21/07/2022 16:16 GMT+7

Mỹ tin vẫn có thể áp giá trần với dầu Nga, Anh công bố gói trừng phạt mới

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Một quan chức chính quyền Mỹ hy vọng mức giá trần trên toàn cầu đối với dầu của Nga sẽ được áp dụng vào tháng 12-2022. Trước đó, Nga đã tuyên bố sẽ ngừng xuất khẩu dầu nếu giá trần thấp hơn chi phí sản xuất.

Mỹ tin vẫn có thể áp giá trần với dầu Nga, Anh công bố gói trừng phạt mới - Ảnh 1.

Dàn khoan của Công ty Lukoil của Nga trên biển Baltic - Ảnh: REUTERS

"Chúng tôi đang theo những gì châu Âu đã làm. Họ đưa ra ý tưởng xem xét áp giá trần nhưng họ cũng định vào tháng 12 sẽ áp đặt lệnh cấm bảo hiểm (dầu của Nga)", Hãng tin Reuters dẫn lời Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nói ngày 20-7.

Theo ông Adeyemo, mục tiêu của Mỹ là đảm bảo rằng khi lệnh cấm bảo hiểm của châu Âu có hiệu lực sẽ có 1 mức trần giá dầu trên toàn cầu. Giá trần này giúp hạ giá năng lượng mà vẫn giữ cho dòng dầu thô chảy từ Nga không bị tắc nghẽn.

Hồi cuối tháng 6-2022, các nước G7 đã nhất trí nghiên cứu việc áp giá trần đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga để ngăn Matxcơva thu lời từ giá cao.

Ngoài ra, châu Âu công bố biện pháp cấm bảo hiểm dầu mỏ Nga với thời gian áp dụng dự kiến vào cuối năm nay. Biện pháp này sẽ nhằm gắn các dịch vụ tài chính, bảo hiểm và vận chuyển dầu đường biển với giá dầu của Nga. Theo đó, các công ty vận chuyển muốn tiếp cận các dịch vụ này từ các công ty thuộc G7 phải cam kết việc giá dầu từ Nga không được bán trên mức giá trần.

Đáp lại, ngày 20-7, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak khẳng định Matxcơva sẽ không cung cấp dầu cho thị trường thế giới, nếu mức giá trần được áp dụng thấp hơn chi phí sản xuất.

"Nếu mức giá mà họ đang nói đến thấp hơn chi phí sản xuất dầu, đương nhiên Nga sẽ không đảm bảo cung cấp dầu cho các thị trường thế giới. Đơn giản là chúng tôi không muốn bị thua lỗ", Hãng tin Interfax dẫn lời ông Novak nói.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cảnh báo rằng giá dầu sẽ tăng mạnh nếu phương Tây áp đặt mức giá trần.

Hiện một số nước như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và vài quốc gia châu Phi, Trung Đông đang tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Nga với mức giá giảm sâu so với giá thị trường sau khi nhiều nhà máy lọc dầu ở châu Âu đã ngừng mua dầu từ Nga.

Trong một diễn biến khác, ngày 21-7, Anh đã công bố kế hoạch áp các biện pháp trừng phạt mới đối với dầu, than và vàng của Nga. Đây là các biện pháp mở rộng từ gói trừng phạt vào cuối tháng 6-2022, khi đó London chỉ cấm cung cấp nhiên liệu máy bay, hàng hóa và công nghệ liên quan đến dầu mỏ và xử lý dầu mỏ cho Nga.

"Điều chỉnh này cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm từ dầu, than và các sản phẩm từ than và vàng, cũng như việc mua, cung cấp và giao hàng, trực tiếp hoặc gián tiếp những hàng hóa này. Nó cũng cấm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ tài chính, quỹ và dịch vụ môi giới liên quan đến những hàng hóa trên.

Lệnh cấm nhập khẩu vàng có hiệu lực từ ngày 21-7, lệnh cấm nhập khẩu than sẽ có hiệu lực vào ngày 10-8 và lệnh cấm nhập khẩu dầu sẽ có hiệu lực vào ngày 31-12", Hãng tin Sputnik dẫn tài liệu được Chính phủ Anh công bố.

Mỹ kêu gọi áp trần giá dầu Nga để đối phó lạm phát Mỹ kêu gọi áp trần giá dầu Nga để đối phó lạm phát

TTO - Ngày 14-7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi áp dụng mức giá trần cho dầu của Nga, lập luận rằng điều này sẽ giúp giảm lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua.


TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nga dầu Mỹ giá trần