Nếu khai thác tốt nguồn lực đất đai cho phát triển thì Việt Nam sẽ bớt phụ thuộc vào FDI hơn - Ảnh: V.D.
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nhận định tại hội thảo khoa học quốc gia tiếp tục đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, do Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, tổ chức ngày 15-3 tại Hà Nội.
Theo vị chuyên gia này, Luật đất đai cứ 10 năm sửa một lần nhưng nguyên tắc sở hữu đất đai toàn dân là không bàn. Quá trình sửa Luật đất đai thời gian tới cần sửa cơ chế tài chính với đất đai.
Luật hiện nay quy định toàn bộ các khoản thu từ đất đai nhưng thiếu quy định về chi cho đất đai. Vì vậy, chúng ra đang hiểu méo mó chỉ thu mà không có chi cho đất đai.
Từ thực tế nhiều năm Bộ Tài chính đề xuất thuế tài sản với đất đai bị phản đối, giờ muốn thu được thuế tài sản với nhà đất, TS Vũ Đình Ánh cho rằng cần cân nhắc việc đưa thuế tài sản vào khi sửa Luật đất đai, vì đất là tài sản lớn nhất.
Muốn đưa thuế tài sản vào luật thì phải bỏ ngay thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, quan điểm thuế đất nông nghiệp thời gian tới cũng phải sửa.
Thuế nhà ở đẻ ra 30 năm không thu được, thuế tài sản bàn 5 năm nay lại bàn. Cần bổ sung vào luật, để hoàn thiện cơ chế tài chính đất đai. Phải luật hóa, làm nghiêm túc, để tránh tranh cãi thì mới làm được.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng điều quan trọng cần quy định rõ quyền tài sản trong Luật đất đai sửa đổi thời gian tới - Ảnh: QUAN ĐỊNH
Chỉ một hecta đất Thủ Thiêm đấu giá có thể được 1 tỉ USD, nếu làm được chắc chắn TP.HCM không cần xin trung ương điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách lên mức 18-23% tổng thu. Điều quan trọng hơn là không bị mất cán bộ, đây là cái được lớn nhất. Thứ hai việc tổ chức đấu giá đất, muốn hiệu quả thì Luật đấu giá 2016 phải sửa. Hiện luật này quy định 4 hình thức đấu giá đất: trả giá trực tiếp tại phiên đấu giá bằng mồm, các quốc gia đều làm vậy; ở ta sáng tạo thêm các hình thức bỏ phiếu đấu giá trực tiếp, bỏ phiếu đấu giá gián tiếp, và đấu giá trực tuyến.
TS Vũ Đình Ánh
Còn theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, quy định về sở hữu đất đai toàn dân như hiện nay vẫn không sao, điều quan trọng cần quy định rõ trong Luật đất đai quyền tài sản đất đai thuộc ai, người có quyền tài sản được làm gì.
Cần vận hành sở hữu toàn dân trong cơ chế thị trường, Bộ luật dân sự hiện nay đã quy định người sử dụng đất có quyền tài sản với đất đai. Và thực tế thị trường vẫn đang vận hành, ngoài mua bán có cả đầu cơ, giàu lên từ đất, chỉ có người nghèo là không mua được đất.
Về cơ chế tài chính đất đai, GS Đặng Hùng Võ khẳng định nếu huy động được vốn từ đất thì không cần thu hút đầu tư FDI cũng đủ nguồn lực cho phát triển hạ tầng. Philippines đã thành công trong chiến lược lấy vốn từ đất mà không cần tới đầu tư FDI. Vốn nằm từ đất là nguồn vốn rất lớn, có nhiều cách chuyển đất thành tiền, trong đó có giá trị gia tăng đất đai.
Đây là điều cần cụ thể hóa trong Luật đất đai, nếu lấy được vốn từ đất có thể phớt lờ đầu FDI, như vậy các nền kinh tế chậm phát triển mới có thể đứng trên đôi chân của mình, GS Đặng Hùng Võ khẳng định.
Nhưng để huy động được nguồn lực từ đất đai, TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh trước hết cần thay đổi cơ chế đấu giá đất, hiện hầu hết địa phương né đấu giá đất, giờ sửa luật cần quy định rõ tầm nào, loại đất nào phải đấu giá. Tốt nhất nên quy định loại đất nào không phải đấu giá, còn lại tất cả các loại đất đều phải đấu giá.
Để đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu giá đất cần bỏ ngay hình thức bỏ phiếu đấu giá gián tiếp, cân nhắc hình thức bỏ phiếu đấu giá trực tiếp vì dễ bị can thiệp.
Một bất cập khác của hình thức đấu giá đất hiện nay theo TS Vũ Đình Ánh là quy định của điều 39 Luật đấu giá về tiền đặt trước tham gia đấu giá từ 5-20% giá khởi điểm, sau khi người, tổ chức tham gia trúng đấu giá thì chuyển khoản tiền này thành tiền cọc đấu giá đất.
Khoản tiền này quá thấp nên ai trúng đấu giá không thích thì bỏ cọc. Đó là chưa bàn đến khâu định giá đất khởi điểm có vấn đề.
Vì vậy, cần sửa Luật đấu giá theo hướng quy định tiền đặt trước, đặt cọc là khác nhau. Không chuyển tiền đặt trước thành đặt cọc. Tiền đặt cọc là để người trúng đấu giá không được bỏ cọc nên có thể quy định mức tiền cọc từ 30-50% giá trúng đấu giá đất, nhà tham gia đấu giá phải chuẩn bị tài chính từ trước khi đấu giá.
Trao đổi tại hội thảo, PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho hay hiện nhiều nước thực hiện chế độ sở hữu đất đai tư nhân nhưng không có chế độ sở hữu đất đai tư nhân tuyệt đối, ngay cả ở Mỹ thì nhà nước vẫn can dự vào sở hữu đất đai.
Nhà nước có quyền kê biên đất đai. Thực tế sở hữu đất đai là sở hữu hạn chế, có mối quan hệ giữa nhà nước và cộng đồng dân cư. Tại Việt Nam có đặc thù là tính cộng đồng cao hơn, nhưng tính cộng đồng trong sở hữu đất đai miền Bắc và vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng rất khác nhau.
Theo PGS.TS Trần Quốc Toản thì không thể hiểu chế độ sở hữu toàn dân đất đai là một chủ thể nhà nước, mà hiểu có nhiều cấp độ, có nhà nước, có người sở hữu trực tiếp, có cộng đồng dân cư nhưng chúng ra chưa làm rõ. Hiện giờ giao 8 - 9 quyền cho người dân nhưng không rõ nên không chế định được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận