23/05/2024 13:48 GMT+7

Nga 'khiêu vũ hạt nhân' với NATO

Cuộc diễn tập hạt nhân chiến thuật do Quân khu phía Nam của Nga triển khai từ ngày 21-5 tuy có vẻ ngoài mang tính răn đe nhưng thực tế lại nằm trong chuỗi động thái 'vừa đánh vừa xoa' của Điện Kremlin với phương Tây.

Các đơn vị thuộc Quân khu miền Nam của Nga tham gia diễn tập với vũ khí hạt nhân chiến thuật vào ngày 21-5 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/TASS

Các đơn vị thuộc Quân khu miền Nam của Nga tham gia diễn tập với vũ khí hạt nhân chiến thuật vào ngày 21-5 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/TASS

Sự quyết đoán trong việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật không chỉ giúp Điện Kremlin đối trọng hiệu quả với xu hướng công khai củng cố năng lực tấn công từ "vành đai hạt nhân" NATO tiệm cận biên giới phía tây của họ, mà còn trấn áp hiệu quả trạng thái rối ren của chính quyền ông Zelensky khi khẩn thiết yêu cầu phương Tây can dự trực tiếp vào chiến trường Ukraine.

"Cân bằng mới" với NATO

Khác với sự quan ngại của dư luận về thế trận răn đe hạt nhân giữa Nga và NATO đang có xu hướng leo thang mất kiểm soát, các diễn biến trên thực địa đều để lộ những chỉ dấu cho thấy cả hai bên đều đang tuần tự tiến hành những bước đi vô cùng thận trọng, thậm chí có phần kiềm chế, để không đẩy thế cân bằng hạt nhân trở nên quá bất lợi cho đối phương.

Chỉ dấu đầu tiên cho thấy xu hướng "tự kiềm chế" này là động thái người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova vào ngày 21-5 đã khẳng định vụ thử nghiệm hạt nhân trước đó một tuần của Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia Mỹ (NNSA) ở Nevada "không cấu thành sự vi phạm các quy định của Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) hoặc lệnh cấm thử hạt nhân của Mỹ".

Trong khi thực tế phía Mỹ vẫn chưa phê chuẩn CTBT và đây là vụ thử hạt nhân gần tới giới hạn (không tạo nên vụ nổ) đầu tiên được Mỹ tiến hành kể từ tháng 9-2021 nên đã gây quan ngại rất lớn với dư luận quốc tế.

Phía Mỹ cũng có nhiều chỉ dấu cho thấy sự "tự kiềm chế" khi vừa chính thức cấp chứng nhận hạt nhân trước thời hạn cho máy bay F-35A được phép mang bom trọng lực nhiệt hạch B61-12 (và chỉ đúng phiên bản này) vào tháng 3 năm nay.

Quyết định này tạo nên mối đe dọa rất lớn với Nga khi Tập đoàn Lockheed Martin ước tính đến năm 2030 sẽ có đến 550 chiếc F-35 hoạt động ở châu Âu. Vì vậy, sự thống trị của F-35 sẽ khiến năng lực chuyên chở bom nhiệt hạch B61-12 từ châu Âu đến lãnh thổ Nga trở nên cực kỳ nguy hiểm.

Tuy nhiên, trong một động thái gây bất ngờ, Bộ Quốc phòng Mỹ lúc này lại chuyển sang tập trung phát triển một loại bom hạt nhân mới là B61-13 sau khi trì hoãn nhiều năm dự án sản xuất bom B61-12 vì lý do bội chi ngân sách. Do đó, mặc dù có thông tin bom B61-12 đã được Mỹ bắt đầu chuyển giao tháng 12-2022 nhưng đến nay vẫn chưa rõ lịch trình giao B61-12 tới châu Âu.

Nói cách khác, phía Mỹ dường như cũng đang muốn gia giảm khả năng cùng một lúc cung cấp cả phương tiện chuyên chở (F-35A) lẫn vũ khí hạt nhân chiến lược phù hợp (B61-12) cho châu Âu.

Tương tự, phía Nga cũng có lập trường né tránh các xung đột hạt nhân cấp chiến lược (có sức công phá từ 15 đến 1.000 kiloton) mà chỉ huy động vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật có sức công phá kém hơn trong khoảng 1 kiloton, có kích thước nhỏ gọn, dễ chuyên chở, đồng thời cũng chưa bị giới hạn bởi bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí nào giữa Mỹ và Nga.

Vì vậy, mục tiêu của phía Nga hiện chỉ hướng đến kiện toàn "vành đai hạt nhân chiến thuật" kết nối với các cơ sở lưu trữ hạt nhân mới ở biên giới phía nam đến Belarus và vùng Kaliningrad, nhằm tạo "thế cân bằng mới" với các bước triển khai hạt nhân tuy "giơ cao" từ khối NATO nhưng lại "đánh khẽ" do Mỹ dẫn đầu.

Thời điểm nhạy cảm

Cuộc diễn tập hạt nhân lần này còn góp phần vào siết chặt cả ba vòng vây quanh Ukraine mà Nga đang thúc đẩy một cách tổng lực. Trong đó, "vòng vây tầm xa" được miêu tả rất đầy đủ trong thông điệp mà Bộ Quốc phòng Nga công bố, bao gồm việc sử dụng hệ thống Iskander (tầm bắn 500km) ở lực lượng tên lửa, trong khi lực lượng không quân sẽ trang bị tên lửa siêu thanh Kinzhal với các loại "đầu đạn đặc biệt".

Sự xuất hiện của tên lửa Kinzhal với tầm bắn hơn 2.000km khiến cho ngay cả khẩu đội phòng không Patriot của Mỹ trong phạm vi 30km cũng bị "vô hiệu hóa".

Phạm vi 30km nói trên lại trùng hợp với các tính toán nhằm cố định "vùng đệm" mà quân đội Nga đang cố gắng mở rộng ở khu vực Kharkov ngay lúc này nhằm tạo "vòng vây tầm gần" cách biên giới Nga - Ukraine khoảng 10-15km.

Và cuối cùng chính là "vòng vây lõi" khi Nga đang liên tục tiến hành các hoạt động công kích tính chính danh của chính quyền ông V. Zelensky vì cho rằng nhiệm kỳ của ông đã chấm dứt từ ngày 21-5 theo Hiến pháp Ukraine.

Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya lưu ý tất cả các nhà hòa giải cho tiến trình hòa bình ở Ukraine phải tính đến việc quyền hạn của ông Zelensky đã hết hạn và việc ký bất kỳ văn bản nào với ông Zelensky sau ngày 20-5 cũng không có giá trị.

Bước đi có tính toán kỹ

Nhìn chung, cuộc diễn tập hạt nhân lần này của Nga là một bước đi được tính toán kỹ lưỡng để gia tăng áp lực toàn diện vào thời điểm bất lợi nhất cho Ukraine cả về bên trong lẫn bên ngoài.

Sự thiếu hụt trầm trọng đạn pháo, khí tài lẫn các hệ thống phòng không chủ lực như Patriot cùng thái độ "giơ cao đánh khẽ" trong răn đe hạt nhân với Nga từ khối NATO và tính chính danh đang suy yếu của chính quyền ông Zelensky sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dư luận quốc tế trước thềm Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine vào giữa tháng 6 tới.

NATO cân nhắc nhưng khó đưa quân đến UkraineNATO cân nhắc nhưng khó đưa quân đến Ukraine

Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cập tới khả năng NATO gửi lính chi viện trực tiếp cho Ukraine, ông bị chỉ trích như thể đã chạm vào một điều cấm kỵ. Nhưng kịch bản này đang được cân nhắc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên