30/08/2022 08:00 GMT+7

Nâng cao năng lực điều hành cho chính quyền đô thị Đà Nẵng

VIỆT HÙNG
VIỆT HÙNG

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng (gọi tắt NQ119) được ví như “chiếc áo mới”, phù hợp hơn để Đà Nẵng có cơ chế, chính sách phát triển mạnh mẽ.

Nâng cao năng lực điều hành cho chính quyền đô thị Đà Nẵng - Ảnh 1.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết - Ảnh: V.H

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện NQ119 cho thấy các cấp, ngành TP đã có nhiều nỗ lực để mang lại hiệu quả trong hoạt động của bộ máy, song qua thực tế cũng bộc lộ những vướng mắc. Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết.

* Thưa ông, kết quả thực hiện NQ119 đạt được như kỳ vọng?

- Ngay khi Quốc hội ban hành NQ119, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch và nhiều văn bản để chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa triển khai thực hiện. HĐND thành phố đã ban hành NQ 342/NQ-HĐND năm 2020 về triển khai thực hiện NQ119.

Thường trực HĐND TP đãxây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát tình hình triển khai thực hiện NQ119 gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các quận, phường, nhằm kịp thời đôn đốc, chỉ đạo, kiến nghị giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tại các địa phương.

Nâng cao năng lực điều hành cho chính quyền đô thị Đà Nẵng - Ảnh 2.

Thực hiện thí điểm NQ119 làm chính quyền đô thị Đà Nẵng tinh gọn hơn, hoạt động hiệu quả hơn - Ảnh: V.H

Năm 2021, đã thành lập 2 đoàn giám sát; tổ chức 19 buổi làm việc, giám sát thực tế tại UBND các quận, phường. Năm 2022, đã thành lập 2 đoàn giám sát, với 12 tổ giám sát; tổ chức hơn 40 cuộc làm việc, giám sát tại UBND quận, phường.

Qua kết quả giám sát, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện NQ119 ở các cấp rất tốt, xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng để tiếp tục hoàn thiện bộ máy nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Quận, phường đã kịp thời triển khai tổ chức mô hình chính quyền đô thị liên quan đến bộ máy, quản lý cán bộ, công chức, viên chức (CCVC), từng bước nâng cao năng lực điều hành, phục vụ của UBND quận, phường.

Điểm tích cực nữa là việc tổ chức Hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND quận, phường với nhân dân để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến phản ánh, kiến nghị của nhân dân, phát hiện những vướng mắc, phát sinh để giải quyết, điều chỉnh các chủ trương, chính sách, quy định phù hợp.

Nâng cao năng lực điều hành cho chính quyền đô thị Đà Nẵng - Ảnh 3.

Lãnh đạo phường Nại Hiên Đông tích cực tiếp dân để lắng nghe nguyện vọng, ý kiến phản ánh của nhân dân - Ảnh: Đ.Hải

Nhìn chung, công tác triển khai thực hiện NQ119 đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ các yêu cầu đặt ra. Việc tổ chức thí điểm NQ119 trên địa bàn TP đang dần đi vào nề nếp; việc chuyển tiếp thực hiện nhiệm vụ giữa hai giai đoạn đảm bảo tính liên tục, thông suốt.

* Vấn đề khó và nhạy cảm là sắp xếp cán bộ, CCVC theo tinh thần NQ119 được TP thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Kết quả ban đầu việc thực hiện NQ119 có những tích cực, thể hiện rõ nhất là tổ chức bộ máy quản lý đô thị tinh gọn hơn, tiết kiệm chi thường xuyên, thủ tục hành chính giảm, thời gian triển khai kế hoạch nhanh hơn, phù hợp với tính chất, yêu cầu quản lý của đô thị.

Việc phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới và cơ quan chuyên môn được đẩy mạnh thực hiện toàn diện trên tất cả lĩnh vực.Tính năng động trong hoạt động điều hành của chính quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu UBND quận, phường được nâng cao.

Nâng cao năng lực điều hành cho chính quyền đô thị Đà Nẵng - Ảnh 4.

Hiện các phường, quận ở TP Đà Nẵng có tổ một cửa giải quyết gọn nhẹ tất cả yêu cầu của cá nhân, doanh nghiệp - Ảnh: Đ.Hải

Về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, UBND các quận, phường đã ban hành quy chế làm việc phù hợp với thực tiễn địa phương. Việc sắp xếp, bố trí các chức danh, tinh giản biên chế phù hợp với trình độ chuyên môn và nguyện vọng từng cán bộ, hiện đa số cán bộ được sắp xếp, bố trí lại yên tâm công tác, bước đầu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

UBND TP đã trình HĐND TP phân bổ 675 biên chế công chức làm việc tại UBND 45 phường (bình quân 15 người/phường); trình HĐND quyết định số lượng biên chế công chức của UBND phường ở từng quận; tiếp tục thực hiện tốt việc kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.

Qua đó giảm ít nhất 40 đầu mối (giảm 5 chi cục, 21 phòng thuộc cơ quan chuyên môn và 14 phòng thuộc chi cục); tiếp tục sắp xếp, đổi mới tổ chức, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP quản lý. Các địa phương đã thực hiện sắp xếp, bố trí, hoàn thành việc thẩm định 619 trường hợp công chức phường thành công chức thuộc biên chế quận từ ngày 1-7-2021 đến nay.

* Thưa ông, với HĐND thì thực tiễn việc thực hiện NQ119 đã phát sinh những vướng mắc, khó khăn gì?

- Khi thực hiện NQ119 thì số lượng đại biểu HĐND TP chuyên trách, biên chế của Văn phòng ĐĐBQH và HĐND TP còn thấp, ảnh hưởng nhất định đến việc tiếp nhận, xử lý các ý kiến của cử tri nói riêng, chất lượng giám sát của HĐND TP nói chung.

Hiện nay, trong hệ thống pháp luật còn nhiều nội dung thuộc Luật Xây dựng, Luật Đất đai,… quy định thẩm quyền "quyết định", "thông qua" của "HĐND cùng cấp" trước khi triển khai các bước tiếp theo. Trong khi đó, mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng thì cấp quận, phường không còn HĐND cùng cấp.

Nâng cao năng lực điều hành cho chính quyền đô thị Đà Nẵng - Ảnh 5.

Các chính quyền quận kiến nghị TP phân cấp dự án nhỏ để quận có điều kiện cải thiện cơ sở hạ tầng - Ảnh: V.H

NQ119 và Nghị định số 34/2021 của Chính phủ chưa có quy định, hướng dẫn về những nội dung này. Khi thực hiện thí điểm NQ119 thì quận, phường trở thành đơn vị dự toán ngân sách nên không còn nguồn tăng thu, kết dư ngân sách để chủ động bổ sung dự toán phục vụ phát triển địa phương.

Thực tế quá trình quản lý nhà nước trên địa bàn quận, phường phát sinh nhiều nội dung chi, nhất là sửa chữa cơ sở hạ tầng đô thị, an sinh xã hội, giải quyết bức xúc của nhân dân,…nên khi không còn là cấp ngân sách, quận, phường không chủ động trong điều hành ngân sách, nguồn chi để kịp thời xử lý những vấn đề cấp thiết này, việc điều chỉnh dự toán ngân sách theo quy định không thể kịp thời.

Những vướng mắc, khó khăn nêu trên, TP Đà Nẵng đã chủ động rà soát, nghiên cứu giải pháp khắc phục và đã báo cáo đề xuất đối với cấp có thẩm quyền theo quy định.

Chủ tịch quận đã tổ chức 21 cuộc đối thoại với 1.799 người tham gia, chủ tịch phường tổ chức 70 cuộc với 4.252 người tham gia. UBND các quận đã tiếp nhận 89 ý kiến và UBND phường đã tiếp nhận 2.043 kiến nghị, đề xuất của người dân, tỷ lệ giải quyết trên 95%.

Chuyển đổi số ở Đà Nẵng - động lực mới và cơ hội tăng tốc Chuyển đổi số ở Đà Nẵng - động lực mới và cơ hội tăng tốc

TTO - Mục đích của chuyển đổi số là tạo ra tiện ích xã hội thuận lợi hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn… để phục vụ người dân, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên