Bộ GD-ĐT vừa ban hành công văn gửi các sở GD-ĐT về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025.
Trong công văn này, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương bảo đảm "...sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại điều lệ của trường tiểu học…". Tại điều lệ trường tiểu học quy định "Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh…".
Tuy nhiên, ở một số địa phương như TP.HCM và Hà Nội, sĩ số 35 học sinh/lớp "chỉ là mục tiêu để phấn đấu".
TP.HCM: luôn áp lực về sĩ số
Với dân số nhập cư cao, nhiều quận, huyện tại TP.HCM nhiều năm qua luôn áp lực về sĩ số học sinh/lớp và tỉ lệ trường đạt điều kiện học hai buổi/ngày ở bậc tiểu học.
Một số quận, huyện nội thành TP.HCM ít biến động về số lượng học sinh như quận 1, 3, 10…, trong khi nhiều quận, huyện khác luôn "căng" với bài toán đảm bảo sĩ số học sinh/lớp cũng như đảm bảo yêu cầu học hai buổi/ngày ở bậc tiểu học của chương trình 2018.
Ông Ngô Văn Tuyên - trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân - cho biết quận này là "điểm nóng" của TP.HCM về áp lực dân số. Năm học 2024-2025, Bình Tân dự kiến có khoảng 66.000 học sinh ở bậc tiểu học. Năm nay quận xây mới năm trường tiểu học, nâng tổng số lên 28 trường tiểu học.
Tuy vậy, việc thực hiện sĩ số học sinh với quy chuẩn 35 em/lớp không dễ thực hiện ở tất cả các trường.
"Quận hiện có khoảng 63% học sinh tiểu học được học hai buổi ngày và sĩ số bình quân trên lớp năm nay phấn đấu giảm xuống còn khoảng 42 học sinh/lớp. Quận đang tìm cách giảm từ từ sĩ số học sinh/lớp và tăng số lượng học sinh học hai buổi/ngày", ông Ngô Văn Tuyên cho biết.
Đồng thời phải thực hiện cả hai yêu cầu là học hai buổi/ngày và đảm bảo sĩ số học sinh/lớp nên "rất áp lực". Tuy vậy, quận Bình Tân cũng tìm cách tăng số lượng phòng học mới trong trường cũ, xây trường mới...
Cũng áp lực "kinh khủng" về trường lớp, quận 12 (TP.HCM) đến nay chỉ có 3/23 trường tiểu học đảm bảo được sĩ số 35 học sinh/lớp. Đó là các trường tiểu học Nguyễn Khuyến (trường đạt chuẩn quốc gia), Võ Thị Sáu (trường tiên tiến hội nhập quốc tế) và Nguyễn An Khương (đang xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia).
Giải pháp đang được quận 12 áp dụng để đảm bảo sĩ số học sinh/lớp trong thời gian qua và tiếp tục áp dụng trong thời gian tới, gồm: đẩy nhanh xây dựng trường lớp, dành đất, rà soát quy hoạch bổ sung đất giáo dục. "Chúng tôi đang làm và làm quyết liệt cho các công việc này" - đại diện UBND quận 12 khẳng định với Tuổi Trẻ.
Trả lời Tuổi Trẻ, một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận rằng TP.HCM đang cố gắng và nỗ lực trong việc thực hiện điều lệ trường tiểu học cũng như thực hiện chương trình 2018 với quy định 35 học sinh/lớp và đảm bảo học hai buổi/ngày.
Trong các giải pháp, TP.HCM thực hiện linh hoạt các giải pháp để tháo gỡ từ từ các khó khăn về sĩ số. Trong đó, các trường linh hoạt tổ chức hình thức các lớp học. Riêng đối với những trường theo mô hình trường tiên tiến hội nhập và chuẩn quốc gia thì đảm bảo sĩ số 35 học sinh/lớp và thực hiện hai buổi/ngày.
Hà Nội: vẫn còn các trường 50 học sinh/lớp
Là địa phương có số học sinh đông nhất cả nước ở nhiều cấp học, việc giảm sĩ số học sinh/lớp luôn là nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội đặt ra trong nhiều thập niên qua.
Theo số liệu của Hà Nội, năm học 2024-2025 thành phố tuyển mới 100.000 trẻ vào nhà trẻ, 52.000 trẻ vào lớp mẫu giáo, khoảng 145.000 học sinh vào lớp 1 và 160.000 học sinh vào lớp 6.
So với hai năm trước, khi số học sinh Hà Nội "đạt đỉnh" về mức tăng ở tất cả các cấp học thì năm học này, số học sinh đều giảm dần. Nếu chỉ tính học sinh vào lớp 1 thì năm học 2024-2025 giảm trên 900 học sinh.
Nhưng so sánh số học sinh hết lớp 5 đã chuyển cấp (159.000) và số mới tuyển (145.000) thì bậc tiểu học Hà Nội giảm 14.000 học sinh. Việc này cũng giúp Hà Nội "giảm nhiệt" về sĩ số ở bậc tiểu học.
Nhìn lại khoảng 10 năm trước, nay sĩ số bình quân học sinh/lớp các cấp của Hà Nội đã giảm nhiều. Cụ thể từ chỗ phổ biến trên dưới 60 học sinh/ lớp ở tiểu học, hiện tại sĩ số bình quân chỉ còn trên 38 học sinh/lớp. Từ chỗ trên 50 học sinh/lớp ở THCS thì hiện bình quân là trên 40 học sinh/lớp.
Thay đổi này là một nỗ lực rất lớn nhưng so với quy định của Bộ GD-ĐT thì "sĩ số 35 học sinh/lớp vẫn chỉ là mục tiêu để phấn đấu" như chia sẻ của một số trưởng phòng GD-ĐT ở Hà Nội.
Theo số liệu của Phòng giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội), hiện Hà Nội có quận Hoàn Kiếm đã đảm bảo quy định 35 học sinh/lớp với 100% trường tiểu học. Quận Hai Bà Trưng cũng tương đối ổn định trong nhiều năm qua nhưng sĩ số bình quân học sinh tiểu học vẫn là 37 học sinh/lớp.
Những điểm nóng ở quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy thì mục tiêu đạt 35 học sinh/lớp còn xa. Có một số trường sĩ số học sinh tiểu học vẫn trên dưới 50 học sinh/lớp.
Rà lại trên kế hoạch tuyển sinh lớp 1 của nhiều trường công lập "hot" ở Hà Nội, sĩ số học sinh được công bố công khai ở mức bình quân 48-50 học sinh/lớp. Ví dụ như Trường tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) trung bình 50 học sinh/lớp, Trường tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) có lớp lên tới 48 học sinh/lớp.
Ở quận Hoàng Mai, một trong các điểm nóng tuyển sinh của Hà Nội, các trường tiểu học Hoàng Liệt, Chu Văn An chỉ có 45-47 học sinh/lớp, nhưng cơ sở vật chất để học hai buổi/ngày của các trường này đều chưa đảm bảo. Học sinh học 10 buổi/tuần, vẫn phải học luân phiên vào ngày thứ bảy hằng tuần.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, trưởng Phòng GD-ĐT quận Hà Đông, cho biết mặc dù Hà Đông đã hạ nhiệt so với các năm trước nhưng tình trạng căng thẳng trong tuyển sinh đầu cấp vẫn chưa hết. Trung bình sĩ số học sinh tiểu học của quận này là 42 học sinh/lớp nhưng thực tế có những trường sĩ số cũng chạm mức trên dưới 50 học sinh/lớp.
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, chỉ tính riêng năm học trước Hà Nội xây mới 30 trường học. Có những huyện ngoại thành như Đông Anh xây năm trường mới. Nhiều trường học đã áp dụng các giải pháp tăng tối đa diện tích phòng học.
Để đảm bảo quy định, các trường đã di dời phòng làm việc, phòng chức năng lên tầng cao nhất hoặc xuống tầng hầm để dành các tầng 1, 2, 3 sử dụng tối đa cho lớp học.
Tăng thêm quỹ đất cho giáo dục
Cũng theo Sở GD-ĐT, TP.HCM đã và đang thúc đẩy tăng thêm quỹ đất cho giáo dục. Theo đó, TP.HCM đang chỉ đạo di chuyển, thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả ưu tiên để xây dựng trường học; bố trí đủ quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học.
Yêu cầu các quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát, ưu tiên quỹ đất cho giáo dục. Đó là những nội dung đang được ráo riết thực hiện để xây thêm trường lớp.
Tạo điều kiện cho mở trường ngoài công lập
Bà Phạm Thị Lệ Hằng cho biết để quyết tâm giảm nhiệt về chỗ học, trong hai năm qua quận Hà Đông đã giao cho các phường chủ động đi tìm quỹ đất cho giáo dục. Bên cạnh đó là tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư mở trường ngoài công lập.
Quận Hà Đông là một trong những quận có khối trường tư thục gánh đỡ rất nhiều cho giáo dục (20% số học sinh học trường tư thục). Con số học sinh tiểu học học trường tư trên địa bàn Hà Nội, theo Sở GD-ĐT, là trên 60.000 học sinh trong tổng số 770.000 học sinh tiểu học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận