Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa hướng dẫn các tỉnh, thành thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025, theo công văn số 3935/BGDĐT-GDTrH do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ký.
Thực hiện chương trình 2018 với tất cả các khối lớp
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các tỉnh, thành thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với tất cả các khối lớp. Trong đó tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai chương trình phổ thông 2018 đối với lớp 9, lớp 12 bảo đảm hoàn thành chương trình năm học và nâng cao chất lượng giáo dục trung học. Chuẩn bị tổ chức đánh giá tổng kết việc triển khai thực hiện chương trình phổ thông 2018 giai đoạn 2020-2025.
Công văn nêu rõ một số nhiệm vụ cụ thể. Trong đó đối với việc thực hiện chương trình giáo dục trung học, các sở giáo dục và đào tạo phải thực hiện 4 vấn đề gồm: Xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học; thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá và nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng.
Đối với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, các cơ sở giáo dục trung học phải xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học phù hợp với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường.
Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý việc xây dựng, phân phối chương trình các môn khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phải phù hợp với tình hình thực tế để phát huy hiệu quả năng lực đội ngũ giáo viên của nhà trường.
Đặc biệt, tiếp tục thực hiện chương trình các môn ngoại ngữ theo chương trình 2006 đối với đối tượng học sinh chưa học được ngoại ngữ theo chương trình 2018.
Với các môn học lựa chọn và các chuyên đề học tập lựa chọn, các trường cần tăng cường xếp các lớp học riêng theo từng môn học lựa chọn, tổ chức tốt việc tư vấn cho học sinh đăng ký, lựa chọn các môn học, chuyên đề học tập.
Các trường cần xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện văn hóa học đường, tích hợp nội dung giáo dục quyền con người, tích hợp hiệu quả các nội dung giáo dục về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để tránh học thuộc lòng môn ngữ văn
Với yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá, trước tiên các cơ sở giáo dục cần đánh giá đúng quy định, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình.
Trong đó lưu ý cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; tăng cường thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập.
Đối với môn ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ, nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Việc thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục trung học cần tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận để kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh lớp 10, học sinh lớp 12 định hướng làm quen với đề thi tốt nghiệp THPT.
Ngoài các nội dung trên, công văn hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục trung học như phát triển mạng lưới trường, lớp; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương; tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, học liệu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận