22/02/2012 08:01 GMT+7

Nga hiện đại hóa quân đội

MỸ AN
MỸ AN

TT - Thủ tướng Putin tuyên bố Nga sẽ tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng trong 10 năm tới để “xây dựng một quân đội hiện đại, linh hoạt trong mọi lúc” với quy mô chưa từng có nhằm đối phó các đe dọa đang trỗi dậy.

Nga sẽ "đối phó mạnh mẽ" với NMD của NATONga tăng cường sức mạnh hải quân

SPTyGGf4.jpgPhóng to
Thủ tướng Nga Vladimir Putin dõi theo một tên lửa được phóng trong một đợt diễn tập hải quân của Nga - Ảnh: Reuters

Viết trên nhật báo Rossiskaya Gazeta, Thủ tướng Putin vạch rõ “các cuộc chiến tranh cục bộ và khu vực mới đang nổ ra ngay trước mắt chúng ta. Đang xuất hiện những khu vực bất ổn, ở đó tình trạng hỗn loạn được dung túng và lèo lái. Các âm mưu đang chực chờ làm bùng nổ những xung đột như vậy ở các khu vực sát cạnh biên giới của Nga và các đồng minh của chúng ta”. Một trong số đó là hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu và các chính sách quân sự của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo ông, việc hiện đại hóa quân đội “để Nga cảm thấy an toàn và để các đối tác lắng nghe cẩn thận hơn những gì đất nước Nga phải nói” bởi trong những điều kiện này, Nga không thể tự bằng lòng với các biện pháp ngoại giao và kinh tế để giải quyết một cuộc xung đột. Theo đó, kế hoạch hiện đại hóa quân đội, vốn đã được đưa ra cách nay một năm, được bổ sung một lượng lớn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tàu ngầm, máy bay chiến đấu và các vũ khí công nghệ cao khác với ngân sách tăng thêm khoảng 770 tỉ USD.

Như vậy, chi tiêu quân sự của Matxcơva sẽ tăng từ 3% GDP trong năm 2011 lên khoảng 5% hoặc 6% trong vòng một thập niên tới. Đây sẽ là đợt mua sắm quân sự lớn nhất của điện Kremlin kể từ Chiến tranh lạnh nhằm xây dựng một hệ thống quân đội “thông minh” và linh hoạt, với các loại vũ khí tối tân hơn bất cứ kẻ thù tiềm năng nào.

Quy mô chưa từng có

Nga, Trung Quốc tẩy chay hội nghị về Syria ở Tunisia

Ngày 21-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho biết Nga sẽ không tham gia hội nghị quốc tế về khủng hoảng Syria ở Tunisia vào ngày 24-2.

“Chúng tôi chưa được thông báo thành phần tham gia cuộc họp hay chương trình nghị sự là gì. Nhưng điều quan trọng nhất là mục tiêu thật sự của cuộc họp này không rõ” - RIA Novosti dẫn lời ông Lukashevich trong một thông cáo.

Matxcơva “có cảm giác hội nghị này nhằm hình thành một liên minh quốc tế (...) để hậu thuẫn cho một phe trong cuộc xung đột bên trong Syria chống lại một phe khác” - ông Lukashevich nhấn mạnh. “Người ta mời đến Tunisia những nhóm đối lập khác nhau trong khi những người đại diện chính quyền Syria lại không được mời. Điều này có nghĩa những lợi ích của một bộ phận đông đảo người dân Syria, vốn ủng hộ chính quyền, đã không được đại diện. Trong trường hợp này, nhiều khả năng hội nghị này không thể giúp mở đầu một cuộc đối thoại quốc gia nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột” - ông Lukashevich nói.

Cùng ngày, Trung Quốc đã từ chối cam kết tham dự hội nghị này.

“Rõ ràng chúng ta không thể phát triển vị thế quốc tế của mình, nền kinh tế cũng như các thể chế dân chủ nếu chúng ta không thể bảo vệ được nước Nga” - ông Putin giải thích về sự cần thiết của một quân đội mạnh.

Ông Putin cho rằng Nga cần trang bị 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cho lực lượng mặt đất và hải quân, 8 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo, 23 tàu ngầm tấn công tổng hợp, 50 tàu đổ bộ, 600 chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, 1.000 trực thăng, 2.300 xe tăng hiện đại, 2.000 đại bác tự hành, 28 hệ thống phòng vệ tên lửa đất đối không S-400, 38 hệ thống phòng không Vityaz và 10 hệ thống tên lửa chiến lược Iskander-M.

Ông Putin nhấn mạnh Nga cần nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí mới thay vì sao chép những loại đã được phương Tây sản xuất trước đó. Ông kêu gọi các nhà hoạch định quân sự nhìn xa 30-50 năm để phán đoán sự xuất hiện của “những vũ khí mới có thể làm thay đổi đặc tính của chiến tranh”. Ông hối thúc các lực lượng không quân, không gian và hạt nhân chiến lược phát triển khả năng đối phó với hệ thống tên lửa mà NATO chuẩn bị lắp đặt.

Tờ Moscow Times dẫn lời chuyên gia quốc phòng Igor Korotchenko nhận định chiến lược cải tổ quân sự của Nga đã hoàn tất và “nhiệm vụ bây giờ là trang bị cho quân đội những vũ khí tối tân”. Tuy nhiên, cũng có lo ngại kế hoạch chi tiêu khổng lồ sẽ vượt sức chịu đựng của ngân sách quốc gia.

Các đe dọa từ nước ngoài

Ngày 20-2, Trung tâm Levada ở Nga công bố một khảo sát cho thấy người dân Nga ngày càng lo sợ về sự đe dọa quân sự từ bên ngoài. Khoảng 55% người tham gia cho rằng Nga có thể bị can thiệp từ nước ngoài, tăng so với 42% của năm 2010, thời điểm bùng nổ của Mùa xuân Ả Rập với sự can thiệp quân sự của NATO vào Libya.

“Những tiến trình chuyển đổi trên toàn cầu đang diễn ra tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó nhiều nguy cơ không thể tiên đoán” - ông Putin nhận định và vẽ ra một bối cảnh hết sức nguy hiểm hiện nay, khi các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc không còn hiệu quả và các nước phương Tây đang tự do cho mình quyền can thiệp quân sự vào một quốc gia có chủ quyền.

Cũng trong bài báo trên, ông Putin chỉ trích phương Tây đang giật dây và lèo lái các cuộc xung đột nổ ra gần đây trên thế giới, dẫn đến “phá hoại và hạ thấp các nguyên tắc luật pháp quốc tế”. Trước đó, Nga đã chỉ trích chiến dịch của NATO vào Libya là vượt quá sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc.

MỸ AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên