản phí nào. Khách hàng hoàn trả khoản vay theo tuần, theo tháng cùng với khoản tiết kiệm nhỏ phù hợp khả năng và nguồn thu nhập của mỗi người.
Gần đây, với hoàn cảnh dịch bệnh khiến dịch vụ trực tiếp của CEP khó khăn hơn, CEP đã cho ra đời app di động để người dân thực hiện giao dịch trực tuyến.
Đến nay, "ngân hàng" này đã có 4,8 triệu khách hàng là công nhân lao động với tổng số vốn phát vay 65.000 tỉ đồng và tích lũy 1.500 tỉ đồng số dư tiết kiệm của người nghèo.
Với các dịch vụ cho vay lãi suất thấp, tiết kiệm nhỏ, CEP đã giúp hàng triệu công nhân có một số vốn để khởi tạo việc làm, không phải tìm tới tín dụng đen. Thời điểm hiện tại, CEP có 370.000 khách hàng công nhân lao động nghèo, với mạng lưới 35 chi nhánh.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đánh giá CEP là tổ chức tài chính vi mô tiên phong đi đầu và lớn nhất trong cả nước, là điểm tựa giảm nghèo tin cậy của người lao động, hạn chế hoạt động tín dụng đen.
"Hoạt động của CEP trong 30 năm qua là minh chứng sinh động rằng tài chính vi mô là một trong những công cụ hiệu quả giúp cho người lao động nghèo có cơ hội tự tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát khỏi nghèo khó bằng chính sức lao động của họ.
Sự đóng góp tích cực của CEP đã góp phần cải thiện an sinh xã hội cho công nhân, người dân lao động, đặc biệt các công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP, hạn chế tình trạng tín dụng đen", ông Hoan chia sẻ.
Dịp này, CEP đã đón nhận cờ thi đua của Chính phủ, bằng khen của Ngân hàng Nhà nước cho hoạt động hỗ trợ vốn cho công nhân lao động nghèo trong đại dịch và đón nhận cờ truyền thống của UBND TP.HCM.
Năm nào cũng vay, năm nay nhiều tháng chưa trả nợ cho CEP
Chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh (39 tuổi) - công nhân công ty KCN Hiệp Phước - từng vay tín dụng đen, từng rơi vào cảnh "bán nhà mà cũng không thể trả hết nợ". Sau đó chị được công đoàn công ty giới thiệu vay ở CEP.
"Tôi vay CEP từ hơn chục năm nay rồi. Năm nào cũng vay. Năm đầu tiên vay trả nợ tín dụng đen, trả nợ 5-7 năm đầu. Những năm sau vay sửa sang nhà cửa, mua xe, lo cho con đi học", chị kể.
Khoản vay gần nhất của chị Oanh là 30 triệu đồng, hoàn trả hằng tháng 3,9 triệu đồng. "Dịch giã, không có việc làm, không có nguồn thu nhập nên mấy tháng nay CEP không thu tiền mà còn tài trợ học bổng cho con, giảm được gánh nặng mùa tựu trường", chị Oanh tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận