21/09/2011 14:32 GMT+7

Nên công bố các gian lận trong ngành xăng dầu

HỒNG DIỄN
HỒNG DIỄN

TTO - "Nếu cần công bố gian lận tôi sẽ công bố các gian lận... Doanh nghiệp (xăng dầu) nào kêu về việc giảm giá cứ làm đơn khiếu nại gửi thẳng đến tôi, muốn bỏ thị trường thì cho nghỉ ngay. Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước".

"Hơn mười năm làm ở Kiểm toán Nhà nước, tôi đã biết rất rõ các doanh nghiệp xăng dầu. Vì vậy quan điểm điều hành của Bộ Tài chính sẽ không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân".

Những câu nói quả quyết của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tại hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở VN hiện nay” (tổ chức ngày 20-9 tại Hà Nội) đã làm nức lòng bạn đọc, đồng thời đặt ra nhiều dấu hỏi với ngành xăng dầu vốn "tù mù" như hiện nay.

bXgvpeYc.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (trái) và Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú tại hội thảo ngày 20-9 - Ảnh: T.H.

Xem Bộ trưởng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo. Nguồn: VTV1 19g ngày 20-9

TTO trích đăng một số ý kiến bạn đọc:

Với câu hỏi của Bộ trưởng Bộ tài chính: “Thực chất từng mặt hàng xăng dầu lãi lỗ thế nào?”. Nhưng Petrolimex không trả lời được. Tại sao? Từ vấn đề này mong Chính phủ, Nhà nước kiểm tra làm rõ, tại sao cứ kêu lỗ mà không nói được lời lỗ của từng mặt hàng chứ!

“Nếu cần công bố gian lận tôi sẽ công bố các gian lận”. Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói vậy thì hãy công bố các gian lận trong ngành xăng dầu đi, không cần phải "nếu cần" gì cả. Kinh doanh xăng dầu cứ kêu lỗ nhưng thực hư ra sao thì quá tù mù, dân không hiểu được.

Đó là toàn bộ tinh thần của Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng như của dư luận và tinh thần này xuyên suốt cuộc làm việc. Ba con "cá voi" Petrolimex, Saigon Petro và PVOil không phải là doanh nghiệp tư nhân mà là doanh nghiệp nhà nước (dạng công ty TNHH một thành viên) nên không thể có chuyện đem tiêu chí của doanh nghiệp tư nhân ra đây mà nói chuyện được. Bởi vốn của các ông hình thành từ ngân sách nhà nước, tài sản nhà nước, tức là từ tiền thuế của dân.

Việc chọn đột phá cho chống lạm phát từ bình ổn giá xăng dầu là rất chính xác. Ngay như ở nước Nga, sau khi nhà nước nắm được GAZPROM, nền kinh tế có điều kiện để phát triển. Vậy cần tiếp tục làm đến cùng để Nhà nước nắm được các doanh nghiệp này, đặc biệt là Petrolimex, không thể để cho một "nhóm lợi ích" nào đó thao túng mặt hàng chiến lược này được.

Về thực trạng chi tiết lỗ lãi từng mặt hàng của Petrolimex, tại sao liên tục báo lỗ nhưng khi vào IPO thì lại báo lãi? Tại sao quỹ bình ổn giá xăng dầu không phát huy tác dụng, quỹ này đang ở đâu, thực trạng thế nào?

Bây giờ đã đến lúc cả Thanh tra Chính phủ và kiểm toán nên vào cuộc. Vì dấu hiệu thiếu trách nhiệm đã xuất hiện ở hai vấn đề: không hạch toán được lỗ, lãi từng mặt hàng và không minh bạch trong việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Chẳng công ty kinh doanh xăng dầu nào lỗ cả, cũng không bao giờ có chuyện công ty xăng dầu muốn bỏ thị trường... Miếng bánh béo bở đó dễ dầu gì họ tha.

Tôi thấy trong khi giá xăng dầu thế giới lên thì các công ty xăng dầu nắm bắt thông tin rất nhanh và liên tục yêu cầu tăng giá và tăng liên tục. Thế nhưng khi giá xăng dầu thế giới liên tục giảm trong một thời gian dài mà các công ty xăng dầu cứ làm lơ chuyện giảm giá, mãi đến khi chỉ mới giảm giá 500 đồng dân mới có chút mừng (mặc dù giảm không đáng kể) thì các doanh nghiệp lại đòi tăng giá. Báo cáo lỗ lãi mập mờ. Theo tôi, Bộ trưởng Huệ nên quyết đoán, doanh nghiệp nào kêu lỗ thì đề nghị kiểm toán và cho ngừng kinh doanh, như vậy mới có sự cạnh tranh và dân mới được nhờ. Cảm ơn và hoan nghênh Bộ trưởng Huệ, một người vì 80 triệu dân!

Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Vương Đình Huệ về yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu phải hạch toán lỗ lãi chi tiết từng mặt hàng, không thể tính tổng như ông chủ tịch HĐQT Petrolimex đã nói. Petrolimex các ông đâu chỉ có kinh doanh duy nhất xăng dầu? Các ông còn đầu tư ra ngoài ngành ti tỉ thứ. Nếu các ông gộp tính chung tất cả thì vô hình trung người tiêu dùng đang phải gánh lỗ giúp các ông. Xăng dầu không lỗ nhưng mặt hàng khác của các ông lỗ. Nếu tính chung hóa ra các ông vẫn lỗ. Người tiêu dùng chúng tôi không phải học sinh lớp 1, lớp 2 mà các ông nói gì chúng tôi phải nghe. Chúng tôi cần bằng chứng thuyết phục, không thể cứ tù mù như thế này được. Chúng tôi chấp nhận trả giá cao nếu minh bạch.

Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Do đó cần có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, không thể để các doanh nghiệp độc quyền tự tung tự tác được. Các vị ấy cứ kêu lỗ nhưng lại không giải thích được các khoản lỗ của mình là điều không thể chấp nhận được. Hãy vì lợi ích chung của đất nước. Các doanh nghiệp cần phải minh bạch hoạt động kinh doanh xăng dầu của mình và Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Tài chính phải mạnh như vậy mới ổn định giá cả thị trường được. Doanh nghiệp xăng dầu cứ kêu lỗ mà hằng năm cổ phiếu vẫn báo lãi? Vẫn tài trợ cho các giải hàng trăm tỉ đồng thì sao mà lỗ? Lỗ do đâu? Lỗ cái gì? Phải minh bạch! Nếu lỗ sao chẳng thấy đơn vị nào rút lui? Toàn là thấy tăng đầu tư. Các doanh nghiệp không thể lấy chi phí tăng đầu tư, mở rộng thị phần để gộp vào báo lỗ... Nếu đã lỗ thì bỏ đi đừng làm. Để người khác làm cho họ biết "khổ" vì "lỗ". "Khổ vì lỗ" như các bác thì em cũng xin chịu "khổ" vậy!

Khác với nhiều mặt hàng khác, phải chịu nhiều sức ép như: hết hạn sử dụng, hết mode (lỗi thời), độ rủi ro từ nhu cầu người dùng,... Với mặt hàng xăng dầu, lúc nào cũng "đắt như tôm tươi", mấy cũng ít... Trong khi tính các chi phí từ đầu vào đến đầu ra là một bài toán không quá khó khăn gì. Việc Bộ trưởng Vương Đình Huệ (từng là tổng Kiểm toán Nhà nước nhiều năm) đưa ra khẳng định "các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thể lỗ" là hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn, hoàn toàn tin cậy được (nên ông mới dám chịu trách nhiệm cá nhân).

Như vậy có thể thấy việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói lỗ chỉ có thể có một nguyên nhân không thể chấp nhận được, đó là "quan liêu, yếu kém trong quản lý và điều hành". Mà đã vậy doanh nghiệp nào "lỗ" thì nên nghỉ, nên giải tán, nhường chỗ cho người khác, doanh nghiệp khác làm! Quá rõ!

HỒNG DIỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên