Một phiên tòa xét xử vụ tranh chấp dân sự tại Tòa án nhân dân quận 1, TP.HCM |
Tại buổi góp ý dự án Luật tố tụng dân sự sửa đổi do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 9-4, đã có nhiều ý kiến trái chiều về nguyên tắc tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Các đại biểu ủng hộ cho rằng đây là một quan điểm tiến bộ, văn minh, phù hợp với Hiến pháp và thông lệ quốc tế.
Thực tế, pháp luật thường không điều chỉnh kịp những quan hệ xã hội nên không tránh khỏi những tranh chấp xảy ra trong thực tế mà pháp luật chưa quy định.
Tòa án thụ lý giải quyết để tránh trường hợp người dân có tranh chấp không biết nhờ ai phân xử rồi tự xử nhau theo kiểu “xã hội đen”.
Đối với những vụ việc này, tòa án sẽ áp dụng tương tự pháp luật, án lệ hoặc tập quán để giải quyết. Các án lệ, tập quán được áp dụng làm căn cứ để xét xử phải được HĐND cấp tỉnh thông qua.
Ngược lại, những ý kiến phản đối nguyên tắc này cho rằng như vậy sẽ khó khăn cho tòa. Trong thực tế, những vụ việc pháp luật đã có quy định mà các bên còn cãi nhau rất nhiều vấn đề, huống gì những vụ việc luật chưa có quy định điều chỉnh.
Việc lựa chọn tập quán, án lệ sẽ khó tránh khỏi cảm tính, khiến quyền lợi của các bên liên quan bị thiệt thòi.
Ông Trần Du Lịch (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho rằng đây là một trong những quy định nhằm ngăn chặn sự lạm quyền của các cán bộ tòa án.
Thực tế có chuyện người dân đến nộp đơn khởi kiện tại tòa án thì bị các thư ký tùy tiện từ chối, làm khó khiến họ mất quyền được pháp luật bảo vệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận