Nắng nóng như thiêu đốt tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 28-4 - Ảnh: AFP
"Đây là lần đầu tiên tôi thấy thời tiết kinh khủng như vậy trong tháng 4. Thông thường thời tiết như vậy chỉ đến từ tháng 5 trở đi", chị Somya Mehra, một người nội trợ ở khu vực Delhi của Ấn Độ, nói.
Tình hình càng tồi tệ với một đám cháy bãi rác ở New Delhi kéo dài 3 ngày qua, khiến nhiệt độ một số khu vực tăng lên đến 45 độ C và dự kiến sẽ còn nóng hơn vào cuối tuần.
Các bang Rajasthan, Gujarat và Andhra Pradesh ở nước này mới đây đã phải cắt điện tại các nhà máy do điện tiêu thụ từ máy điều hòa và quạt máy tăng chóng mặt. Các nhà máy điện tại địa phương cũng lâm vào tình trạng thiếu hụt than, nguồn cung cấp năng lượng chính của quốc gia 1,4 tỉ dân này.
Người dân giải nhiệt tại một hồ bơi ở Lahore, Pakistan, ngày 28-4 - Ảnh: AFP
Tại các khu vực khác, tình trạng thiếu nước cũng ngày càng nghiêm trọng hơn trong khi chờ đến mùa mưa vào tháng 6 và 7. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nông dân trong bối cảnh Ấn Độ tính tăng cường xuất khẩu để giúp xoa dịu tình trạng thiếu hụt lương thực trên toàn cầu.
Đợt nắng nóng này dự kiến sẽ kéo dài trong những ngày tới, theo cơ quan khí tượng của Ấn Độ. Thủ tướng Narendra Modi mới đây cũng cảnh báo nhiệt độ cao có thể làm gia tăng các vụ cháy rừng, cháy nhà.
Tương tự, nắng nóng cũng đang thiêu đốt nhiều khu vực ở Pakistan với nhiệt độ ở các vùng nông thôn tỉnh Sindh lên đến 48 độ C vào ngày 27-4.
"Y tế công và nông nghiệp quốc gia sẽ đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng do nhiệt độ cực đoan năm nay", Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng phụ trách biến đổi khí hậu Pakistan, bà Sherry Rehman, nói. Tháng trước là tháng 3 nóng nhất tại Pakistan kể từ năm 1961.
Các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu đã góp phần gây nên đợt nắng nóng bất thường tại Nam Á. "Trước khi các hoạt động của con người làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu, khả năng xảy ra nắng nóng trong tháng này chỉ 1 lần trong 50 năm. Nhưng bây giờ nó xảy ra thường xuyên hơn và nhiệt độ cao như vậy diễn ra mỗi 4 năm 1 lần", chuyên gia Mariam Zachariah của Viện Grantham ở Anh nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận