31/03/2015 10:48 GMT+7

Sửa Bộ luật tố tụng dân sự phải tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI

TT - Ngày 30 và 31-3 tại TP.HCM, Tòa án nhân dân tối cao và Chương trình đối tác tư pháp đã tổ chức hội thảo “Hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự của VN”.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu là việc tòa án có quyền từ chối yêu cầu khởi kiện của đương sự khi pháp luật chưa có quy định về việc đó hay không và vấn đề về thẩm quyền của quyết định giám đốc thẩm.

Theo ông Tống Anh Hào - phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thực tiễn thời gian qua cho thấy khi thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự từ năm 2005 thì quyết định giám đốc không được quyền sửa mà chỉ được quyền hủy các bản án trước đó.

“Nhưng có những vụ việc chứng cứ rõ ràng thể hiện trong hồ sơ, tính toán sai thì quyết định giám đốc thẩm chỉ hủy để xét xử lại.

Với một bản án bị hủy, nhưng hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm cho rằng cần độc lập xét xử nên hội đồng thẩm phán hủy bản án thì hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn tiếp tục giữ quan điểm dẫn đến các vụ việc cứ xử, cứ hủy quay vòng đi quay vòng lại đến 6-7 lần tố tụng mới giải quyết xong gây thiệt hại và mệt mỏi cho các đương sự tham gia phiên tòa” - ông Hào nêu quan điểm.

Theo ông Hào, từ năm 2004 trở về trước thì tố tụng dân sự, thương mại, lao động... đều cho quyết định giám đốc thẩm được sửa án mà không ảnh hưởng gì đến quyền của đương sự, đồng thời mọi việc được giải quyết nhanh hơn.

Ông Hào khẳng định Hiến pháp 2013 cũng chỉ quy định cần phải đảm bảo hai cấp xét xử chứ không có quy định nào khẳng định chỉ có hai cấp xét xử, và Hiến pháp cũng không cấm cấp giám đốc thẩm hủy án, bởi vậy cần phải bổ sung thẩm quyền sửa án của giám đốc thẩm trong những vụ chứng cứ rõ ràng, còn nếu chưa đủ chứng cứ thì hủy để xét xử lại.

Đề cập vấn đề này, ông Tobias Oelsner, phó thẩm phán chủ tọa Tòa án khu vực Berlin, Đức, cũng cho rằng có nên xem việc xét xử giám đốc thẩm là cấp xét xử thứ 3 hay không?

Dẫn chứng từ nước Đức, ông Tobias Oelsner khẳng định hiến pháp của Đức quy định bất cứ công dân nào cũng có hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm nhưng đâu là nhiệm vụ, đâu là chức năng?

Bởi vậy khi nói đến các quyết định giám đốc thẩm thì vấn đề mà người dân quan tâm là có đồng ý hay không đồng ý với yêu cầu giám đốc thẩm.

Bởi chính tại quyết định giám đốc thẩm này cũng cần phải có những lập luận và đưa ra các chứng cứ để đánh giá cho quyết định đó để người thua biết được vì sao họ lại thua, việc lập luận đánh giá của quyết định giám đốc thẩm bởi vậy mà có cơ sở thuyết phục các đương sự chứ không chỉ đưa ra một quyết định lạnh lùng.

Việc thỏa thuận dân sự ngoài tòa nên được tiến hành thế nào? Đó là vấn đề mà các đại biểu nêu ra trong buổi hội thảo.

Theo ông Tobias Oelsner, tại Đức thì các bên đương sự có nghĩa vụ và trách nhiệm tiến hành giải quyết vụ việc nếu nguyên đơn phải đưa ra chứng cứ và trình bày chứng cứ đó.

Nếu muốn đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại tòa thì việc tranh tụng phải được bắt đầu từ khi thụ lý và xuyên suốt vụ việc chứ không chỉ tranh tụng tại phiên tòa.

“Cần hiểu thủ tục tranh tụng liên quan đến nghĩa vụ chứng minh. Đối với những vụ án xét hỏi thì nghĩa vụ chứng minh không được tính, vì vai trò của tòa án quyết định nhiều hơn” - ông Tobias Oelsner nói.

Ông Tobias Oelsner cũng cho rằng khi xem luật VN, ông không thấy quy định rõ là tòa có nghĩa vụ chứng minh hay đương sự nhưng xem toàn bộ vấn đề tố tụng tại tòa thì thấy rõ việc chứng minh là đương sự.

Như vậy, vấn đề thương lượng giữa các đương sự cần được tôn trọng.

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên