Hậu quả của việc làm trên là những thảm cảnh thương tâm như vụ bốn nữ sinh Trường THCS Nguyễn Chí Thanh ở huyện Đălk Song (Đălk Nông) xảy ra ngày 8-2 hay ba học sinh Trường THCS Nguyễn Thế Bảo ở huyện Phú Hòa, Phú Yên xảy ra ngày 29-2. Gần đây nhất là thảm họa của tám nữ sinh Trường THCS Mỹ An II, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội xảy ra ngày 12-9 vừa qua.
Theo lời kể của những nạn nhân may mắn sống sót, nguyên nhân thường do một người vô tình bị ngã trước, sau đó những người còn lại lao ra cứu bạn rồi tất cả cùng chìm.
Như vậy phải làm gì khi gặp những trường hợp trên?
Ta biết rằng đối với những người không quen bơi lội trong nước, khi xuống nước rất mau mệt. Tay chân đuối ra, đôi khi còn bị chuột rút. Bên cạnh đó, khi có nhiều người cùng ở chung một chỗ sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn, người nọ bám lấy người kia để ngoi lên, cứ như thế cho đến khi tất cả kiệt sức.
Ngoài ra cho dù là một người bơi giỏi đi chăng nữa, nhưng nếu bị một người khác ôm chặt lấy thì bạn cũng sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm. Chính vì thế, nếu gặp phải tình huống trên thì cách tốt nhất là bạn phải lặn thật sâu. Theo kinh nghiệm cho thấy phần lớn người không biết bơi thì họ tuyệt đối không thể lặn.
Vì vậy khi bạn lặn sâu xuống thì theo bản năng người kia phải buông bạn ra để trồi lên mặt nước. Khi đó bạn nên lặn xa một chút trước khi nổi lên rồi tìm cách cứu người cũng không muộn. Làm như vậy không phải là ta không có lòng nhân ái, không nhiệt tình trong việc cứu giúp người bị nạn. Thế nhưng nếu muốn cứu người khác thì trước hết bạn phải biết cách tự bảo vệ mạng sống của mình.
Một trường hợp khác, nếu bạn bị chuột rút một cách bất ngờ đến nỗi chân đột nhiên không thể cử động, tốt nhất nên thả lỏng toàn thân, cố gắng duỗi thẳng chân (đừng cử động chân bị chuột rút), sau đó dùng tay bơi từ từ vào bờ.
Đối với trường hợp bị cuốn do nước chảy mạnh không thể bơi vào bờ một cách nhanh chóng, trước hết bạn đừng mắc cỡ, hãy lột bỏ hết áo quần trên người, càng ít quần áo cơ thể của ta càng nhẹ, giảm sức cản của nước, đồng thời khi lột bỏ quần áo giúp ta hoạt động một cách linh hoạt hơn.
Bên cạnh đó, nếu nơi xảy ra tai nạn là những dòng kênh nhỏ hoặc những chỗ không sâu lắm, bạn nên hít một hơi thật sâu sau đó lặn xuống tới đáy rồi đi thật nhanh vào bờ. Vì theo một số người lặn chuyên nghiệp, phía trên nước thường chảy xiết và xoáy hơn phía dưới. Ngoài ra khi ta lặn xuống đáy, chân ta có thể bấm vào đất để đi, khi đó tốc độ sẽ nhanh hơn.
Mùa mưa bão sắp đến, có thể một trong chúng ta sẽ gặp phải trường hợp trên vì vậy mong rằng tất cả chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về khả năng ứng phó tình huống để không gặp phải sự cố đáng buồn. Ngoài ra, đồng bằng sông Cửu Long là nơi hằng năm phải gánh chịu những đợt lũ kéo dài.
Khi mùa lũ đến, khắp đồng bằng đâu đâu cũng là biển nước, nên việc rớt xuống nước là chuyện rất bình thường, nhất là đối với trẻ nhỏ. Vì vậy ngoài việc trông giữ cẩn thận, ta nên sớm tập bơi cho các em nhỏ để khi có sự cố xảy ra, các em cũng có thể tự cứu lấy mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận