08/12/2010 06:32 GMT+7

Nạn hai giá trở lại

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - Giá USD đang giảm mạnh nhưng doanh nghiệp vẫn phải mua USD cao hơn giá ngân hàng niêm yết cả ngàn đồng/USD. Gửi tiết kiệm, thay vì trả 14%, ngân hàng chỉ trả 12% theo bảng lãi suất niêm yết, phần còn lại 2% trả dưới dạng thưởng, tặng.

Ngân hàng không trả “một cục 14%” vì bị khống chế bởi trần lãi suất. Cơ chế hai giá, đã bị khai tử khi Việt Nam chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, nay đang sống lại.

Tuy không tràn lan nhưng nạn hai giá lại phổ biến trong các giao dịch tài chính, vì thế ảnh hưởng của nó với nền kinh tế là rất lớn, khuyến khích các giao dịch ngầm, làm méo mó môi trường kinh doanh.

Thay vì công bố một mức lãi suất, ngân hàng (NH) chỉ công khai một phần, còn lại “nhỏ to” để trả thêm cho một số người gửi tiền. Có người biết để đòi khoản trả thêm nhưng cũng có người không biết, chịu thiệt. Có khách hàng biết NH có khoản trả thêm không công khai nên đã ngã giá, buộc NH phải trả thêm nhiều hơn. Hậu quả của tình trạng tăng lãi suất núp bóng trả thưởng này đã khiến cuộc chạy đua lãi suất kéo dài và không có hồi kết.

Có chuyên gia kinh tế nói nếu duy trì hai lãi suất, giữ trần lãi suất huy động thì việc kiểm soát lạm phát sẽ còn nhiều khó khăn. Khi NH được quyết định lãi suất, có thể lãi suất sẽ tăng mạnh nhưng theo quy luật sẽ giảm lại vì không có người vay. Bài học này từng được áp dụng năm 2008 khi lạm phát cao nhưng đã không được sử dụng lại trong nhiều tháng qua. Gần đây, Chính phủ chủ trương để lãi suất huy động theo thị trường nhưng đến nay trần lãi suất vẫn tồn tại.

Nhưng đau đầu nhất là nạn hai tỉ giá đang làm lệch lạc sổ sách kế toán của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Mua USD giá trên 21.000 đồng nhưng lại ghi chỉ có 19.500 đồng, còn lại núp dưới nhiều khoản khác mà doanh nghiệp có thể nghĩ ra được. Nạn hai tỉ giá khiến cung cầu ngoại tệ bị bóp méo, giá bị đẩy lên khiến giá hàng hóa tăng và nhiều người trở lại với thói quen găm giữ ngoại tệ...

Cơ chế hai giá sống lại, một chuyên gia kinh tế cho rằng nguyên nhân là do một thời gian dài thực hiện chính sách quản lý nặng về hành chính, cấm cản. NH không tự quyết định lãi suất huy động, phải theo khung lãi suất đồng thuận.

Thực tế sự đồng thuận này là hình thức, không xuất phát từ quyền lợi của người gửi tiền và NH. Lãi suất đồng thuận là cào bằng, bất kể NH lâu năm hay mới ra đời, NH tên tuổi hay chưa nổi danh. Hệ quả là một số NH không thể thu hút được tiền gửi, phải chuyển sang thưởng, tặng thêm tiền. Còn nạn hai tỉ giá nảy sinh có nguyên nhân chính sách quản lý đã khiến thị trường vàng trong nước bị tách rời khỏi thị trường vàng thế giới...

Tái xuất hiện nạn hai giá là một bước lùi và nó đang tác động xấu đến người dân, doanh nghiệp và sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Đã có đề nghị cần sớm chấm dứt nạn hai giá trong hệ thống NH nhưng đề nghị này chậm được thực thi. Nhiều chuyên gia kinh tế nói rằng để xóa nạn hai giá cần nhiều thời gian, thậm chí phải thay đổi cả tư duy quản lý, vì thế không thể chậm trễ hơn nữa.

Cảnh báo này cũng đã được nêu ra tại hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam khi có đề nghị về lâu dài, trong quản lý cần phải áp dụng các nguyên tắc thị trường, thay vì hành chính. Chắc chắn nếu nạn hai giá không được khắc phục, tới đây nó sẽ là trở ngại khi thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên