28/05/2024 09:16 GMT+7

Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tụt hạng: Cần tìm giải pháp lâu dài

Các chuyên gia cho rằng những chỉ số của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã được tính toán và tiêu chuẩn hóa, du lịch Việt Nam cần nhìn vào để soi năng lực cạnh tranh thực tế đưa ngành du lịch phát triển đúng hướng.

Khách du lịch tham quan TP.HCM bằng xích lô - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khách du lịch tham quan TP.HCM bằng xích lô - Ảnh: QUANG ĐỊNH


Du lịch Việt Nam phải lắng nghe và thay đổi

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, từ kết quả của báo cáo Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu 2024 theo phương pháp đánh giá mới do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố, cơ quan quản lý du lịch Việt Nam cần lắng nghe và tiếp tục cải thiện những hạn chế để giữ được sức hút với khách du lịch quốc tế và kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại Việt Nam.

Ông Phước Đặng, CEO Outbox Comapy, cho rằng cần nhìn nhận du lịch Việt Nam muốn có giải pháp thì việc đầu tiên phải dám nhìn vào kết quả và chấp nhận đánh giá thực tế rồi tìm nguyên nhân. Thực tế, các chỉ số của WEF được điều chỉnh rất kịp thời, phù hợp với các biến động sau dịch và khá hợp lý.

Một yếu tố khác là báo cáo thực hiện đánh giá xếp hạng giữa các quốc gia, tức một quốc gia này đã có cố gắng nhưng vẫn tụt hạng thì có nghĩa những nỗ lực đó vẫn chưa bằng quốc gia khác, nên hiểu rằng vẫn cần tiếp tục điều chỉnh để cải thiện.

Vì vậy, theo ông Phước Đặng, các chỉ số của WEF đã được tính toán và tiêu chuẩn hóa, du lịch Việt Nam cần nhìn vào để soi năng lực cạnh tranh thực tế đưa ngành du lịch phát triển đúng hướng.

"Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã xác định để cải thiện chỉ số "Sự bền vững về nhu cầu du lịch", ngành du lịch Việt Nam cần phát triển thêm nhiều tour du lịch và sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, không chỉ đơn giản là phát triển sản phẩm, mà chúng ta cần phải có những giải pháp thực sự hiệu quả", ông Phước Đặng phân tích.

Còn ông Nguyễn Hoàng Trưởng, phó chủ tịch CLB du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam, nhận xét trong các chỉ số của Việt Nam rơi vào hạng trung bình và thấp, chỉ tiêu đáng suy nghĩ là mức độ ưu tiên cho du lịch.

So với các nước xung quanh, doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn khá đơn độc. Nếu xét về tài nguyên du lịch, Việt Nam hoàn toàn tự hào để phát triển, nhưng sản phẩm du lịch rất nghèo nàn, nhiều chuyến famtrip được triển khai theo phong trào nhưng rồi không thể phát triển thành sản phẩm thương mại hay khai thác bền vững.

Theo một chuyên gia du lịch, với kết quả từ báo cáo Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu 2024, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam không nên tập trung vào vấn đề tụt hạng nữa mà phải làm sao để cải thiện năng lực du lịch Việt Nam hiện nay.

Ngay đầu năm 2024, Chính phủ đã có chỉ thị 08 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.

Chỉ thị này cũng đã xác định các nhiệm vụ mà ngành du lịch cần phải tập trung cải thiện, trong đó chủ động đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, du lịch nông thôn, du lịch ẩm thực, sức khỏe...

Và đây là cơ hội để du lịch Việt Nam có tham chiếu để nhận biết vị thế của du lịch Việt Nam ở đâu. "Để cải thiện năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia, Việt Nam cũng có thể cân nhắc đến bộ chỉ số phát triển du lịch riêng ở các địa phương.

Bởi nếu chỉ số địa phương được cải thiện, năng lực quốc gia cũng sẽ cải thiện. Chúng ta đang hướng đến phát triển du lịch bền vững, nhưng nhiều điểm đến vẫn còn tình trạng rác thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường... Đó là những vấn đề cần có giải pháp lâu dài", vị chuyên gia này nêu ý kiến.

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nói gì về cạnh tranh ngành bị tụt hạng?Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nói gì về cạnh tranh ngành bị tụt hạng?

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vừa có đánh giá về Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu 2024, trong đó Việt Nam giảm 3 bậc so với năm 2021.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên