Một tiết học trực tuyến của học sinh trong thời gian nghỉ học phòng dịch COVID-19 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Vấn đề này đặt ra câu hỏi phần mềm nào miễn phí và bảo mật cho dạy học trực tuyến?
Lỗ hổng bảo mật
Theo đánh giá từ cơ quan chức năng về an toàn thông tin, phần mềm Zoom tồn tại một số lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng như mã hóa dữ liệu đầu cuối kém, dễ dàng bị dò quét ID cuộc họp, lỗ hổng liên quan đến đường dẫn UNC (Universal Naming Convention).
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin - truyền thông) cho biết "đã ghi nhận hơn 500.000 tài khoản Zoom đã bị lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng gồm email, mật khẩu, đường dẫn URL các cuộc họp và mật khẩu kèm theo".
Trên thực tế, theo ông Nguyễn Minh Đức - CEO Công ty cổ phần an toàn thông tin CyRadar, có rất nhiều thông tin về lỗ hổng của phần mềm hội họp trực tuyến Zoom trong một tháng lại đây. "Đầu tiên, Zoom đã âm thầm đẩy dữ liệu của người dùng về Facebook, gồm các thông tin về máy, thời gian, tài khoản... Việc này có thể phục vụ cho việc quảng cáo bất hợp pháp, có thể là hợp tác với Facebook. Mặc dù Zoom đã thông báo sửa nhưng vẫn làm dấy lên lo ngại người dùng bị mất thông tin dữ liệu..." - ông Minh Đức nói.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, nguyên nhân dẫn đến những lỗ hổng trên của Zoom và cũng là vấn đề lớn nhất hiện nay của phần mềm này là việc tăng trưởng nóng, đặc biệt là trong một vài tháng qua, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới.
Do trong giai đoạn đầu của công ty công nghệ thường chưa để ý đến vấn đề về an ninh an toàn, bảo vệ dữ liệu cho khách hàng, nên khi phần mềm này phát triển quá nóng đã để lộ ra những lỗ hổng trên.
Ưu tiên doanh nghiệp uy tín
Chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Minh Đức chỉ ra rằng Zoom đang sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam là trong lĩnh vực giáo dục với việc triển khai giảng dạy, học tập online ở hầu hết các cơ sở giáo dục phổ thông và chủ yếu là sử dụng miễn phí.
Giải pháp tình thế
Giải pháp tình thế đối với số đông đang sử dụng Zoom để học trực tuyến hiện nay, theo ông Nguyễn Minh Đức, là cần cập nhật thường xuyên phiên bản mới nhất của phần mềm. Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng Zoom phải thực hiện ngay việc đổi mật khẩu phức tạp, tránh sử dụng chung mật khẩu với các tài khoản khác.
Một giáo viên trường THCS tại Hà Nội cũng đề nghị: "Vì mô hình của Zoom là chỉ cần giáo viên có tài khoản rồi gửi đường link và mật khẩu để ai có đường link đó cũng có thể đăng nhập, do đó rất dễ dẫn đến tình trạng phá phách. Nên khi lớp hay trường học quản lý học sinh bằng tài khoản cũng là cách để hạn chế việc phá phách trên lớp học".
Việc phải dùng những ứng dụng trả phí hay nâng cấp lên tài khoản trả phí sẽ khiến chi phí dạy và học online tăng vọt và phần lớn các nhà trường cũng như học sinh, nhất là khối công lập, gặp khó khăn trong việc chi trả chi phí học online.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Cục An toàn thông tin cho rằng nên ưu tiên lựa chọn các sản phẩm phần mềm học trực tuyến, tổ chức hội họp và làm việc từ xa do doanh nghiệp uy tín sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm do doanh nghiệp uy tín trong nước cung cấp như: Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, VNG, CMC, Nhân Hòa... Trên thực tế, các đơn vị công nghệ trong nước cũng đã triển khai nhiều ứng dụng phục vụ cho dạy và học trực tuyến như VinEdu, VioEdu....
Để góp phần gỡ khó cho hệ thống giáo dục trong đợt dịch bệnh, Bộ Thông tin - truyền thông và Bộ GD-ĐT đã ký kết một chương trình với nhiều nội dung hỗ trợ các trường học trong cả nước triển khai dạy và học online. Tuy nhiên từ ý tưởng này đến việc triển khai trong thực tế dường như còn thiếu những giải pháp cụ thể để các trường có thể sử dụng được các ứng dụng Việt.
Vì theo những nội dung cam kết giữa hai bộ và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các trường học mới chỉ tận dụng được ưu đãi về Internet, còn việc sử dụng các ứng dụng phục vụ dạy và học online đại trà vẫn rất hạn chế. Vì vậy, thời gian qua Zoom là sự lựa chọn của đa số trường, giáo viên.
Bộ GD-ĐT khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền
Trước những phản ánh về hiện tượng có kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học trực tuyến đăng tải nội dung xấu, phản giáo dục và tình trạng lạm dụng, quấy rối, bắt nạt trẻ em, Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị các sở GD-ĐT và các nhà trường có biện pháp ngăn chặn, đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT giới thiệu, phổ biến cho giáo viên những giải pháp, phần mềm quản lý và tổ chức dạy học qua Internet tin cậy, có uy tín. Bộ GD-ĐT khuyến khích các nhà trường sử dụng phần mềm có bản quyền, phần mềm do Bộ GD-ĐT và Bộ Thông tin - truyền thông giới thiệu sử dụng miễn phí trong mùa dịch COVID-19.
V.Hà
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận