25/01/2022 12:14 GMT+7

'Năm nay khó khăn nhưng cũng ráng cho ông Táo về trời tươm tất'

MINH HÒA - CHÂU TUẤN
MINH HÒA - CHÂU TUẤN

TTO - Năm nay làm ăn khó khăn nhưng cuối năm nhiều người tại TP.HCM cũng chọn mua cá chép to, khỏe để đưa "ông Táo thượng lộ bình an về đến trời", cầu mong năm mới an lành, suôn sẻ, thuận lợi.

Năm nay khó khăn nhưng cũng ráng cho ông Táo về trời tươm tất - Ảnh 1.

Nhiều người sợ thả cá gần bờ bị người ta bắt nên thuê ghe ra giữa sông để thả cá chép - Ảnh: CHÂU TUẤN

Sáng 25-1 (23 tháng chạp âm lịch), nhiều người dân đến chùa Diệu Pháp, phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM để hành lễ và thả cá phóng sinh trong ngày cúng ông Công ông Táo. Năm nay, không còn cảnh cá phóng sinh bị gí điện khi vừa thả xuống như mọi năm.

Người dân từ quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, TP Thủ Đức... đến chùa từ rất sớm để niệm Phật, chọn mua những chú cá chép khỏe mạnh, phóng sinh, cầu mong có "phương tiện" tốt để ông Táo "thượng lộ bình an" về trời báo cáo theo quan niệm dân gian.

Anh Đỗ Trung Dũng (ngụ quận Bình Thạnh) cùng con gái mang cá chép ra thả cạnh chùa để ông Táo về trời. Anh Dũng cho biết nhà kinh doanh buôn bán, nhưng năm nay dịch kéo dài nên doanh thu bị ảnh hưởng nặng.

"Khó khăn chồng chất nhưng cuối năm cũng ráng chọn mua cá chép to, khỏe để ông Táo thượng lộ bình an về đến trời báo cáo tình hình một năm qua nhà tôi làm ăn thế nào, phù hộ năm nay làm ăn suôn sẻ, thuận lợi..." - anh Dũng chia sẻ.

Dần về trưa, người dân mang theo cá chép đến đoạn bờ sông cạnh khuôn viên chùa càng đông hơn. Nhiều người dân chọn cách thuê ghe ra giữa sông Sài Gòn để thả cá phóng sinh.

Bà Vương Thị Mỹ Châu - 67 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận - chia sẻ: "Đại gia đình nhà tôi góp lại 5 triệu đồng để mua cá chép phóng sinh. Năm nào cũng vậy, ông bà, cha mẹ dẫn theo con cháu đi thả cá tiễn Táo quân lên trời.

Gia đình cùng nhau giải thích cho con, cháu biết thêm về tín ngưỡng, văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Trước khi bán, đa số cá chép đã được các thương lái nuôi trong thùng, chậu vài tuần và thở bằng máy oxy nên bơi rất yếu. Lo sợ thả gần bờ chưa kịp khỏe lại để bơi đi thì người ta bắt mất nên gia đình tôi quyết định thuê ghe ra giữa sông Sài Gòn phóng sinh".

Ngoài cá chép, người dân còn thả thêm cá trê, cá lóc, ba ba, chim… với mong muốn các loài vật được trở về với cuộc sống tự nhiên. Chị Thy Ngân (ngụ quận 7) cho biết được nhóm bạn thân rủ đến chùa Diệu Pháp để thả cá chép phóng sinh.

"Tôi cầu mong cho gia đình luôn bình an, cha mẹ mạnh khỏe và dịch bệnh COVID-19 chóng qua, cuộc sống người dân trở lại bình thường như trước" - chị Ngân bày tỏ.

Năm nay khó khăn nhưng cũng ráng cho ông Táo về trời tươm tất - Ảnh 2.

Anh Thân Văn Tuyến - ở phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM - thả cá chép đưa ông Táo về trời (ảnh chụp trên kênh Nhiêu Lộc sáng 25-1) - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Năm nay khó khăn nhưng cũng ráng cho ông Táo về trời tươm tất - Ảnh 3.

Cá chép đỏ được người dân ưa chuộng vì giá cả hợp lý - Ảnh: CHÂU TUẤN

Năm nay khó khăn nhưng cũng ráng cho ông Táo về trời tươm tất - Ảnh 4.

Một người thả cá chép xuống sông để ông Táo cưỡi về trời cầu mong một năm bình an, ấm no - Ảnh: CHÂU TUẤN

Năm nay khó khăn nhưng cũng ráng cho ông Táo về trời tươm tất - Ảnh 5.

Một cô gái thuê ghe ra giữa sông thả cá sẵn tiện hóng mát - Ảnh: CHÂU TUẤN

'Thả cá chép, không thả túi nilông'

TTO - Sáng 17-1 (23 tháng chạp âm lịch), người dân Hà Nội nô nức thả cá chép tiễn Táo quân về trời. Năm nay, mọi người đã ý thức và văn minh hơn trong việc thả cá, tích cực bảo vệ môi trường.

MINH HÒA - CHÂU TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên