Chiều 21-8, báo Tuổi Trẻ phối hợp Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức sự kiện Talkshow kết hợp giao lưu trực tuyến "Bệnh sởi: Hiểu để phòng và điều trị kịp thời".
Nguyên nhân khiến số ca sởi tăng đột biến
Mở đầu chương trình, bà Nguyễn Thị Hương - ủy viên Ban biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết sởi và bạch hầu là hai căn bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Thời gian qua báo Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều câu hỏi thắc mắc của bạn đọc về nguyên nhân gây bệnh sởi, cách điều trị, phòng bệnh, làm sao để tránh lây lan…
Đặc biệt, rất nhiều phụ huynh có con nhỏ khi bước vào mùa năm học mới rất lo lắng.
Theo bác sĩ Đinh Thị Hải Yến - trưởng khoa truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) - tỉ lệ tiêm ngừa sởi mũi 1 cho trẻ sinh năm 2020, 2021, 2022 đạt trên 95% ở quy mô toàn thành phố và quận huyện. Nhưng tỉ lệ tiêm chủng sởi mũi 1 ở trẻ sinh năm 2023 chỉ đạt 89,2%.
Trong cộng đồng khi phát hiện những ổ dịch sởi, các Trung tâm Y tế sẽ triển khai tiêm vắc xin sởi tại ổ dịch để tạo miễn dịch nhanh. Tuy nhiên, vẫn có bà mẹ vẫn chưa sắp xếp thời gian đưa con đến tiêm.
Vì vậy, bác sĩ Hải Yến khuyên các bà mẹ có con ở độ tuổi chích ngừa vắc xin sởi cần sắp xếp để đưa trẻ đi tiêm ngừa đúng lịch, đủ mũi sởi. Chỉ tốn 1 buổi cho trẻ tiêm sẽ tốt hơn để trẻ mắc bệnh, làm mất nhiều thời gian chăm sóc trẻ hơn cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Bác sĩ CK2 Vũ Quỳnh Hoa - phó trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM - cho biết sở đã triển khai nhiều giải pháp để phòng tránh dịch sởi trong đó có tăng cường truyền thông cho người dân nguy cơ dịch bệnh hiện hữu và bệnh sẽ tăng nếu không thực hiện đúng khuyến cáo tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.
Bác sĩ Hoa khuyến cáo các bậc phụ huynh có con nhỏ đến tuổi cần đưa trẻ đi tiêm đúng và đủ mũi vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
"Vắc xin là vũ khí đầu tiên chống bệnh sởi, phải tiêm đủ 2 mũi theo đúng quy định. Để người dân được tiêm chủng đầy đủ, Sở Y tế đã chủ trương yêu cầu các quận, huyện quản lý nắm chắc danh sách trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, kêu gọi gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng nếu chưa tiêm", bác sĩ Hoa nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Hoa hiện tại TP đang đối mặt với khó khăn dân nhập cư từ các tỉnh khác đến làm việc nhiều, nhưng có đến 40% trẻ không nằm trong danh sách quản lý do đó các địa phương phải đi gõ cửa từng nhà, lọc danh sách đưa trẻ vào tiêm chủng.
Một ca sởi có thể lây cho 12-18 người
Bác sĩ CK2 Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho biết bệnh sởi là bệnh lý truyền nhiễm có mức độ lây đứng hàng đầu trong tất cả những bệnh lý, trung bình 1 ca sởi có thể lây cho 12-18 người.
Sởi lây qua hai con đường chính là trực tiếp và gián tiếp, trực tiếp giữa người lành với người bệnh, gián tiếp thông qua các vật dụng đồ chơi…
Hiện nay, mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 10-20 ca sởi đến bệnh viện khám ngoại trú, còn khu nội trú đang điều trị cho khoảng 30 trẻ. Đa số trẻ nằm điều trị đều có biến chứng viêm phổi.
Tại bệnh viện khi phát hiện có ca bệnh sốt phát ban trẻ sẽ được đưa vào khâu khám riêng biệt, nếu chẩn đoán sởi bệnh nhi sẽ được cho thuốc và tái khám tại phòng khám nhiễm không cần nhập viện.
Nếu có biến chứng cần nhập viện sẽ được điều trị nội trú tại khu cách ly tránh tình trạng lây lan.
"Đáng nói những ca nhập viện tại bệnh viện khi được hỏi hầu như không có ca nào chích ngừa, đây là điều rất đáng buồn. Nhiều phụ huynh quên đi đưa trẻ đi chích ngừa, một số bà mẹ chưa có nhìn nhận đầy đủ về bệnh sởi.
Đồng thời, sau dịch COVID-19, kinh tế khó khăn, phụ huynh gửi con cho ông bà nuôi quên tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ. Hoặc một số phụ huynh vì sợ tác dụng phụ vắc xin không đưa con đi tiêm", bác sĩ Quy thông tin.
Biến chứng của bệnh sởi rất nghiêm trọng, thời gian điều trị lâu từ 7-10 ngày dẫn đến tốn thời gian, chi phí điều trị trong khi chỉ cần tiêm đủ mũi vắc xin là an tâm phòng bệnh.
Vì vậy, bác sĩ Quy khuyên các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi vì bệnh có thể phòng ngừa bằng cách vắc xin.
Bác sĩ CK1 Bạch Thị Chính, giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho hay sởi là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây nhiễm cao nhất trong các bệnh hiện nay. Nếu trong cộng đồng có những trẻ em chưa được tiêm vắc xin ngừa sởi thì chắc chắn sẽ mắc bệnh.
Phân tích nguyên nhân số ca mắc sởi năm nay tăng cao hơn những năm trước và có nguy cơ bùng phát, bác sĩ Chính cho biết tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi mỗi năm đạt 95% đồng nghĩa có 5% trẻ chưa được tiêm chủng cộng với hiệu quả vắc xin đạt khoảng 80-85% thì có thêm khoảng 20% trẻ chưa được bảo vệ.
Như vậy, sau 4-5 năm, tỷ lệ trẻ chưa được bảo vệ sẽ lên đến 100%. Đây là quần thể nguy cơ cao mắc bệnh và lây lan rất cao vì chỉ cần một ca sởi xuất hiện sẽ tấn công từ 12-18 trẻ chưa có miễn dịch.
“Điều này giải thích cho việc dịch sởi có tính chu kỳ 4-5 năm và lần gần đây nhất rơi vào năm 2018-2019”, bác sĩ Chính nói.
Bác sĩ Chính cho biết Hệ thống tiêm chủng VNVC với gần 200 trung tâm tiêm chủng trên cả nước đã luôn đồng hành, sẵn sàng tiêm chủng vắc xin sởi và nhiều loại vắc xin chất lượng cao, số lượng lớn, tiêm an toàn cho trẻ em và người lớn trên toàn quốc.
Hiện VNVC là đơn vị tiêm chủng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có hệ thống kho lạnh và dây chuyền lạnh gồm 4 tổng kho, hàng trăm kho lạnh tại mỗi trung tâm, khả năng lưu trữ và bảo quản hơn 400 triệu liều vắc xin tại một thời điểm.
Với lợi thế là đối tác chiến lược hàng đầu của các hãng vắc xin lớn trên thế giới VNVC được quyền nhập khẩu trực tiếp số lượng lớn vắc xin chính hãng, bình ổn giá, hạn chế tình trạng khan hiếm khi nhu cầu tăng cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận