Giao diện trang chủ của congdanso.edu.vn - Ảnh chụp màn hình: HÀ QUÂN
Dự án "Hỗ trợ chuyển đổi số cho lực lượng lao động thông qua tăng cường giáo dục nghề nghiệp" do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) và phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM) tổ chức.
Nền tảng Công dân số phiên bản nâng cấp bổ sung nhiều tính năng hữu ích như kết nối việc làm; cung cấp khóa học kỹ năng mềm, kỹ năng xin việc, kỹ năng khởi nghiệp... Các khóa học tại congdanso.edu.vn được Chính phủ Vương quốc Anh, Google, Microsoft hỗ trợ xây dựng, cung cấp.
Nền tảng Công dân số tại địa chỉ https://www.congdanso.edu.vn/ giúp người học là công dân, sinh viên độ tuổi 18 - 35 có thể học tập mọi lúc mọi nơi. Sắp tới, nền tảng hỗ trợ cả lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài; đa dạng chứng chỉ quốc tế; bổ sung khóa học theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo TS Trương Anh Dũng - tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy năng suất lao động Việt Nam thấp hơn các nước đang phát triển.
Để giải quyết thiếu hụt kỹ năng mềm, kỹ năng số cho người lao động, khoảng 60% các trường cao đẳng ứng dụng đào tạo trực tuyến qua một số module, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp áp dụng giảng dạy trực tuyến qua Zoom, Microsoft Team; 50% các trường cao đẳng xây dựng thư viện điện tử, số hóa học liệu…
Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng nhấn mạnh người lao động trẻ, học sinh sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có kỹ năng số để thích ứng, chống chịu với các cú sốc kinh tế, dịch bệnh bất ngờ - Ảnh: HÀ QUÂN
Để thúc đẩy chuyển đổi số cho người lao động, dự án "Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chuyển đổi số cho lực lượng lao động thông qua tăng cường giáo dục nghề nghiệp" sẽ hỗ trợ lao động trẻ kỹ năng mà doanh nghiệp yêu cầu, hoàn toàn miễn phí. Chẳng hạn, ứng dụng Excel trong phân tích dữ liệu, sử dụng thành thạo ứng dụng trên Office 365…
Bà Maria Nenette A. Motus, giám đốc vùng châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức IOM, chia sẻ người lao động di cư luôn mong muốn có cơ hội tốt hơn để cải thiện cuộc sống bản thân và gia đình. Họ tới các thành phố lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai để tìm việc với mức thu nhập cao hơn.
Dù lao động di cư chiếm khoảng 70% tổng số lao động, nhưng một bộ phận có kỹ năng thấp. Bà dự báo nhiều việc làm ở Việt Nam có nguy cơ chuyển đổi sang tự động hóa, số hóa dẫn tới người lao động kỹ năng thấp có nguy cơ mất việc vì chậm thay đổi, thiếu kiến thức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận