Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại cuộc gặp lịch sử ngày 12-6 - Ảnh: Reuters
Động thái trên diễn ra chỉ 10 ngày sau cuộc gặp lịch sử của ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore. Trở về Washington sau cuộc gặp, Tổng thống Trump khi đó hồ hởi tuyên bố "Triều Tiên đã không còn là mối đe dọa hạt nhân" và rằng "mọi người đã có thể ngủ ngon tối nay".
10 năm trừng phạt
Trong thông điệp gửi Quốc hội Mỹ được Nhà Trắng công bố ngày 22-6, Tổng thống Trump đã đưa ra những lý do cần thiết để duy trì sắc lệnh hành pháp 13466 về các hành động của Mỹ đối với Triều Tiên. Sắc lệnh gồm 7 điều này được cựu tổng thống George W. Bush ký thông qua ngày 26-6-2008. Lệnh cấm chuyển các tài sản của nước Mỹ cho lãnh đạo hay đảng cầm quyền Triều Tiên đã được mở rộng và gia hạn 4 lần trong 8 năm cầm quyền của ông Barack Obama.
Thông điệp gửi Quốc hội của ông Trump có đoạn viết như sau: "Sự tồn tại và nguy cơ gia tăng vật liệu phân hạch có thể sử dụng để chế tạo vũ khí trên bán đảo Triều Tiên; các hành động và chính sách của Chính phủ Triều Tiên làm mất ổn định trên bán đảo Triều Tiên, đe dọa các lực lượng vũ trang Mỹ, các đồng minh và đối tác thương mại trong khu vực, bao gồm việc theo đuổi các chương trình hạt nhân và tên lửa; và các hành động, chính sách khiêu khích, gây bất ổn khác của Chính phủ Triều Tiên tiếp tục tạo thành một mối đe dọa lớn và bất thường đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ. Vì lý do này, tôi đã xác định rằng rất cần thiết để duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia như đã được tuyên bố trong sắc lệnh hành pháp 13466 về các hành động của Mỹ đối với Triều Tiên".
Giới quan sát nhận định những cụm từ như "chính sách khiêu khích", "gây bất ổn" hay "mối đe dọa bất thường" không hề mới trong các văn bản đối ngoại của Mỹ khi nói về Triều Tiên. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh các động thái tích cực vừa diễn ra giữa hai nước, những cụm từ này khiến người ta ngạc nhiên và có chút bối rối.
Tổng thống Trump từng gia hạn lệnh cấm chuyển tài sản nước Mỹ cho Triều Tiên bằng sắc lệnh hành pháp 13810 ký ngày 20-9-2017. Về lý thuyết, sắc lệnh này vẫn còn hiệu lực đến ngày 26-6-2018. Triều Tiên hiện vẫn chưa lên tiếng trước động thái mới từ Mỹ.
Mũi tên trúng nhiều đích
Thực tế ông Trump chưa đặt bút ký sắc lệnh hành pháp gia hạn, dù chỉ còn ba ngày nữa là hết hạn. Nếu có, đây cũng không phải là lần đầu tiên ông Trump gia hạn thêm một năm lệnh trừng phạt đơn phương nhắm vào Triều Tiên. Động thái gia hạn lần này có thể được hiểu là một mũi tên trúng nhiều đích.
Cần nhớ chính quyền của ông Trump chưa hề tuyên bố sẽ dỡ bỏ bất kỳ biện pháp trừng phạt nào với Triều Tiên sau thượng đỉnh Mỹ - Triều. Nhà lãnh đạo Mỹ chọn thái độ ôn hòa hơn khi nói về các lệnh trừng phạt Triều Tiên. Đáp lại các động thái đóng cửa bãi thử hạt nhân - tên lửa của Triều Tiên, Tổng thống Trump tuyên bố dừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc với lý do đó là "các hành động khiêu khích không phù hợp vào thời điểm hiện tại".
Tuy nhiên, sự lạc quan của ông Trump và thái độ mềm mỏng hơn với Triều Tiên đã khiến một số nghị sĩ Mỹ lo ngại, thậm chí lên tiếng chỉ trích. Bất chấp ông Trump đã làm được điều chưa một tổng thống Mỹ nào làm được là gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên trong thời gian đương chức, các ý kiến phản đối trong Quốc hội cho rằng Tổng thống Trump đã tặng cho Bình Nhưỡng một cơ hội tuyên truyền quý báu.
Một số thượng nghị sĩ đã yêu cầu ông Trump phải báo cáo và phải được sự chấp thuận của Quốc hội nếu muốn bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt Triều Tiên nào. Vậy nên có thể hiểu việc ông Trump gia hạn lệnh trừng phạt Triều Tiên là một động thái trấn an và nỗ lực dập bớt các chỉ trích tại Quốc hội. Bằng cách giữ nguyên hiện trạng, tức không bớt và không thêm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, chỉ tiếp nối những cái đã sẵn có, ông Trump cũng giúp Washington có thêm lá bài trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sắp sửa diễn ra với Bình Nhưỡng mà vẫn dễ đường ăn nói tại Quốc hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận