22/04/2020 11:00 GMT+7

Năm 2020 không có kỳ thi 'kép'

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Cuộc họp giữa Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ GD-ĐT ngày 21-4 đã thống nhất sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với mục đích xét tốt nghiệp và là căn cứ để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.

Năm 2020 không có kỳ thi kép - Ảnh 1.

Thí sinh TP.HCM làm thủ tục trước giờ thi THPT quốc gia năm 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Phương án tổ chức kỳ thi nằm trong bối cảnh chung phải điều chỉnh chương trình giáo dục, thời gian năm học do dịch COVID-19. Nhưng việc này cũng nằm trong định hướng của lộ trình đổi mới thi cử. Theo đó, kỳ thi sẽ dần trả lại đúng với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT".

Đổi tên, thay đổi về bản chất

Dịch COVID-19 khiến các trường học không thể tổ chức dạy học tại trường từ sau Tết Nguyên đán. Trước thực trạng khó khăn này, Bộ GD-ĐT đã quyết định lùi thời gian kết thúc năm học, giảm tải chương trình và khuyến khích các trường dạy học qua Internet và truyền hình. Bộ cũng đã trình Chính phủ 2 phương án: tổ chức thi và không thi, chỉ xét tốt nghiệp. 

Cuối cùng, cuộc họp ngày 21-4 đã thống nhất sẽ tổ chức kỳ thi, nhưng đây sẽ là kỳ thi tốt nghiệp THPT (không phải kỳ thi THPT quốc gia).

Từ năm 2015, Bộ GD-ĐT không tổ chức riêng rẽ kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH-CĐ (thi ba chung) mà tổ chức kỳ thi duy nhất có tên kỳ thi THPT quốc gia. 

Đây là kỳ thi vừa nhằm xét tốt nghiệp THPT, là căn cứ đánh giá chất lượng dạy học ở bậc phổ thông, vừa sử dụng kết quả để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh. 

Mặc dù mục đích chính của kỳ thi này vẫn nghiêng về "xét tốt nghiệp" nhưng áp lực vẫn dồn vào kỳ thi do đây là kỳ thi lấy kết quả để tuyển sinh. Phần lớn các cơ sở đào tạo ĐH, trong đó có những ĐH, học viện, trường ĐH lớn đều sử dụng kết quả này.

Sau vụ gian lận thi cử năm 2018 ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, trong định hướng đổi mới thi của Bộ GD-ĐT đã xác định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng, còn việc tuyển sinh ĐH-CĐ để các trường hoàn toàn tự chủ về phương thức xét tuyển. 

Nhưng do Bộ GD-ĐT quyết định giữ nguyên kỳ thi THPT quốc gia đến năm 2021 nên dự kiến kỳ thi này sẽ vẫn tổ chức vào năm 2020.

Tuy vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ không phải là "bình mới rượu cũ" mà có điều chỉnh ở khâu tổ chức để đúng với bản chất được thống nhất tại cuộc họp trên. 

"Kỳ thi phải tổ chức nghiêm túc, khách quan nhưng không nặng nề, nhiêu khê" - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này và cho rằng phương án tổ chức kỳ thi sẽ tác động lên hàng triệu người.

Năm 2020 không có kỳ thi kép - Ảnh 2.

Thí sinh TP.HCM tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 trước giờ thi môn toán - Ảnh: NHƯ HÙNG

Không huy động giảng viên ĐH coi thi

Trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã cân nhắc việc có thể giảm số môn thi so với kỳ thi năm 2019 để giảm áp lực cho thí sinh. Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến các chuyên gia, sở GD-ĐT. Có ý kiến cho rằng nên bỏ 2 bài thi tổ hợp, chỉ thi 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ. 

Có ý kiến đề nghị giữ bài thi tổ hợp nhưng giảm 1 môn thi trong bài thi tổ hợp và cho phép thí sinh tự chọn.

Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 21-4, Bộ GD-ĐT thống nhất vẫn bắt buộc thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ và thí sinh chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp. Nhưng thay vì tính điểm 3 môn thành phần thì sẽ chỉ có 1 đầu điểm chung của toàn bài thi tổ hợp. Ngoài ra, nội dung đề thi sẽ được giảm mức độ so với năm 2019.

Theo phương án Bộ GD-ĐT đang xây dựng thì kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn do Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm ra đề thi, các vấn đề kỹ thuật để đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan của kỳ thi. 

UBND các tỉnh, thành sẽ chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi, trong đó có các khâu coi thi, chấm bài thi tự luận. Kỳ thi sẽ không huy động cán bộ các trường ĐH-CĐ tham gia nữa. Cán bộ coi thi được huy động tại địa phương theo nguyên tắc giáo viên trường này coi thi trường kia, giáo viên không coi môn thi trùng với môn học mình dạy.

Để tăng cường giám sát tính nghiêm túc của kỳ thi, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành công bố phổ điểm thi và dữ liệu học bạ điện tử của học sinh để có căn cứ đối sánh, tránh tình trạng tiêu cực thi cử.

Không nên mỗi trường đều tổ chức thi

PGS.TS VŨ HẢI QUÂN (phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM):

Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức phục vụ cho việc tuyển sinh của các đơn vị thành viên và các trường ĐH khác có nhu cầu sử dụng. Theo tôi, nên hình thành các trung tâm khảo thí như vậy để vừa đảm bảo chất lượng và đảm bảo hiệu quả.

Chất lượng ở đây được hiểu theo nghĩa là đơn vị chuyên nghiệp chỉ làm việc tổ chức thi và hiệu quả là thí sinh có thể thi một nơi nhưng được nộp vô nhiều trường, chứ không phải cứ mỗi trường mỗi thi. Chất lượng còn thể hiện qua việc phân loại đúng thí sinh.

TS TRẦN ĐÌNH LÝ (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):

Chắc chắn sẽ có nhiều hình thức xét tuyển khác nhau, tuyển nhiều đợt/năm. Ngoài các phương thức xét tuyển như: tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét học bạ, đánh giá năng lực, các ĐH cùng khối ngành, nhóm ngành, cùng chung sứ mệnh nên liên kết với nhau để tuyển sinh.

Đây là lúc trường ĐH phải thể hiện năng lực thực sự của mình, chọn phương thức phù hợp, lấy chất lượng làm đầu, giữ uy tín, thương hiệu. Nếu không, sẽ tự đào thải.

ThS PHÙNG QUÁN (trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Chủ trương của nhà trường là khi có thông báo chính thức "kỳ thi THPT quốc gia" chuyển thành "kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020" của Bộ GD-ĐT, trường sẽ thay đổi nhẹ phương thức tuyển sinh để không ảnh hưởng thí sinh.

Theo đó, trường sẽ điều chỉnh dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM và xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, đồng thời giảm tỉ lệ phần trăm chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

TRẦN HUỲNH ghi

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo Bộ GD-ĐT hoàn chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT, trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, sớm công bố cho học sinh cả nước biết để có chuẩn bị cho kỳ thi.

ddn_6386 vuducdam1 2(read-only)

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam họp với Bộ Giáo dục - đào tạo và các bộ, ngành trung ương về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - Ảnh: VGP

Phó thủ tướng cũng lưu ý phương án thi phải căn cứ vào tình hình thực tế, các cơ sở pháp lý và phù hợp với lộ trình đổi mới thi. Trong đó cơ sở pháp lý lớn nhất là Luật giáo dục 2019 sẽ có hiệu lực vào tháng 7-2020.

Có thể tổ chức thi tuyển sinh riêng

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có mục tiêu chính là công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Vậy các trường đại học sẽ thực hiện tự chủ tuyển sinh ra sao?

TS Nguyễn Thị Minh Hồng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, kết quả của kỳ thi tốt nghiệp năm nay nhằm đánh giá chất lượng dạy học ở phổ thông nhưng đồng thời có thể tạo điều kiện cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo hướng tự chủ, do vậy các trường vẫn có thể sử dụng kết quả thi này là một trong các hình thức xét tuyển cho công tác tuyển sinh.

"Nếu số môn thi giảm nhiều, nhà trường sẽ điều chỉnh chỉ tiêu cho phương thức này (chỉ xét điểm tốt nghiệp THPT) có lẽ sẽ giảm và sẽ tăng chỉ tiêu ở hình thức khác như xét điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp xét điểm học bạ, có bài thi riêng...", bà Hồng cho hay.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, lâu nay các trường ĐH khối y dược chủ yếu tuyển sinh dựa vào kết quả học tập các môn khối B (toán, hóa, sinh) của thí sinh, không quan tâm nhiều đến các yếu tố khác như năng lực ngoại ngữ, tinh thần phục vụ cộng đồng…

Do vậy, nhà trường cũng đã tính đến việc đặt thêm các tiêu chí khác để sơ tuyển trong năm tới và sẽ công bố thực hiện theo lộ trình phù hợp.

"Nếu kỳ thi tốt nghiệp năm nay vẫn được tổ chức theo hình thức "3 chung" trước đây, nhà trường sẽ xem xét sử dụng kết quả thi kết hợp với xét học bạ, đồng thời kèm theo một số tiêu chí xét tuyển riêng. Hoặc cũng có thể nhà trường sẽ làm việc với các trường đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe để tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng dành cho thí sinh muốn xét tuyển vào các trường này", ông Khôi nói.

Chia sẻ về chủ trương điều chỉnh phương thức tuyển sinh phù hợp với tình hình mới, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho hay: "Phiên họp gần đây nhất của hội đồng tuyển sinh nhà trường đã công bố chủ yếu dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi THPT quốc gia, nhưng nay nếu chỉ là kỳ thi tốt nghiệp THPT chúng tôi sẽ tính toán điều chỉnh lại phương thức xét tuyển theo các phương thức. Bên cạnh xét tuyển thẳng, trường sẽ dành nhiều chỉ tiêu xét học bạ, xét điểm các môn thi tốt nghiệp nếu đúng tổ hợp xét tuyển hoặc cũng có thể tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng".

TRẦN HUỲNH

Sẽ thi tốt nghiệp THPT 2020 phù hợp tình hình thực tế Sẽ thi tốt nghiệp THPT 2020 phù hợp tình hình thực tế

TTO - Sáng 21-4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đã họp với Bộ GD-ĐT về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên