Ngăn dòng chảy ngược rời bỏ trường công

MỸ DUNG
MỸ DUNG

TT - Việc học trường công nửa chừng chuyển sang trường quốc tế, tư thục... chưa phải hiện tượng phổ biến, nhưng nó thể hiện nhu cầu người học cần một nền giáo dục cao hơn.

Giờ học kỹ năng sống cho học sinh khối lớp 1 của một trường tiểu học công lập ở Q.Tân Phú (TP.HCM). Trường công lập cần tăng cường những tiết học như vậy để giảm bớt áp lực học tập cho học sinh - Ảnh: Mỹ Dung
Giờ học kỹ năng sống cho học sinh khối lớp 1 của một trường tiểu học công lập ở Q.Tân Phú (TP.HCM). Trường công lập cần tăng cường những tiết học như vậy để giảm bớt áp lực học tập cho học sinh - Ảnh: Mỹ Dung

Làm sao để người dân chọn trường công không chỉ vì ở đó được miễn học phí, chi phí rẻ, độ phủ rộng, gần nhà? Làm sao để trường công phát huy được lợi thế là trường nhà nước và luôn là lựa chọn số 1 của người thụ hưởng giáo dục?

Theo các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, để ngăn chặn dòng chảy ngược từ trường công sang trường tư, hệ thống giáo dục công lập cần phải thay đổi.

Tự nhìn lại mình

3 trục, khuyết 2

Không phủ nhận tính ưu việt của hệ thống trường phổ thông công lập nhưng một tiến sĩ giáo dục học ở Viện nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng nếu không tự nâng cao chuẩn của mình, trường công sẽ “chảy máu” học sinh, nhất là học sinh khá giả.

Theo chuyên gia này, ở các nền giáo dục tiên tiến, người ta không quan tâm học cái gì mà học như thế nào.

Phân tích kỹ hơn, các nền giáo dục phổ thông tiên tiến đang dạy học sinh theo ba trục: học để biết, học để làm (kỹ năng) và học để cùng chung sống.

Nghĩa là trường công hiện nay chỉ đáp ứng được 1/3 yêu cầu, mới chỉ là học để biết, còn thiếu học để làm và học để cùng chung sống.

Trước tiên, để đổi mới thì hệ thống trường công lập phải tự nhìn lại mình. Hiện tại trường công đang như thế nào?

Theo một thạc sĩ quản lý giáo dục (Viện nghiên cứu sư phạm - ĐH Sư phạm Hà Nội), trường công là sản phẩm của hệ thống giáo dục công lập, được hình thành từ các yếu tố: mục tiêu giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục, phương tiện giáo dục, cách đánh giá.

Nếu chỉ nhìn vào câu chữ thì mục tiêu giáo dục của hệ thống giáo dục công lập hiện nay rất tốt (phát triển học sinh toàn diện, ngang tầm quốc tế) nhưng trong hàng chục năm, việc dạy và học không hề “đếm xỉa” gì đến mục tiêu này.

Nguyên nhân là chương trình giáo dục hiện nay chỉ xây dựng dựa trên định hướng phát triển nội dung học vấn (có nghĩa là người học càng có nhiều kiến thức càng tốt). Người học cứ giống như một cái thùng, càng chứa nhiều kiến thức càng được cho là giỏi.

Dựa trên định hướng phát triển này, chương trình giáo dục phổ thông ngày càng nặng, càng nhiều môn vì kiến thức của thế giới ngày càng tăng lên, nên càng thay đổi chương trình chỉ có thêm kiến thức chứ không bớt đi được.

Càng theo định hướng phát triển nội dung học vấn, chương trình càng cồng kềnh. Và thời gian gần đây, thay vì một năm học 36 tuần như trước, các trường công lập mỗi năm phải cộng thêm hai tuần học nữa (38 tuần/năm học).

Mặt khác, chương trình giáo dục hiện tại lại mang tính tập trung hóa, cả nước chỉ có một chương trình giáo dục, một nội dung giáo dục (bộ sách giáo  khoa). Phương pháp giáo dục của hệ thống công lập hiện nay chẳng khác gì của thầy đồ xưa: thầy giảng, trò ghi.

Đó là phương pháp xơ cứng, lạc hậu, áp đặt một chiều. Bản chất của phương pháp này thực tế chỉ xem trò là “con vẹt”, áp đặt một chiều. “Cứ cái gì của thầy, của cô mới quan trọng, chứ của trò thì... không việc gì phải bàn”. Phương pháp này buộc học sinh thụ động, há miệng chờ sung, lâu dần triệt tiêu sáng tạo của người học.

Do điều kiện cơ sở vật chất, các lớp học ở TP.HCM, Hà Nội hiện nay toàn từ 45-50 học sinh/lớp, trong khi bậc tiểu học tối đa là 25-35 học sinh/lớp, nên hình thức tổ chức dạy học trong các trường công không thực hiện được.

Khâu kiểm tra, đánh giá (đầu ra của dạy học) cũng chẳng khá hơn ngày xưa, hiện cũng chỉ đánh giá theo học thuộc lòng. Điều này chẳng phải do giáo viên nghĩ ra mà do nội dung chương trình mang lại.

Trường Tây có gì hay?

Gạt qua lý do nhiều người có điều kiện chọn trường quốc tế, có những gia đình điều kiện kinh tế không thừa thãi vẫn cố gắng cho con vào học ở những trường này, vì sao?

Em Phạm Hồng Phúc, học sinh lớp 11 của một trường quốc tế, kể: cũng là một giờ giáo dục công dân nhưng ở trường em đang học thì khác hẳn cách dạy ở trường công trước đây.

Ví dụ, để dạy học sinh biết thế nào là chăm chỉ, “trường Tây” sẽ không dạy chăm chỉ là gì, vì sao phải chăm chỉ, kể một ví dụ về chăm chỉ... như ở trường công, rồi không kiểm tra đánh giá vào các khái niệm đó.

Ở trường em đang học, trước khi học bài về rèn luyện tính chăm chỉ, giáo viên sẽ đề nghị học sinh thu thập những gì quanh đời sống mà em thấy là gương chăm chỉ. Sau đó, học sinh chia sẻ về những gì mắt thấy tai nghe, về các việc gần đây trên Internet và trình bày theo nhóm của mình. Cô giáo sẽ là người tổng hợp nội dung của các nhóm, bổ sung đầy đủ những thành tố mà học sinh cho rằng đó là người chăm chỉ”.

Thế nên ngay cả một bài học kiểu như vậy, học sinh cũng thấy học như chơi, vui vẻ, sôi nổi, cô giáo thì “dạy nhẹ tênh” mà học sinh lại rèn được rất nhiều kỹ năng.

“Em mạnh dạn lên rất nhiều, vì ở trường công em đâu có phải... lên phát biểu. Ở đây, muốn hay không muốn, một nhóm có bốn bạn thì cứ phải luân phiên nhau lên trình bày, tranh luận, nên giờ em không ngại thể hiện ý kiến của mình trước mặt mọi người nữa” - Hồng Phúc nói.

Hiệu trưởng một trường THCS ở TP.HCM từng dự một số tiết học của học sinh THCS tại Singapore cũng nhận xét cách dạy và học ở trường công của Việt Nam hiện nay không khiến người học phát triển được mà chỉ làm cho học sinh thụ động.

Lấy ví dụ trong một tiết học (một giờ) “Tính cách người Nhật” ở một trường công Singapore, học sinh được “ngồi bệt” ở một phòng rộng, không hề có sách giáo khoa. Nửa thời gian cô cho học sinh tự chuẩn bị, thực hiện thảo luận nhóm, tìm người trình bày. Lớp học có sáu nhóm, có học sinh thì mang ảnh, có học sinh mang clip đến lớp. Sau đó cô cho từng nhóm trình bày.

Ví dụ, theo nhóm 1, tính cách người Nhật là A, B, C; nhóm 2, tính cách người Nhật là A, B, không có C nhưng có D...;  nhóm 3 cho rằng tính cách người Nhật là A, B, C, E... Sau khi sáu nhóm trình bày xong, giáo viên sẽ ghi lên bảng cách trình bày từng nhóm, rồi thống kê.

“Với cách dạy học này, học sinh sẽ phát triển được rất nhiều kỹ năng. Theo lý thuyết tâm lý học, việc tổ chức dạy học như thế được gọi là dạy học kiến tạo, dưới sự hướng dẫn của nhà sư phạm. Quan hệ giáo dục giữa giáo viên và học sinh rất thoải mái, không mang tính áp đặt như ở ta” - thầy hiệu trưởng này cho biết.

Vì đâu?

Việc một số phụ huynh xin cho con em mình chuyển từ trường công lập, trường chuyên, lớp chọn sang học trường quốc tế cho thấy phụ huynh ngày nay đã có nhiều sự chọn lựa trong việc học hành của con cái.

Dĩ nhiên, những trường hợp trên chỉ là thiểu số. Đặc biệt, phụ huynh phải là những người có điều kiện về tài chính mới đủ sức đóng học phí ở trường quốc tế cho con em mình.

Hiệu trưởng một trường trung học nổi tiếng ở TP.HCM đã kể với chúng tôi: năm học vừa rồi có một học sinh thi đậu điểm cao vào trường nhưng cuối cùng không nhập học.

Ông đã liên hệ với phụ huynh thì nhận được câu trả lời: gia đình quyết định cho con học trường song ngữ quốc tế vì thấy chương trình học trong trường công lập nặng nề quá.

Trao đổi với chúng tôi, ông hiệu trưởng thừa nhận: đúng là chương trình học trong trường công lập quá nặng nề, trường càng nổi tiếng thì càng phải yêu cầu học sinh học nhiều.

Chúng tôi đã đặt câu hỏi với ông hiệu trưởng rằng: Tại sao các trường trọng điểm cứ phải làm khổ học sinh, làm khổ giáo viên như thế?

Tại sao không làm như các trường quốc tế: một buổi học chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam, một buổi học chương trình tiếng Anh theo giáo trình nước ngoài mà vẫn nhẹ nhàng, học sinh còn thường xuyên được tham gia ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống...?

“Cái đó có khó gì, cỡ như trường tôi dư sức làm được như vậy, thậm chí còn làm rất tốt nữa kia. Nhưng với một điều kiện: sĩ số học sinh/lớp phải giảm từ 50 xuống còn 25-30 học sinh” - ông hiệu trưởng giải thích.

Theo lời của các hiệu trưởng trường công lập, sở dĩ các trường yêu cầu học sinh phải học ngày học đêm là do áp lực thi cử. Học sinh công lập phải thi tuyển từ lớp 9 lên lớp 10, thi tuyển sinh vào đại học.

Bây giờ, tỉ lệ tốt nghiệp THPT ở TP.HCM không phải là “đích đến” của các trường, “đích đến” bây giờ của các trường THCS là học sinh phải đậu vào lớp 10 các trường nổi tiếng; “đích đến” của các trường THPT là học sinh phải thi đậu vào đại học, với học sinh những trường THPT nổi tiếng thì phải đậu vào các trường đại học tốp đầu.

Trong khi đó, các trường quốc tế (ở đây chúng tôi chỉ nhắc đến những trường có dạy chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam - NV) họ không phải chịu áp lực này. Hầu hết học sinh học ở trường quốc tế đều xác định sẽ không thi vào lớp 10 công lập và không thi tuyển sinh vào đại học ở Việt Nam. “Con đường” của các em là du học.

Với định hướng như vậy nên các trường chỉ cần dạy theo đúng chuẩn kiến thức - kỹ năng mà Bộ GD-ĐT ban hành, thêm vào đó là rèn luyện ngoại ngữ, là tăng cường dạy kỹ năng sống cho học sinh.

Thế nhưng, học sinh trường trung học công lập mà học theo đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng, không học thêm, không luyện thi thì làm sao đậu vào đại học được?

Thực tế đã cho thấy một số trường tư thục ở TP.HCM có tỉ lệ học sinh thi đậu vào đại học cao cũng phải dạy ngày dạy đêm, phụ đạo, dò bài liên tục (đến nỗi có học sinh đã than “trường học là nhà tù”).

HOÀNG HƯƠNG

MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên