13/03/2017 16:16 GMT+7

Nên có chợ phiên ở “phố giao lưu văn hóa quốc tế”?

TS NGUYỄN NGỌC THƠ (ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)
TS NGUYỄN NGỌC THƠ (ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)

TTO - TP.HCM cần có những góc phố giao lưu văn hóa - nơi du khách quốc tế được gặp gỡ, giao lưu với người dân, được trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực VN, đặc biệt là được cùng hòa nhập với cuộc sống người dân TP.

 

Du khách nước ngoài ở quán đêm trên vỉa hè đường Bùi Viện, quận 1, TP.HCM - Ảnh: H.Khoa. “
Du khách nước ngoài ở quán đêm trên vỉa hè đường Bùi Viện, quận 1, TP.HCM - Ảnh: H.Khoa

Bộ mặt văn hóa - xã hội của một quốc gia không chỉ có nét đẹp trong truyền thống văn hóa thể hiện ở lối sống, phong tục tập quán, ẩm thực, trang phục hay kiến trúc, mà còn là nhịp sống sôi động của những cư dân đô thị đầy sinh lực và sáng tạo. Bao giờ cũng thế, các đô thị, TP.HCM cửa ngõ giao thông với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại luôn là chỗ hội tụ của du khách thập phương.

TP.HCM đầu tàu kinh tế của cả nước, là nơi tinh hoa văn hóa hội tụ, nơi hàng triệu du khách thập phương chờ đợi được tiếp xúc, tìm hiểu cuộc sống, văn hóa và tâm tư, tình cảm người VN. Với trọng trách quan trọng ấy, TP.HCM luôn phải hoàn thiện mình trước cả nước.

Phải có khu phố giao lưu quốc tế

Ngoài sự năng động vốn có của phố phường, TP cần có nhiều điểm nhấn quan trọng có sức thu hút đối với các du khách vốn có phổ thị hiếu đa dạng và nhu cầu thưởng thức ngày càng cao.

Trung tâm TP hoa lệ với nhiều công trình kiến trúc cổ quý giá, hệ thống đình miếu, bảo tàng với những trang sử vẻ vang và nhiều tri thức cuộc sống của dân tộc được gìn giữ, gói ghém tài tình, một dòng sông Sài Gòn hiền hòa nên thơ… đóng vai trò là những điểm nhấn quan trọng của thành phố.

Song chỉ như vậy thôi là chưa đủ, TP cần có những góc phố giao lưu văn hóa - nơi du khách quốc tế được gặp gỡ, giao lưu văn hóa, được tự thân thưởng thức ẩm thực Việt và đặc biệt là được cùng hòa nhập với cuộc sống người dân thành phố.

Nhiều nước xung quanh chúng ta như Singapore, Malaysia, Thái Lan và cả Campuchia đều rất coi trọng việc xây dựng khu giao lưu quốc tế như vậy. Thường thì đó là khu phố đi bộ với nhiều dịch vụ ẩm thực, buôn bán hàng thủ công mỹ nghệ, hàng mỹ thuật mang màu sắc văn hóa dân tộc mình.

Là thành phố năng động nhất của cả nước, TP.HCM thực sự cần có một khu phố như vậy. Trên thực tế, TP đã có phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhưng đó là không gian giao tiếp công cộng của người dân và du khách thập phương, không phải là nơi cung cấp các dịch vụ khác.

Trong khi đó, khu phố Bùi Viện - Đề Thám từ lâu trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách nước ngoài, đồng thời cũng là nơi đã có sẵn hệ thống các dịch vụ phù hợp. Do vậy, việc xây dựng khu phố Tây này thành phố đi bộ kiêm chức năng giao lưu văn hóa quốc tế là có cơ sở thực tiễn và mang tính khả thi.

Khu phố này không nên gọi là khu phố Tây mà phải gọi là “khu phố giao lưu văn hóa quốc tế”, bởi như vậy mới thấy hết vai trò và tính chủ động của người dân thành phố.

Khách nước ngoài và VN ngồi uống bia trên vỉa hè đường Bùi Viện, quận 1, TP.HCM - Ảnh: Hữu khoa
Khách nước ngoài và VN ngồi uống thư giãn trên vỉa hè đường Bùi Viện, quận 1, TP.HCM - Ảnh: Hữu khoa

"Phố giao lưu quốc tế” ra sao?

Để xây dựng thành khu phố giao lưu văn hóa thực chất, thành phố cần có kế hoạch chi tiết, hệ thống và đồng bộ từ các bình diện cấu trúc không gian, phương thức giao thông, loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch, thành phần dân cư…

Không gian khu phố đã khá ổn định, bao gồm phố Bùi Viện và một phần phố Đề Thám, được bổ sung bằng công viên 23-9 và hệ thống giao thông xe buýt. Trong tương lai là xe điện ngầm đường Trần Hưng Đạo nên hết sức thuận tiện.

Trong nội bộ khu phố, TP có thể lựa chọn hai phương thức gồm xây dựng khu phố đi bộ hoàn toàn, mọi phương tiện giao thông đều không sử dụng trong khu phố, kể cả đối với cư dân sinh sống trong khu vực này. Hoặc xây dựng khu phố đi bộ vào ban đêm với các mốc thời gian được quy định chặt chẽ.

Dù với phương án nào đi nữa thì TP cần có nhiều khu giữ xe riêng ở các đầu góc phố cho người dân sinh sống hay làm việc trong khu phố này. Hệ thống vỉa hè tuyệt đối phải thông thoáng, sạch sẽ, ngăn nắp để phục vụ các hoạt động giao tiếp, giao thông.

Khu phố đi bộ phải có hệ thống các dịch vụ liên hoàn và khép kín, từ dịch vụ đổi ngoại tệ, ăn uống, mua sắm thời trang, internet, hiệu sách quốc tế, rạp chiếu phim, hệ thống hoa cỏ, cây cảnh…đi kèm với nhiều biểu tượng kiến trúc, mỹ thuật mang phong cách đương đại tô điểm thêm cho nét duyên của khu phố.

Có thể hình thành chợ phiên văn hóa

TP có thể xem xét bố trí các buổi chợ phiên văn hóa hằng đêm để tạo cái mới mang tính chu kỳ. Chẳng hạn tối thứ bảy và chủ nhật thì mở chợ phiên mỹ thuật (hàng mỹ thuật, mỹ nghệ, tranh nghệ thuật, đồ trang sức...); tối thứ hai và thứ ba thì mở chợ phiên đồ gốm sứ, đồ mỹ thuật gia dụng, các buổi tối còn lại có thể mở chợ phiên hàng đan đát, ẩm thực đường phố, ẩm thực biển, cà phê VN,…

Chợ phiên loại hình nào thì quy định ưu tiên cho mặt hàng ấy, người mua chắc chắn không chỉ có du khách nước ngoài mà còn có cả đông đảo thanh thiếu niên thành phố. Hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đặc biệt là hàng hóa từ các làng nghề truyền thống VN.

Tại mỗi chợ phiên văn hóa phải có những “nghệ nhân làng nghề” đóng vai trò những người giới thiệu tri thức làng nghề, có kỹ năng nói tiếng Anh tốt để kể cho du khách nghe câu chuyện làng nghề, nét đẹp làng nghề, phong tục - tập quán người dân làng nghề, tài hoa người làng nghề, bởi lẽ du khách hiện đại có nhu cầu được lắng nghe, câu chuyện làng nghề trước khi tiếp xúc sản phẩm làng nghề của họ.

Tại nhiều góc phố cần bố trí những tiểu cảnh với nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau mang phong cách hậu hiện đại để làm nơi ghi lại những khoảng khắc đặc biệt của du khách. Bằng mạng xã hội, những người du khách thập phương này sẽ mang hình ảnh đẹp của khu phố truyền bá ra khắp thế giới, bạn bè tứ phương khi chiêm ngưỡng những hình ảnh đẹp đó ắt sẽ biết và tìm tới TP.HCM.

Người dân sinh sống trong khu phố này phải được tiếp cận thông tin, được giải thích cặn kẽ và được ứng xử công bằng để có thể tự nhận thức rằng tất cả những hoạt động, quy định nói trên đều là để phục vụ tốt hơn các loại hình dịch vụ tại khu phố mà hơn hết là chức năng giao lưu văn hóa. Họ cần được trang bị những kỹ năng ứng xử đa văn hóa, có kiến thức, hiểu biết về thế giới, đảm bảo tính hiệu quả của giao lưu văn hóa quốc tế.

Nhà quản lý cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho khu phố, được xây dựng trên nền tảng của Bộ quy tắc ứng xử của du khách chung của thành phố.

Nếu có thể, thành phố cần đặt hàng nghiên cứu, xây dựng mô hình phù hợp cho khu phố này, trong đó lý luận về đô thị, quản lý đô thị, dịch vụ du lịch, văn hóa đường phố… được sử dụng kết hợp với các điều kiện thực tiễn để làm cơ sở cho việc xây dựng khu phố đạt được các mục tiêu nói trên.

TS NGUYỄN NGỌC THƠ (ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên