07/08/2020 09:02 GMT+7

Mỹ - Trung khẩu chiến về 'công nghệ sạch'

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Trong mắt Mỹ, mạng Internet chỉ "sạch" khi không có các công ty Trung Quốc. Bắc Kinh đã đáp trả bằng việc chỉ ra Washington đã từng dính "vết nhơ" với các bê bối nghe lén và do thám.

Mỹ - Trung khẩu chiến về công nghệ sạch - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị - Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 6-8 đã kêu gọi Apple và Google, hai công ty Mỹ sở hữu hệ điều hành iOS và Android, gỡ bỏ các ứng dụng "không đáng tin cậy" của các nhà phát triển Trung Quốc khỏi cửa hàng ứng dụng dành cho thiết bị di động.

Nếu Apple và Google chấp hành - một cách tự nguyện hay bị ép buộc bằng pháp lý - thì tác động đến các công ty Trung Quốc là không thể đo đếm khi iOS và Android gần như chiếm trọn thị phần thế giới.

"5 sạch" của Mỹ

"Với các công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc, các ứng dụng như TikTok, WeChat và những ứng dụng khác là mối đe dọa đáng kể đối với dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ, chưa kể đến các công cụ kiểm duyệt nội dung của chính quyền Bắc Kinh" - ông Pompeo lập luận.

Theo ngoại trưởng Mỹ, để bảo vệ dữ liệu của công dân và tài sản trí tuệ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đề ra chiến lược "Mạng lưới sạch". Nói một cách nôm na, đây sẽ là chiến lược cắt đứt mọi liên kết giữa Mỹ và các công ty công nghệ, viễn thông Trung Quốc.

Ông Pompeo đã liệt kê ra năm trụ cột quan trọng của chiến lược này trong cuộc họp báo ngày 6-8, đặc biệt nhấn mạnh chữ "sạch" trong mỗi trụ cột. Đầu tiên, với "nhà cung cấp dịch vụ sạch", Mỹ sẽ thu hồi giấy phép của các công ty Trung Quốc cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế ở Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ tiết lộ China Telecom và ba công ty khác đang nằm trong tầm ngắm.

Trụ cột thứ hai là "cửa hàng ứng dụng sạch", kêu gọi xóa các ứng dụng Trung Quốc khỏi iOS và Android. Thứ ba là "ứng dụng sạch" sẽ chặn các nhà sản xuất điện thoại "không đáng tin cậy" như Huawei tiếp cận các ứng dụng phổ biến của Mỹ.

Để ngăn chặn các dữ liệu nhạy cảm của người Mỹ và tài sản trí tuệ quý giá của công ty Mỹ, theo ông Pompeo, Washington sẽ ngăn việc lưu trữ các dữ liệu này trên những dịch vụ lưu trữ đám mây do các công ty Trung Quốc như Alibaba, Baidu, China Mobile, China Telecom và Tencent cung cấp. Đây là trụ cột thứ tư với tên gọi "lưu trữ đám mây sạch".

Trụ cột cuối cùng là "cáp biển sạch" - ngăn tình báo Trung Quốc thu thập thông tin thông qua hệ thống cáp biển nối Mỹ và thế giới. "Chúng tôi sẽ làm việc với các nước khác để những hệ thống cáp biển quan trọng không trở thành mục tiêu thỏa hiệp" - ngoại trưởng Mỹ khẳng định.

Trung Quốc phản pháo

Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 6-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tiếp tục phản đối các động thái của Mỹ. 

"Mỹ không có bằng chứng nào cho các cáo buộc của họ. Tất cả chỉ là nỗ lực bôi nhọ chính trị và đảm bảo thế độc quyền của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ - ông Bân đặt vấn đề - Nhiều công ty Trung Quốc đang bị Mỹ bắt chẹt hoàn toàn vô tội. Các sản phẩm và công nghệ của những công ty này rất an toàn và chưa có bê bối an ninh nào như vụ WikiLeaks hay Edward Snowden của Mỹ".

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Tân Hoa xã ngày 5-8, khi được hỏi về chiến lược "Mạng lưới sạch" của Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói thẳng: "Mỹ không đủ phẩm chất để tạo ra bất kỳ "mạng lưới sạch" bởi vì bản thân họ đã chẳng sạch sẽ gì". Nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc chứng minh bằng các vụ bê bối nghe lén và do thám được Mỹ tiến hành trước đây.

Theo ông Vương Nghị, không chỉ "bắt nạt" các công ty Trung Quốc để "duy trì thế độc quyền trong công nghệ và khoa học", "Mỹ còn cố gắng ngăn chặn quyền phát triển chính đáng của Trung Quốc". "Washington nên từ bỏ suy nghĩ hẹp hòi, ích kỷ và quay trở lại con đường đúng đắn là hợp tác" - ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi. Ông cũng nhấn mạnh Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại thẳng thắn với Mỹ để giải tỏa các định kiến, căng thẳng.

30

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ tại họp báo qua điện thoại tối 6-8, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith J. Krach cho biết đã có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó phần lớn là các nước châu Âu, ủng hộ sáng kiến "Mạng lưới sạch" của Mỹ.

"Tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy có nhiều công ty không sử dụng các thiết bị viễn thông "bẩn". Nhiều quốc gia và công ty đang trở thành quốc gia sạch và công ty viễn thông sạch. Có khoảng 50 nước đã phàn nàn về những thứ như thiết bị bảo hộ cá nhân Trung Quốc sản xuất. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy những hợp đồng của Huawei đang bốc hơi" - ông Krach nói.

Ông Vương Nghị muốn đối thoại với Mỹ để giải tỏa Ông Vương Nghị muốn đối thoại với Mỹ để giải tỏa 'căng thẳng, định kiến'

TTO - Ngoại trưởng Trung Quốc lập luận một cuộc chiến tranh lạnh với Mỹ sẽ khiến toàn nhân loại bị ảnh hưởng tiêu cực và đó không phải là điều Bắc Kinh muốn. Ông tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Mỹ ở tất cả vấn đề để giải tỏa căng thẳng và định kiến.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên