Theo RIA Novosti, tại cuộc họp báo ở Hi Lạp - một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) - trong chuyến thăm hai ngày, Tổng thống Putin cho rằng Mỹ hoàn toàn có khả năng lắp đặt các tổ hợp tên lửa tấn công vào các hệ thống phòng thủ tên lửa di động ở Romania, thậm chí là ngay lập tức.
“Nó cũng đồng nghĩa tầm bắn sẽ là 2.400km. Thay thế một tên lửa bằng loại khác không hề khó khăn, chỉ cần thay đổi chương trình điều khiển. Không ai sẽ để ý, ngay cả người Romania” - ông Putin lập luận.
Nếu kịch bản này xảy ra, ông Putin cảnh báo Nga sẽ buộc phải đáp trả tương xứng.
“Nếu như hôm qua các vùng lãnh thổ của Romania không biết thế nào là nằm dưới làn đạn thì nay chúng tôi buộc phải đưa ra các hành động cụ thể để đảm bảo an ninh của chính mình. Tôi lặp lại: đây là hành động tự vệ. Chúng tôi không ra tay trước. Trường hợp Ba Lan cũng tương tự” - Tổng thống Putin tuyên bố đầy cứng rắn.
Giới quan sát cho rằng ông muốn ám chỉ Nga sẽ hướng tên lửa của mình vào các hệ thống phòng thủ của Mỹ tại Romania và Ba Lan.
“Cả thế giới đều chứng kiến khả năng của hệ thống tên lửa tầm trung trên không, trên biển của Nga. Chúng tôi không vi phạm gì cả. Và cả các hệ thống mặt đất với tầm bắn 500km; tên lửa Iskander đã lập những kỷ lục tuyệt vời” - ông Putin dẫn chứng, mặt khác khẳng định Nga sẽ không có bất kỳ hành động nào nếu chưa thấy tên lửa Mỹ xuất hiện ở các vùng lãnh thổ tiếp giáp.
Về quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO, ông Putin tuyên bố Matxcơva muốn khôi phục quan hệ với Ankara sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay SU-24 của Nga ở Syria, nhưng nước này chưa có một hành động cụ thể nào giúp ích cho tiến trình này.
“Tại sao điều đó lại xảy ra (căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ), cho đến nay tôi không tài nào hiểu nổi” - ông Putin bày tỏ.
Trong khi đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng chính quyền Matxcơva đã sẵn sàng gia hạn lệnh cấm vận thực phẩm phương Tây đến cuối năm 2017. Trong cuộc họp với các nhà công nghiệp Nga, ông Medvedev khẳng định tiếp tục duy trì phản đòn nếu phương Tây vẫn chưa dỡ bỏ cấm vận đã áp dụng với Nga từ năm 2014.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận