09/12/2020 07:41 GMT+7

Mỹ - Trung 'so găng' chuyện Hong Kong

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ đang đến hồi kết, chuẩn bị cho một nhiệm kỳ mới. Ông Trump tuy vậy vẫn tiếp tục các biện pháp mạnh mẽ với chính quyền Bắc Kinh.

Mỹ - Trung so găng chuyện Hong Kong - Ảnh 1.

Những người Hong Kong phản kháng chuyện những nhà hoạt động bị bắt hôm 2-12 vì các hành vi trước đó. Sáng 8-12, nhà chức trách Hong Kong tiếp tục bắt ít nhất 9 người liên quan một cuộc biểu tình hồi tháng 7, sau khi bắt 8 người có liên quan tới một cuộc tụ tập trái phép trong khuôn viên trường đại học hồi tháng 11 - Ảnh: Reuters

Ngày 7-12, 14 quan chức cấp cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc (NPCSC) đã bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt tài chính và cấm nhập cảnh vì "làm suy yếu nền tự chủ của Hong Kong". Giới quan sát nhận định động thái cho thấy Washington sẽ tiếp tục giữ lời hứa, bắt Bắc Kinh chịu trách nhiệm vì những gì đã làm với Hong Kong.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) ở TP.HCM, nhận định việc nhắm vào NPCSC là một hành động "vỗ mặt" chính quyền Bắc Kinh. Do đó, chắc chắn sẽ có sự trả đũa từ Trung Quốc trong thời gian tới.

Xử theo sắc lệnh của ông Trump

Trong thông cáo được phát cuối ngày 7-12 (giờ Việt Nam), Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ đích danh 14 quan chức Trung Quốc đại lục. Những người này và gia đình của họ sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ, mọi tài sản ở Mỹ sẽ bị đóng băng. Công dân và các tổ chức nằm trong quyền xét xử của Mỹ cũng bị cấm tiến hành các giao dịch với 14 cá nhân trên.

Trong cơ cấu Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc gồm 175 người, 14 cá nhân này chỉ đứng dưới ông Lật Chiến Thư - ủy viên trưởng đồng thời là chủ tịch Quốc hội Trung Quốc. Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, cơ sở pháp lý cho việc trừng phạt các quan chức Trung Quốc là sắc lệnh hành pháp số 13936 được Tổng thống Donald Trump ký ngày 14-7-2020.

Những người này bị ông Pompeo xác định đã gián tiếp hoặc trực tiếp xây dựng và thông qua "Luật đảm bảo an ninh quốc gia của CHND Trung Hoa tại Hong Kong", đe dọa sự ổn định, an ninh và nền tự chủ của đặc khu này.

Chiếu theo sắc lệnh 13936, các quan chức bị trừng phạt cũng bị cáo buộc đã gián tiếp hoặc trực tiếp tham gia các hành động "đe dọa, bắt giữ hoặc cầm tù" các tiếng nói phản đối ở Hong Kong, hạn chế hoặc ngăn cản quyền tự do thể hiện quan điểm và biểu tình của người Hong Kong.

"Động thái ngày hôm nay nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác để bắt Trung Quốc chịu trách nhiệm cho việc làm xói mòn quyền tự trị dành cho Hong Kong.

Một lần nữa Mỹ thúc giục Bắc Kinh tuân thủ các cam kết quốc tế và chú ý tới tiếng nói của nhiều quốc gia lên án những hành động của họ" - ông Pompeo nhấn mạnh trong thông cáo ngày 7-12.

Bằng động thái lần này, chính quyền của Tổng thống Donald Trump muốn cho thấy chính sách đối ngoại và các cam kết của Mỹ trong các vấn đề liên quan Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển giao quyền lực.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung (giám đốc SCIS ở TP.HCM)

Leo thang căng thẳng có kiểm soát

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ trừng phạt các quan chức Trung Quốc với cáo buộc làm suy yếu nền tự chủ của Hong Kong. Hồi tháng 7-2020, 11 quan chức đương nhiệm lẫn về hưu của Hong Kong và đại lục đã bị Mỹ trừng phạt vì cáo buộc trên. Trưởng đặc khu Hong Kong, bà Carrie Lam, cũng nằm trong danh sách đợt đầu.

Tiến sĩ Nguyễn Tăng Nghị, giảng viên khoa quan hệ quốc tế thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM, nhận định Mỹ sẽ còn tăng cấp trong vài tuần tới.

"Khả năng Washington nhắm vào ông Lật Chiến Thư, một trong 7 thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc là có. Nếu muốn gây khó hơn nữa, Mỹ có thể chọn cách công bố tài sản ở Mỹ của các quan chức Trung Quốc. Bắc Kinh khi đó sẽ phải tìm cách giải thích với người dân trong nước về những con số bị Washington phơi bày" - ông Tăng Nghị nêu quan điểm.

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, động thái trừng phạt của Mỹ là một bước leo thang căng thẳng.

Tuy nhiên, ông Thành Trung lưu ý việc Mỹ vẫn chưa chạm đến người đứng đầu NPCSC là ông Lật Chiến Thư cho thấy Washington muốn chừa đường lùi cho Trung Quốc và giữ căng thẳng trong mức kiểm soát.

"Mỹ có thể đang muốn ép Trung Quốc rút lại các quy định mới liên quan Hong Kong, chẳng hạn quy định bãi nhiệm các nghị sĩ có tư tưởng ủng hộ độc lập cho đặc khu vừa mới thông qua gần đây".

Trung Quốc chắc chắn sẽ lên tiếng phản đối, nhưng theo ông Thành Trung, việc Mỹ trừng phạt các quan chức NPCSC "chẳng khác nào đánh vào thể diện" của chính quyền Bắc Kinh. "Do đó, Trung Quốc sẽ đáp trả bằng các biện pháp tương xứng, khởi đầu bằng việc nhắm vào các nhà ngoại giao Mỹ" - giám đốc SCIS nhận định.

Trung Quốc phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ

Theo Tân Hoa xã, ngày 8-12 Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối việc Bộ Ngoại giao Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các đại biểu Quốc hội Trung Quốc.

Tuyên bố của Văn phòng phụ trách các vấn đề Hong Kong và Macau thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc nêu rõ động thái của Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế và những nguyên tắc cơ bản của các mối quan hệ quốc tế.

Theo Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng khẳng định Trung Quốc sẽ có các biện pháp đáp trả phù hợp, đồng thời hối thúc Mỹ rút lại các lệnh này.

Hong Kong tiếp tục bắt 17 cựu nghị sĩ và sinh viên Hong Kong tiếp tục bắt 17 cựu nghị sĩ và sinh viên 'tụ tập trái phép'

TTO - Sau khi bắt 8 người có liên quan tới một cuộc tụ tập trái phép trong khuôn viên trường đại học hồi tháng 11, nhà chức trách Hong Kong sáng nay 8-12 tiếp tục bắt ít nhất 9 người khác liên quan một cuộc biểu tình hồi tháng 7.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên