Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Một tín chỉ carbon rừng của Việt Nam chỉ bán được 5 đô la, rừng Amazon bán được 1,5 đô la nhưng một tín chỉ carbon của đơn vị tái chế nhựa có khi bán được đến 100 đô la.
- Không có căn cứ đánh giá 5 USD/tín chỉ là quá rẻ được. Giá của mỗi tín chỉ carbon được quyết định tùy theo thị trường và tùy theo hình thức hình thành tín chỉ carbon.
Thị trường carbon có hai loại: thị trường tự nguyện và thị trường bắt buộc, giá một tín chỉ carbon ở hai thị trường này khác nhau.
Ở thị trường tự nguyện, các doanh nghiệp/các chủ thể tự nguyện thực hiện giảm phát thải khí nhà kính và mua tín chỉ carbon để đạt được mục tiêu này.
Hệ thống thiết bị đo các thông số không khí, môi trường để thu thập dữ liệu phát thải khí nhà kính tại một ruộng lúa ở Cần Thơ. Ảnh: TRẦN MINH HẢI
Ví dụ, các dự án giảm phát thải carbon từ trồng lúa, trồng dừa hay từ rừng. Với cây lúa hoặc cây dừa, muốn có tín chỉ carbon phải tác động bằng cách thay đổi biện pháp trồng trọt hoặc đầu tư công nghệ mới để giảm phát thải khí nhà kính.
Phần khí thải nhà kính giảm sau khi đầu tư so với mức ban đầu (được đo đạc và chứng nhận) chính là lượng carbon giảm đi và quy đổi ra tín chỉ để bán (1 tấn carbon = 1 tín chỉ) .
Ở thị trường carbon bắt buộc, các cơ sở bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, thể hiện ở lượng hạn ngạch phát thải mà cơ quan quản lý phân bổ cho mỗi cơ sở.
Các cơ sở được phép mua bán trao đổi lượng hạn ngạch này trên thị trường. Ví dụ một doanh nghiệp sản xuất thép tạo ra 1.000 tấn CO2 mỗi năm.
Khi cam kết theo Nghị định thư Kyoto có hiệu lực, doanh nghiệp thép này phải bù lại 1.000 tấn carbon giảm thải (quy đổi ra 1.000 tín chỉ) mỗi năm.
Nếu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giảm thải carbon trong sản xuất để giảm được 800 tín chỉ, họ cần mua thêm 200 tín chỉ nữa (từ đơn vị trung gian) để bù lại. Việc mua tín chỉ carbon của doanh nghiệp thép chính là thị trường bắt buộc.
Chính phủ Việt Nam bán tín chỉ carbon rừng là bán ở thị trường tự nguyện cho đối tác, họ mua số lượng lớn và mua theo cam kết của dự án. Đây là giá trung bình đối với loại tín chỉ carbon này.
Còn các doanh nghiệp ở thị trường bắt buộc liên hệ với các trung gian này để mua lại tín chỉ carbon, bên trung gian bán giá nào thì các doanh nghiệp phải mua theo giá đó.
* Vì sao tín chỉ carbon rừng Việt Nam chỉ được mua 5 USD/tín chỉ mà trên thế giới có loại tín chỉ carbon được mua đến 100 USD/tín chỉ?
- Đối với thị trường carbon tự nguyện, khi viết dự án phải thể hiện được phương pháp thực hiện, tổng mức đầu tư, cách đo lường và lĩnh vực đầu tư.
Quá trình thực hiện được ghi vào "nhật ký giảm phát thải". Có một đơn vị độc lập thẩm định căn cứ vào các thông số và cấp tín chỉ. Giá của 1 tín chỉ carbon phụ thuộc vào các khoản đầu tư này và lĩnh vực đầu tư.
Ở khía cạnh khác, có một số doanh nghiệp mua tín chỉ carbon rất cao ở những lĩnh vực được khuyến khích giảm phát thải như sản xuất nhựa, phân bón, thép.
Ví dụ, ngành tái chế nhựa không những thải lượng carbon rất lớn mà còn thải ra những khí độc khác ảnh hưởng đến môi trường và rất khó để giảm phát thải nên ngành này muốn giảm phát thải carbon thì giá mua một tín chỉ có khi lên đến 100 USD.
Với carbon từ dừa và rừng thì không có nhiều chi phí đầu tư nên sau khi tính toán chỉ ra giá 5-10 USD/tín chỉ. Các tín chỉ carbon từ rừng trên thế giới cũng chỉ bán được giá đó, có nơi thấp hơn như tín chỉ carbon của rừng Amazon chỉ bán có 1,5 USD/tín chỉ.
* Người dân và chính quyền đô thị có thể giảm phát thải khí nhà kính từ những hoạt động gì?
- Đối với đô thị, tín chỉ carbon đến từ những hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Cụ thể như việc chuyển chuyển đổi xe chạy dầu và xăng sang chạy điện, xây dựng các công trình xanh, người dân sử dụng năng lượng điện tái tạo thay thế điện năng lượng từ than, nhiệt điện, trồng cây xanh, xử lý nước ao tù các kênh rạch...
Chính quyền có thể kết nối doanh nghiệp với các quỹ tài chính xanh để doanh nghiệp đầu tư sản xuất giảm phát thải. Ngoài ra, chính quyền cần khảo sát hiện trạng của các ngành cần khuyến khích khối tư nhân đầu tư giảm phát thải để kêu gọi doanh nghiệp tham gia.
* Có dư luận cho rằng thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam hiện nay bị một đơn vị tư nhân nước ngoài thao túng và dẫn dắt?
- Dư luận hiểu vậy là chưa đúng, để có được tín chỉ carbon bán, chúng ta phải trải qua một quy trình chung rất chặt chẽ.
Để đo đếm được lượng carbon thải ra môi trường để thu hay chi tiền thì phải có hai hệ thống độc lập là các đơn vị tư vấn và các đơn vị thẩm định.
Thế giới hiện nay có nhiều đơn vị tư vấn thực hiện dự án giảm phát thải nhà kính nhưng không nhiều đơn vị có chức năng thẩm định và cấp tín chỉ (không quá 100 công ty trên thế giới và có khoảng 20 công ty thẩm định, chứng nhận nổi tiếng và được nhiều nước trên thế giới tin tưởng) và thường là các đơn vị tư nhân.
Mỗi đơn vị thẩm định và cấp chứng nhận tín chỉ carbon có phương pháp đo đếm lượng carbon khác nhau. Tùy vào đơn vị thẩm định cấp tín chỉ, các đơn vị tư vấn sẽ tư vấn cho bên thực hiện dự án những phương pháp đo carbon phù hợp để bảo đảm dự án đạt kết quả cao nhất.
Trên thế giới hiện nay cũng có hiện tượng đơn vị tư vấn là công ty con hoặc "có bà con" với đơn vị thẩm định cấp tín chỉ carbon để chia sẻ kinh nghiệm và bảo đảm dự án đạt hiệu quả cao. Đối với các dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ, họ bắt buộc đơn vị tư vấn và đơn vị thẩm định phải độc lập với nhau.
* Để có một tín chỉ carbon từ dừa hoặc lúa thì phải làm những công việc gì?
- Muốn có tín chỉ carbon từ dừa, lúa, trước hết người dân phải làm dự án trình cơ quan có chức năng để được duyệt và đăng ký với đơn vị thu mua, thẩm định.
Ví dụ, với 76.000ha dừa ở Bến Tre, muốn tham gia thị trường carbon, người dân (hoặc thuê đơn vị có chức năng) phải đo được hiện trạng ban đầu diện tích dừa này hấp thụ bao nhiêu carbon trong tự nhiên và thải ra tự nhiên bao nhiêu khí nhà kính từ các hoạt động liên quan như bón phân, phun thuốc đốt lá dừa, xơ dừa, xơ dừa và các phế phẩm của nó.
Sau đó dự án đưa ra các biện pháp để giảm phát thải carbon ra môi trường (giảm phân hóa học, giảm thuốc trừ sâu, chế biến lá dừa, sơ dừa…).
Quá trình thực hiện dự án, người dân phải ghi chép nhật ký thực hành giảm carbon. Các máy đo lượng khí thải carbon ra môi trường được đặt tại vườn dừa sẽ đo các thông số để xác định lượng carbon thải ra.
Số tín chỉ thu được sẽ là lượng carbon thải ra chênh lệch sau khi thực hiện dự án so với hiện trạng ban đầu. Ví dụ, ban đầu đo được 10 tấn carbon thải ra môi trường/ha dừa/năm.
Sau thời gian thực hiện dự án thì đo được 5 tấn carbon ra môi trường/ha dừa/năm, tức là 1ha dừa đã giảm được 5 tấn carbon mỗi năm, quy đổi ra được 5 tín chỉ carbon/ha.
Quá trình thực hiện sẽ có đơn vị phụ trách đo lượng carbon phát thải, có công ty thẩm định và cấp tín chỉ carbon cho dự án. Đối với việc trồng lúa, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và nông dân cũng làm quy trình tương tự.
* Có phải nông dân chỉ cần "mắc võng ngủ" cũng có tiền bán tín chỉ carbon không?
Không có chuyện "làm chơi ăn thật" như vậy đâu. Như tôi đã nói ở trên, phải có dự án được duyệt, những cam kết trong dự án phải được nông dân thực hiện nghiêm túc và phải có nhật ký giảm phát thải.
Nếu người nông dân không hiểu và thực hành đúng những công đoạn trên thì lượng giảm thải carbon không đạt như cam kết ban đầu, số tín chỉ carbon thu được không lớn, hiệu quả kinh tế không cao. Làm không tới nơi tới chốn có khi còn lỗ chi phí tư vấn và ảnh hưởng đến những dự án khác tại Việt Nam.
Hiểu một cách nôm na, "bù đắp carbon" (carbon offsetting) là cơ chế thương mại cho phép người gây ô nhiễm triệt tiêu "dấu chân carbon" của mình bằng cách trả tiền cho các dự án giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính, phần lớn được thực hiện ở những khu vực kém phát triển hơn.
Có dự án trồng cây. Có dự án chỉ đơn giản là trả tiền cho người chủ của mấy cái cây để họ không chặt chúng. Một số khác thì đầu tư vào công nghệ khử carbon trong cuộc sống hằng ngày, như phát triển năng lượng tái tạo hay thu hồi khí thải của bãi rác.
Nhưng hiểu một cách chân thực, không gì bằng "truy xuất nguồn gốc" của một tín chỉ carbon, như cách làm của hai nhà kinh tế học là Angus Chapman và Desné Masie. Bài báo của họ đăng trên trang Vox được tóm tắt dưới đây.
Sống ở Yorkshire (Anh), Al Dix là một công dân tận tâm. Ông còn giữ ảnh chụp một tiết mục sân khấu tự dàn dựng hồi đầu thập niên 1980, với nội dung than khóc cho những chỏm băng ở vùng cực.
Ông nói mình bắt đầu cảm thấy "bất lực" trước biến đổi khí hậu từ những năm 1990. Hiện đã hơn 75 tuổi, ông vẫn không hài lòng với các chính sách của chính phủ và doanh nghiệp để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Nhưng Al Dix không từ bỏ.
Trên trang web của Ecologi, những hình ảnh xanh mát về cây cối, sông nước, turbine gió và các tấm pin mặt trời được đặt cạnh "khu rừng" hoạt hình dễ thương mà tiền thu được từ những người như Dix đã trồng được.
Mỗi tháng, Dix nhận một bản sao kê nêu rõ số tiền ông góp đã được chi tiêu ở đâu - thường là ở các nước nghèo. Chẳng hạn, trong tháng 1 và tháng 2-2023, ông đã trồng được 8 cây, và thông qua các tín chỉ carbon mà ông gián tiếp mua, bù đắp được 0,75 tấn CO2 - tương đương "dấu chân carbon" hằng tháng của một người Anh trung bình.
"Rõ ràng việc mua và bán carbon thực sự không tạo ra nhiều khác biệt đối với tình trạng của cái hành tinh chết tiệt này" - Vox đăng nguyên văn lời của Dix trong bài viết ngày 3-8-2023. Tuy nhiên, có còn hơn không.
Tại Kenya, từ 2010-2017, công ty Carbon Zero Kenya đã phân phát 55.000 cái bếp lò cho dân làng. Công ty mẹ là CO2Balance, trụ sở ở Anh, thường tài trợ cho các dự án tạo ra tín chỉ carbon, sau đó bán chúng cho các nhà môi giới như Ecologi.
Khi thay thế hình thức đốt củi truyền thống bằng kiểu bếp bê tông - kim loại hiệu quả hơn, CO2Balance ước tính họ có thể giảm một nửa lượng củi dùng trong một hộ gia đình. Điều này giúp giảm một nửa lượng khí thải từ việc nấu nướng của những người dân nào chuyển sang loại bếp mới.
Logic tương tự được áp dụng cho tất cả các dự án tín chỉ carbon, chẳng hạn nhà máy năng lượng tái tạo, hoạt động bảo tồn rừng hay những chiếc xe điện của Tesla.
Mỗi công ty có cách tính toán khác nhau nhưng điểm chung là ý tưởng về "tính bổ sung" (additionality). Theo đó, việc giảm/tránh phát thải không thể diễn ra nếu người ta không bán tín chỉ carbon.
Ecologi cho biết dân làng không có đủ tiền để mua loại bếp lò mới và số tiền đến từ tín chỉ carbon đã lấp đầy khoảng trống quan trọng đó.
Nhưng cũng cần biết thêm rằng khi xem xét tất cả tài liệu của dự án, nhóm tác giả không rõ liệu chúng có tính đến các nguồn phát thải khác hay không, ví dụ khí thải từ quá trình sản xuất và vận chuyển bếp lò.
Vào giữa năm 2019, Ecologi đã mua tổng cộng 535 tín chỉ carbon từ dự án bếp lò của CO2Balance.
Vào tháng 2-2023, họ đã phân bổ khoảng 1/3 tín chỉ cho Dix. Nên bây giờ, ông Dix có quyền nói rằng ông đã ngăn chặn được 1/3 tấn khí nhà kính khỏi bị thải vào khí quyển.
Nhưng chuyện giảm phát thải ở Kenya không trở thành tín chỉ carbon ở Yorkshire ngay lập tức. Để được các nhà bán lẻ như Ecologi mua vào và bán cho những người như Dix, trước tiên chúng phải vượt qua dãy Alps của Thụy Sĩ.
Ở vùng ngoại ô phía bắc Geneva, các văn phòng của Tổ chức Gold Standard Foundation chỉ cách trụ sở Liên Hiệp Quốc 10 phút chạy xe.
Tại đó, tín chỉ carbon của Kenya mới thực sự ra đời, sau khi Gold Standard nhận được tài liệu kiểm toán của bên thứ ba - Bureau Veritas, rằng dự án của CO2Balance đang làm những gì đã tuyên bố.
Các yêu cầu của Gold Standard nghe như một châm ngôn: có chứng nhận, có thực, có tính bổ sung, được xác minh một cách độc lập, là duy nhất và có thể truy nguyên.
Đằng sau câu chữ là vô vàn phép toán phức tạp. Tài liệu của dự án bếp lò có nhiều trang dày đặc phương trình toán học, định lượng các loại khí thải khác nhau trong các khoảng thời gian khác nhau và trong các điều kiện ngoại cảnh khác nhau.
Tất cả đều được sửa đổi và cập nhật hằng năm bởi các nhóm chuyên gia được cắt cử đến tận nơi để đảm bảo dự án vẫn hoạt động như kế hoạch. Tài liệu cho các dự án lớn hơn có thể dài tới hàng trăm trang giấy.
Tóm lại là: ông lão Al Dix (ở Yorkshire, Anh) trả tiền cho dịch vụ bù đắp carbon của Ecologi (ở Bristol, Anh), vốn trước đó đã mua tín chỉ carbon từ CO2Balance (ở Somerset, Anh).
Công ty này đã thuê Bureau Veritas (ở London, Anh) đến kiểm toán, nhằm thuyết phục Gold Standard (ở Geneva, Thụy Sĩ) cấp tín chỉ cho việc giảm phát thải nhờ dự án bếp lò ở Kenya (châu Phi).
Công cuộc cứu lấy Trái đất sao mà trừu tượng và vòng vo. Và Dix, một ông lão đã về hưu với căn nhà trên vùng đồng hoang lầy lội ở Yorkshire, có thể không thích việc đó. Dẫu vậy, ông vẫn trả tiền và nó khiến ông cảm thấy tốt hơn một chút.
Khi thiếu vắng những quy định đúng đắn nhằm hạn chế lượng khí thải làm ấm hành tinh ở các nước giàu có, việc bù đắp carbon mang tính cá nhân giống như của Al Dix đã mở ra cơ hội kinh doanh lớn.
Chúng hình thành nên cái gọi là "thị trường carbon tự nguyện". Đó là một không gian phi tập trung, nơi người dân và doanh nghiệp có thể chọn mua tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng khí thải họ tạo ra.
Theo McKinsey, thị trường này, tuy phần lớn không được kiểm soát, có thể đạt 50 tỉ USD vào năm 2030 và tăng gấp 100 lần vào năm 2050.
Tính thuận tiện và hợp túi tiền của tín chỉ carbon thoạt nghe có vẻ rời rạc với sự cấp bách của biến đổi khí hậu, nên những năm gần đây gia tăng lo ngại rằng việc bù đắp đó chỉ là "cục đường" cho lương tâm người giàu, không hơn không kém.
Một số nhà phê bình cho rằng toàn bộ chuyện này là một trò lừa đảo, giống như mua bán "giấy phép được gây ô nhiễm" mà không thực sự cải thiện sức khỏe của hành tinh.
Sarah Leugers, giám đốc tăng trưởng của Gold Standard, thừa nhận những hạn chế, rằng việc này rất khó khăn, phức tạp và có vẻ trừu tượng, đòi hỏi rất nhiều niềm tin rằng các phương trình toán và báo cáo nói lên sự thật, và tất cả các bên tham gia đều đang làm việc với thiện chí.
Nhưng bà khăng khăng rằng tín chỉ carbon, nếu được quản lý đúng và minh bạch, vẫn là một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Thật khó chịu khi người ta tiêu hao năng lượng để chỉ trích những người đang làm một điều gì đó, trong khi thường bỏ qua cho những kẻ chẳng làm gì cả".
Nhóm tác giả kết bài như sau: "Tất cả những người chúng tôi trò chuyện đều kiên quyết: việc bù đắp carbon không bao giờ có thể là giải pháp tổng thể hoặc một tấm thẻ miễn-trách-nhiệm-điều-hòa-khí-hậu. Nhưng đó cũng có thể là một cách hiểu sai về chuyện bù đắp".
John Holler, chuyên gia khí hậu tại Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF), cho rằng việc mua bán phát thải carbon không thực sự là để bù đắp. Thay vào đó, nó chỉ đơn giản là một công cụ để hướng dòng tiền tới những điều tốt đẹp: bếp lò ít thải carbon, rừng xanh, năng lượng mặt trời cho cộng đồng.
Ở phía nam Ashanti bốn năm trước, trang trại ca cao rộng 15 mẫu Anh (hơn 6ha) của Adwoa Akyaa "không có gì để kể", bà nói vậy. Điều đó có thể đã từng đúng, vì dù Ghana là nước sản xuất ca cao lớn thứ hai thế giới nhưng năng suất trung bình của các trang trại riêng lẻ lại ở mức thấp.
Tuy nhiên, ngày nay Akyaa ở trong số 140.000 nông dân tại Ghana áp dụng các biện pháp đổi mới, hồi sinh đất đai và gia tăng kho ca cao của họ. Họ không chỉ sản xuất nhiều ca cao hơn mà còn giảm lượng khí thải nhà kính, từ đó kiếm thêm tiền từ tín chỉ carbon.
Chương trình GCFRP của chính phủ nước này giúp nông dân cải thiện diện tích trồng ca cao bằng cách trồng cây che bóng, cắt tỉa hiệu quả và các kỹ thuật canh tác bền vững khác.
Những cộng đồng này cũng tham gia ngăn chặn nạn khai thác gỗ trái phép, khai thác khoáng sản trái phép và cháy rừng.
Năng suất trung bình của các trang trại ca cao trong chương trình đã tăng từ 400kg/ha lên 600kg/ha kể từ năm 2019.
Đo lường thành công bằng khối lượng hạt ca cao thu về thì dễ rồi, nhưng để biết bao nhiêu khí CO2 đã giảm được thông qua canh tác bền vững là một quá trình phức tạp hơn nhiều.
Chính phủ Ghana đã nhận hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp (FCPF) của WB nhằm củng cố các hệ thống đo lường, báo cáo và xác minh mức giảm phát thải.
Ghana đang vận dụng kết hợp công nghệ viễn thám (ví dụ như hình ảnh vệ tinh) với việc lấy mẫu trên mặt đất (bằng các công cụ như Collect Earth) và ý kiến chuyên gia. Họ cũng nhờ cộng đồng địa phương giúp xác định các thông tin về sử dụng đất và lập bản đồ…
Một khi được xác minh, mức giảm phát thải sẽ trở thành tín chỉ carbon mà Ghana có thể sử dụng cho các cam kết khí hậu của chính đất nước mình theo Thỏa thuận Paris.
Nỗ lực tập thể đó đang được đền đáp. Vào tháng 1-2023, FCPF đã trả cho Ghana 4,8 triệu USD nhờ giảm khoảng 972.000 tấn khí CO2 trong giai đoạn giám sát đầu tiên (tháng 6 đến tháng 12-2019) theo thỏa thuận thanh toán giảm phát thải (tên viết tắt là ERPA).
Nó quy định rằng FCPF sẽ trả tối đa 50 triệu USD cho 10 triệu tấn khí thải carbon mà Ghana giảm được cho đến năm 2024.
Phần lớn các khoản thanh toán này (69%) sẽ đến tay các nhóm nông dân và cộng đồng địa phương như của Akyaa. Có một bản kế hoạch chia sẻ lợi ích để đảm bảo nông dân và các bên liên quan khác được công nhận và khen thưởng một cách công bằng.
Trên bề mặt hành tinh này, người ta vò đầu bứt tai với những khí thải nhà kính và bù đắp carbon. Đừng tưởng thế giới ngầm - theo nghĩa đen - không làm gì.
Trong lòng đất tăm tối, rễ cây không ngừng bung tỏa về phía nguồn sống, chia sẻ dưỡng chất và thông tin để giữ cho nhau khỏe mạnh, vô tư gánh vác sự hưng suy của đất đai và những loài vật khác.
Nhà khoa học rễ cây Lore Kutschera (1917-2008) và nhà nông học/họa sĩ minh họa Erwin Lichtenegger (1928-2004) đều từng làm việc tại Viện Pflanzensoziologisches (xã hội học thực vật) ở thành phố Klagenfurt (Áo).
Họ để lại di sản quan trọng cho nhân loại: một "bản đồ rễ cây" khổng lồ - một "wood wide web" (như world wide web của con người) mang đến những tư liệu tốt lành cho sự sống.
Bản đồ gồm 1.180 bản vẽ hé lộ thế giới bí ẩn của thực vật châu Âu, từ cây nông nghiệp đến những loài cỏ dại vây quanh, đến thảm thực vật tự nhiên trên dãy Alps hùng vĩ.
Mỗi bản vẽ thể hiện hình dạng 2D của hệ thống rễ của từng loài, được vẽ rất chi tiết. Đó là kết quả của 40 năm đào đất và rửa sạch từng cọng rễ, một công việc nặng nhọc đáng ngưỡng mộ.
Các bản vẽ cho thấy sức phát triển mãnh liệt của rễ cây. Chẳng hạn Carlina acaulis, một loài thực vật có hoa trong họ cúc, chúng nhỏ bé và nằm sát mặt đất, nhưng bộ rễ có thể ăn sâu nhiều mét trong lòng đất.
Chắc rễ thì bền cây, đất đai cũng được hưởng lợi. Hệ thống rễ phát triển sâu rộng sẽ mở ra nhiều con đường cho phép nước xâm nhập sâu vào lòng đất, thúc đẩy sự phát triển của các vi sinh vật có lợi.
Tỉ như trong nông nghiệp, những loài cây bụi và cỏ dại - với bộ rễ đồ sộ, xuyên đất, phá đá - chính là lực lượng mở đường cho nước mưa thấm sâu và ở lâu trong đất, từ đó nuôi dưỡng các loài cây lương thực hay rau màu có bộ rễ nông hơn.
Thế mà trên những cánh đồng độc canh, người ta ra sức diệt cỏ tận gốc, rồi phải viện đến máy móc và hóa chất để giữ cho đất khỏi khô kiệt. Hiểu theo nhiều nghĩa, cây cối quả thật trông chừng cho nhau, nếu ta không gán cho chúng cái nhãn "cỏ dại" và "cây trồng".
Cuối cùng và không kém phần quan trọng, rễ cho phép đất thu giữ carbon - thành phần của khí nhà kính làm ấm hành tinh, gây biến đổi khí hậu.
Thông qua dịch tiết của rễ (root exudation), quá trình rễ hô hấp và chết đi, rễ cây có thể "xuất khẩu" vào lòng đất từ 17-40% tổng lượng carbon được tạo ra từ quang hợp, tức là quá trình lá cây thu khí carbonic từ khí quyển và thải ra khí oxy.
Theo một nghiên cứu năm 2022 do Đại học Birmingham (Anh) và Đại học Bergen (Na Uy) dẫn đầu, lượng khí carbonic trong khí quyển tăng lên sẽ khiến cây cối phát triển những bộ rễ dài hơn và nhiều hơn.
Bằng cách hấp thụ và lưu trữ nhiều carbon hơn, dường như giới thực vật đang và sẽ trông chừng con người chúng ta đến khi nào chúng còn có thể.
Tin cùng chuyên mục
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận