Phóng to |
Sao bắt học sinh thuộc sử như "cháo" ?
Sự hiểu biết hạn chế và thái độ thờ ơ với lịch sử ở học sinh, sinh viên không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà là chung cho cả thế giới. Nói như vậy không có nghĩa là không biết lịch sử cũng không sao. Chúng ta nên hiểu rằng đây là vấn đề chung của thế giới để đừng quá tự ti về bản thân, mà nên cùng nhau tìm cách thay đổi.
Theo tôi, muốn học sinh, sinh viên tiếp thu môn lịch sử hiệu quả hơn thì các cấp lãnh đạo phải tập trung vào hai vấn đề:
1. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các nhà giáo dạy sử.
Việc đời sống vật chất của các thầy cô dạy lịch sử hiện nay quá khó khăn thì đã được bàn nhiều. Nhưng còn đời sống tinh thần thì sao? Nếu nước ta chưa đủ điều kiện để đưa tất cả học sinh đi tham quan những di tích lịch sử và bảo tàng thì ít ra cũng phải làm được điều này cho tất cả thầy cô giáo môn sử (nhất là những nhà giáo trẻ) để động viên, tạo nguồn cảm hứng, củng cố kiến thức và bồi đắp lòng yêu nghề của họ.
Sử là môn thường bị mang tiếng “khô khan”. Vậy những cuộc giao lưu của các nhà giáo dạy sử nên được tổ chức thường xuyên, thiết thực để họ trao đổi các phương pháp dạy - học bổ ích, mới lạ (chứ không phải những buổi dự giờ nặng tính hình thức).
2. Thay đổi cách tiếp cận môn học này.
Cách giảng dạy và lối viết sách giáo khoa lịch sử nên được thay đổi triệt để và có hệ thống. Lịch sử của những đất nước dù non trẻ nhất cũng rất đồ sộ, nhiều tình tiết “gay cấn”, và hàng ngàn loại thông tin mà không ai có thể nhớ nổi, chứ đừng nói chi lịch sử của những nước đã hình thành từ lâu, trải qua nhiều biến cố như Việt Nam. Vì vậy, các cấp lãnh đạo ngành giáo dục nên từ bỏ “giấc mơ” học sinh nào cũng thuộc sử làu làu như “cháo”.
Thay vì vậy, học sinh chỉ cần biết những sự kiện cơ bản trong lịch sử dân tộc và ý nghĩa những sự kiện đó. Ví dụ như khi học một trận đánh, điều quan trọng không phải chỉ là thời gian cụ thể đến từng giờ từng phút mà là tại sao thời điểm đó là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, không phải chi tiết bao nhiêu người hi sinh mà là tại sao họ hi sinh, có cách nào khiến số người hi sinh ít hơn không, không phải ngày tháng đưa ra nghị quyết mà là nội dung tư tưởng chính của tập thể lãnh đạo lúc đó là gì...
Đương nhiên các chi tiết đầy đủ có thể được đưa vào nội dung sách giáo khoa, nhưng chỉ nên coi đó là thông tin tham khảo chứ đừng ép học sinh thuộc làu vì điều này chỉ mất thời gian mà không được ích lợi gì (học sinh sẽ quên ngay sau khi kiểm tra).
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng nên thôi ép buộc con chỉ tập trung vào toán - lý - hóa chỉ vì con đường công danh.
Có thái độ tốt và tình yêu sẽ học sử tốt
Trước đây, mỗi lần học môn sử tôi cảm thấy rất thích thú bởi vì những sự kiện, trận đánh anh hùng, ý nghĩa sâu sắc... của môn sử.
Hồi mới vào đầu năm học tôi đọc một lèo hết cả cuốn lịch sử, tôi nghĩ nếu các bạn cố gắng điều này không khó. Rồi trước khi có môn học tôi lại dành thời gian đọc bài cũ khoảng 15-30 phút và bài mới 5-15 phút. Vậy là tôi không bao giờ phải sợ mỗi lần cô giáo kiểm tra bài cũ mà tôi còn tìm cách tranh luận với cô. Quan trọng là thái độ, tình yêu môn lịch sử của các bạn mà thôi.
Thầy phải biết gợi mở, trò cần có đam mê
Khi dạy sử, người thầy cần phải nêu vấn đề, đưa ra hệ thống câu hỏi có tính tư duy, chiều sâu để các học sinh tự lý giải, trao đổi. Sau đó thầy đưa ra những câu trả lời xác đáng. Học sinh phải có đam mê với sử, và quan trọng nhất là các em phải tự học, tự nghiên cứu.
Lâu nay chúng ta hay nói tới sử dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Ngày xưa có công nghệ đâu mà nhiều người giỏi đến thế, chẳng hạn như Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, Lê Văn Lan... Chắc chắn họ giỏi là nhờ vào sự đam mê và ý thức tự nghiên cứu.
Thầy đưa nhận định, trò tìm hiểu, đánh giá
Học sử ở bậc phổ thông rất chán. Những bài phải học thuộc lòng mà văn phong chưa chắc đã hay. Những mốc thời gian, năm tháng bắt học thuộc lòng là quá sức chịu đựng. Bộ óc là để suy nghĩ chứ đâu phải để học thuộc lòng. Chưa kể nội dung chương trình cứ dạy tới dạy lui!
Năm học lớp 7, tôi nhớ vanh vách về Hai Bà Trưng nhờ đọc một cuốn truyện tranh, chứ bài trong sách sử thì học thuộc lòng không nổi. Tại sao không dạy theo hình thức đưa ra một nhận định rồi cho học sinh tìm hiểu và đánh giá nhân vật đó? Cứ bắt học sinh học thuộc lòng thì kết quả thấp là do các thầy chứ không phải do học trò.
Học hỏi cách dạy và học lịch sử của cha anh
Tại sao các bậc cha anh của chúng ta đã học lịch sử từ trước nhưng đến bây giờ nói đến lịch sử họ còn nhớ rất rõ và trả lời rất mạch lạc? Tại sao chúng ta không học hỏi cách dạy và học lịch sử của thế hệ trước?
Trước hết, cần soạn lại giáo trình lịch sử cho hay, câu văn đơn giản để người học dễ hiểu, nhớ lâu... Giáo viên dạy sử cần sử dụng các phương pháp dạy học tích cực: dùng tranh ảnh, bản đồ, trích những đoạn thơ, những tư liệu có tính thực tế...
Cha mẹ học sinh cần ý thức được tầm quan trọng của việc học môn sử để động viên, thúc đẩy con em. Các em học sinh cần nhận thức học sử vừa là trách nhiệm vừa là nguồn cảm hứng, thích thú. Nhà nước cần chăm lo cho thầy cô giáo có cuộc sống vật chất đầy đủ. Có như vậy thì việc nghiên cứu, chuẩn bị bài ở nhà, nghiên cứu các phương pháp dạy học tích cực và việc giảng dạy trên lớp của thầy cô sẽ tốt hơn.
Học trò biết tự hỏi, giáo viên biết vượt khỏi sách giáo khoa
Từ cấp II đến cấp III, điểm trung bình môn sử của tôi không mấy khi dưới 9. Có lẽ ai cũng nghĩ tôi là con vẹt chính hiệu nhưng thật ra tôi rất đam mê môn học này. Cái chính là phải thật sự đặt môn sử vào vị trí quan trọng.
Khi học phải biết tự hỏi những câu như: nước mình ra đời khi nào, ông cha ta đã sống ra sao, những công trình kiến trúc văn hóa hiện tại có được ra sao, tại sao miền Bắc và miền Nam lại có sự khác nhau về con người và lối sống?... Và khi trả lời được một câu hỏi thì tôi lại muốn biết đáp án những câu hỏi tiếp theo.
Giáo viên dạy sử không chỉ biết tường tận nhiều sự kiện trong sách giáo khoa mà còn phải tìm hiểu thêm các sự kiện bên lề, cũng như một bộ phim thì thường có cảnh hậu trường. Một cuốn sách mà mình đã đọc hết nhưng có ai nhắc lại với giọng điệu mới thì mình sẽ chỉ có chút ấn tượng, nhưng nếu họ có thêm những tiết lộ mới thì mình sẽ cảm thấy tuyệt biết bao.
Điểm sử thấp: Do dạy, do học hay do gì?Chương trình môn sử nặng nề, xã hội thờ ơĐiểm thi môn sử thấp không ngờVốn liếng sử nhà còn lại bao nhiêu?Điểm thi môn sử thấp không ngờ: lỗi từ cách dạy
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận