13/02/2022 09:49 GMT+7

Năm mới yêu thương của Quế Anh

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Những ngày này, Nguyễn Mộc Quế Anh (10 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) đang rất hào hứng vì sắp được đi học lại. Tối nay em sẽ theo bà Chào ra nhà sách để mua bọc sách, "bao hai cuốn sách mới", chuẩn bị đến trường.

Năm mới yêu thương của Quế Anh - Ảnh 1.

Hai bà cháu ngồi xem quần áo mới của Quế Anh, chuẩn bị cho em đến trường - Ảnh: VŨ THỦY

Con bé hay nhắc mẹ lắm. Mỗi lần nghe tiếng xe thắng kít trước nhà, cháu hay bảo nếu là mẹ con thì mẹ con sẽ gọi Quế Anh ơi, Quế Anh ơi.

Bà Hồ Thị Chào

Bà Hồ Thị Chào năm nay đã 61 tuổi. Bà là người hàng xóm đã cưu mang Quế Anh kể từ khi mẹ em qua đời trong đợt đại dịch COVID-19. Vắng đi sự chở che của mẹ, Quế Anh may mắn vẫn còn có sự yêu thương của người mà em tin yêu như bà mình.

Con muốn ở với bà Chào

Cái Tết đầu tiên không còn mẹ, Quế Anh theo bà Chào về nhà bà cố - mẹ ruột của bà ở Long An - để ăn Tết với người thân ở quê. Mấy ngày sau đó thì Quế Anh về nhà ông ngoại và cậu ruột "để thắp hương cho mẹ". Qua mấy ngày Tết, cô bé đã về lại nhà bà, "đang chăm chỉ học online".

Trời đã xẩm tối, hai bà cháu ngồi xem tivi để chờ chồng bà Chào về cùng ăn. "Tôi ở nhà lo cơm nước, chăm sóc Quế Anh. Chồng tôi làm bảo vệ, lát hồi mới về rồi cả nhà ăn cơm tối. Nhà có 3 người nên tiện lúc nào ăn lúc ấy", bà Chào kể.

Từ chiếc ghế sofa nhà bà Chào nhìn thẳng sang là cánh cửa sắt căn phòng trọ cũ của Quế Anh và mẹ. Mới cách đây vài tháng, Quế Anh vẫn còn chạy đi chạy lại giữa hai ngôi nhà. "Tôi ở đây từ hồi nào đến giờ.

Mẹ Quế Anh chuyển đến thuê trọ từ hồi chưa có Quế Anh. Sinh con rồi lo làm ăn nuôi con một mình nên mẹ nó cũng ít có thời gian chăm sóc. Nhà tôi ít con nít, lại ở sát rạt nên con bé hay qua lại nhà tôi, mến tay mến chân, tôi thương nó như con cháu trong nhà.

Mẹ nó phải đi làm nên đưa Quế Anh cho tôi chăm sóc, mỗi tháng gửi ít tiền", bà Chào kể về "mối duyên" của hai bà cháu. Lúc Quế Anh chưa đi học thì cứ sáng mẹ đi làm là Quế Anh sang nhà bà ở.

"Lúc con bé về nhà ngủ với mẹ, khi thì ngủ ở đây với tôi. Đến lúc con bé đi học thì sáng tôi nấu ăn, thay quần áo cho nó. Bữa nào nó ngủ với mẹ thì tôi gọi điện sang đánh thức, gọi qua ăn sáng", bà Chào kể.

Bà Chào vẫn còn nhớ ngày nhận tin mẹ Quế Anh mất từ bệnh viện. "Lúc đó tôi nghe điện thoại báo về, hoảng quá gọi báo chồng biết, Quế Anh đang ở nhà tôi nghe được, cháu khóc như mưa", bà nhớ lại.

Trước đó không lâu, bà ngoại Quế Anh cũng mất vì COVID-19. Mẹ mất, bà ngoại mất, nhà ông bà ngoại Quế Anh chỉ còn ông ngoại và cậu ruột.

"Cậu ruột của bé ngỏ ý đón bé về nuôi nhưng Quế Anh nằng nặc muốn ở lại với tôi. Tôi nuôi nấng con bé từ nhỏ, nếu để nó đi tôi cũng không yên tâm. Nhà ông ngoại cũng đồng ý để nó ở với tôi. Họ bảo điều gì tốt nhất cho cháu thì họ sẽ làm", bà Chào tâm sự.

Tuổi lên 10 của Quế Anh

Năm nay Quế Anh sẽ bắt đầu học ở một ngôi trường mới. Trước ngày đi học lại, mọi thứ đều đã chuẩn bị sẵn sàng. Quế Anh ríu rít thử giày mới, quần áo mới.

"Cái thì tôi mua, cái thì cậu nó mua, cái lại được người này người kia biết chuyện Quế Anh mồ côi nên tới thăm và mua cho", bà Chào hào hứng kể. Bà lấy ra một bộ quần áo và bảo rằng đây là bộ quần áo Quế Anh rất thích.

"Là quà trường cũ gửi tặng bé lúc tôi lên lấy hồ sơ chuyển trường cho bé. Lúc mẹ bé mất, phường cũng tới thăm hỏi nguyện vọng của Quế Anh và gia đình tôi là người đang nuôi dưỡng cháu.

Ở đây hàng xóm đều biết chuyện tôi chăm sóc Quế Anh từ nhỏ nên ai cũng tin tưởng. Tôi có mong muốn Quế Anh chuyển về trường gần nhà để tiện đưa đi đón về. Bé đã được chuyển trường mới và đã bắt đầu học online từ đầu năm rồi", bà nói thêm.

Đang ngồi nói chuyện, Quế Anh bỗng nhắc mẹ: "Bốn ngày nữa là tới sinh nhật mẹ con rồi. Mọi năm sinh nhật mẹ là được đi ăn". Bà Chào dường như đã quen thuộc với những ký ức bất chợt của cô bé. Biết cháu vẫn còn nhớ mẹ nên bà và mọi người đến thăm cũng ít khi gợi chuyện", bà bày tỏ.

Nói về việc học của Quế Anh, bà Chào cho biết Quế Anh đã được thành phố vận động lo học phí cho đến khi bé 18 tuổi. "Được vậy cũng yên tâm phần nào. Lúc mẹ Quế Anh còn thì tôi cũng lo cho bé đi học thêm chứ mẹ bé cũng phải chăm lo cho gia đình bên ngoại, nhiều gánh nặng. Quế Anh đã chọn ở lại với tôi, đó cũng là cái duyên của hai bà cháu", bà bảo.

Chăm lo cho trẻ mồ côi

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Lê Thị Kim Thúy cho biết Tết năm nay ngoài các chương trình thường niên chăm lo cho người lao động, Liên đoàn Lao động TP đã phối hợp với báo Người Lao Động và Thành đoàn tổ chức chương trình "Tết cho em", chung tay cùng các gia đình lo Tết cho thiếu nhi là con em công nhân lao động mất cha, mẹ trong đại dịch.

Trước đó, báo Tuổi Trẻ cũng phối hợp với Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM tổ chức chương trình tất niên, trao quà Tết cho 200 trẻ mồ côi vì COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng thời năm nay trong chương trình chăm lo Tết chung của TP.HCM cũng có thêm chương trình chăm lo cho trẻ mồ côi. Theo đó, TP đã trực tiếp trao tặng 24 suất quà Tết cho 24 trẻ em mồ côi ở các quận, huyện, đồng thời từng quận, huyện cũng huy động các nguồn lực để hỗ trợ các em.

Dẫn bạn nhỏ mồ côi vì COVID-19 đi siêu thị sắm quần áo mới diện Tết Dẫn bạn nhỏ mồ côi vì COVID-19 đi siêu thị sắm quần áo mới diện Tết

TTO - Các anh chị tại Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM và chương trình "Tết cho em" đã dẫn các em nhỏ mồ côi bởi đại dịch COVID-19 đi siêu thị để chọn cho mình bộ quần áo mới diện Tết.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên