12/08/2020 15:55 GMT+7

Nga bác bỏ mọi ngờ vực về chất lượng vắc xin, nói bắt đầu tiêm trong 2 tuần nữa

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Nước Nga đứng trước một loạt câu hỏi từ quốc tế về chất lượng vắc xin Sputnik-V ngay sau khi công bố. Bộ trưởng y tế Nga đã lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc nói vắc xin Nga 'nguy hiểm cho người dùng'.

Nga bác bỏ mọi ngờ vực về chất lượng vắc xin, nói bắt đầu tiêm trong 2 tuần nữa - Ảnh 1.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko khẳng định vắc xin ngừa COVID-19 của nước này an toàn - Ảnh: TASS

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 12-8, ông Mikhail Murashko cho biết lô vắc xin đầu tiên sẽ tới tay người dân Nga trong vòng 2 tuần nữa. Những người đầu tiên được tiêm ngừa thuộc nhóm có nguy cơ cao.

Theo Hãng thông tấn Tass, ông Murashko khẳng định quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin Sputnik-V đã hoàn tất và thành công một cách mỹ mãn trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tiết lộ con gái ông đã được tiêm thử nghiệm vắc xin này.

Việc Nga tuyên bố sở hữu vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên của thế giới đã lập tức thu hút sự chú ý từ phương Tây, trong đó phần lớn là các lo ngại Matxcơva đang đặt sĩ diện quốc gia lên sự an toàn của nhân loại.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 12-8 nhắc nhở: thứ mà nhân loại cần là vắc xin an toàn, chứ không phải nước nào bào chế ra vắc xin đầu tiên và cho rằng Sputnik-V không được thử nghiệm đúng cách.

Tại Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm có uy tín của Mỹ - cũng lên tiếng nghi ngờ thông báo của Nga là đã chứng minh được vắc xin của mình an toàn và hiệu quả. Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar thẳng thắn hơn khi nói Nga "không minh bạch" vì không công bố dữ liệu thử nghiệm.

Nga bác bỏ mọi ngờ vực về chất lượng vắc xin, nói bắt đầu tiêm trong 2 tuần nữa - Ảnh 2.

Vắc xin ngừa COVID-19 của Nga được đặt theo tên của vệ tinh nhân tạo đầu tiên của nhân loại được chế tạo trong thời Liên Xô (cũ) - Ảnh chụp màn hình RT

Trước các lo ngại và cáo buộc từ phương Tây, bộ trưởng y tế Nga đã phải lên tiếng vào ngày 12-8, nhấn mạnh thông tin vắc xin Nga "nguy hiểm cho người dùng" là vô căn cứ.

Theo Interfax, Brazil đã liên hệ với Nga để nhận vắc xin thử nghiệm. Việc tiêm thử nghiệm sẽ bắt đầu vào tuần tới.

Ông Alexander Gintsburg, giám đốc Viện Gamaleya của Nga, cho biết những người tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 sẽ được mua bảo hiểm và bồi thường không ít hơn những người đã thử nghiệm các giai đoạn trước.

Viện Gamaleya là một trong các đơn vị đã phối hợp nghiên cứu vắc xin Sputnik-V. Cũng theo ông Gintsburg, trẻ em sẽ chỉ được tiêm ngừa một khi các nghiên cứu đánh giá tác động của vắc xin hoàn tất, sớm nhất trong vòng 3 - 5 tháng tới.

Mexico chấp nhận vắc xin thử nghiệm của Mỹ và Trung Quốc

Chính phủ Mexico ngày 11-8 thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 một loại vắc xin do Mỹ phát triển và hai loại khác của Trung Quốc từ tháng 9 tới.

Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết nước này phải chấp nhận làm nơi thử nghiệm vắc xin của nước khác nếu muốn có vắc xin sớm. Mexico đã liên hệ với nhiều đơn vị nghiên cứu vắc xin và ngỏ ý sẵn sàng nhận vắc xin thử nghiệm lâm sàng.

Mexico hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 nhiều thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Brazil. Bộ Y tế Mexico cho biết đang đánh giá vắc xin Sputnik-V của Nga trước khi ngỏ ý.

Chỉ 10% vắc xin vượt qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và được cấp phép ra thị trường, theo AFP.

Nga duyệt vắcxin ngừa COVID-19, 20 nước mua 1 tỉ liều, WHO: Nga duyệt vắcxin ngừa COVID-19, 20 nước mua 1 tỉ liều, WHO: 'Cần đánh giá thêm'

TTO - Dù Nga tuyên bố phê duyệt vắcxin COVID-19 đầu tiên trên thế giới, hiệu quả và quá trình xét nghiệm loại vắcxin này vẫn khiến các chuyên gia lo ngại. Tổ chức Y tế thế giới cho biết cần đánh giá dữ liệu của Nga trước khi chấp nhận vắcxin này.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên