24/02/2024 10:07 GMT+7

Mỹ quay lại Mặt trăng sau 50 năm

Mục tiêu của NASA là tạo ra sự hiện diện lâu dài trên Mặt trăng, cho rằng việc học cách sống và làm việc trong môi trường khắc nghiệt này cuối cùng sẽ giúp con người khám phá Hệ Mặt trời.

Ảnh mô phỏng tàu đổ bộ Odysseus của Công ty Intuitive Machines hạ cánh lên bề mặt Mặt trăng - Ảnh: Intuitive Machines

Ảnh mô phỏng tàu đổ bộ Odysseus của Công ty Intuitive Machines hạ cánh lên bề mặt Mặt trăng - Ảnh: Intuitive Machines

Vào lúc 18h23 ngày 22-2 theo giờ miền đông nước Mỹ (tức 6h23 sáng 23-2 theo giờ Việt Nam), tàu đổ bộ Odysseus của Công ty thám hiểm không gian Intuitive Machines - công ty tư nhân của Mỹ - đã đáp xuống bề mặt Mặt trăng, đánh dấu việc Mỹ quay trở lại vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất sau hơn 50 năm. 

Con tàu hình lục giác, với kích thước lớn hơn bốt điện thoại một chút, đã hạ cánh gần cực nam Mặt trăng.

Bước nhảy vọt khổng lồ

"Hôm nay (22-2), lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, Mỹ đã quay lại Mặt trăng. Hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một công ty thương mại, công ty của Mỹ, đã khởi động và dẫn đầu hành trình lên đó" - Giám đốc Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson nói, đồng thời gọi "chiến công này là bước nhảy vọt khổng lồ của toàn nhân loại".

Tàu Odysseus thuộc sứ mệnh IM-1, mang theo một số thiết bị khoa học và công nghệ của NASA. Hôm 15-2, tàu đổ bộ này đã được phóng vào không gian bằng tên lửa Falcon 9 do Công ty SpaceX chế tạo. 

Tàu tiến tới quỹ đạo Mặt trăng vào ngày 21-2. Sự kiện ngày 22-2 đánh dấu lần đầu tiên một tàu vũ trụ Mỹ hạ cánh có kiểm soát xuống bề mặt Mặt trăng kể từ sau sứ mệnh Apollo 17 năm 1972.

Sứ mệnh IM-1 mang theo các thiết bị khoa học vốn được thiết kế để thu thập dữ liệu về môi trường Mặt trăng, đặc biệt ở khu vực đã được chọn làm địa điểm hạ cánh cho sứ mệnh Artemis 3 của NASA (sứ mệnh đưa phi hành gia lên Mặt trăng).

IM-1 được triển khai trong bối cảnh thế giới chứng kiến cuộc chạy đua mới lên bề mặt Mặt trăng. Sau cuộc chạy đua chinh phục không gian giữa giữa Liên Xô và Mỹ trong thế kỷ 20, giờ đây Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đều đã đưa tàu vũ trụ đáp xuống Mặt trăng.

NASA đã trả gần 118 triệu USD cho sứ mệnh này. IM-1 diễn ra sau khi một đối tác thương mại khác của NASA - công ty tư nhân Astrobotic Technology - hủy bỏ sứ mệnh hạ cánh tàu vũ trụ Peregrine lên bề mặt Mặt trăng vào tháng trước. Tàu này gặp sự cố rò rỉ nhiên liệu nghiêm trọng, khiến nó không thể hạ cánh.

Hiện diện trên "lục địa thứ 8"

Khi phi hành gia Mỹ Neil Armstrong - người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng - thực hiện "bước chân nhỏ bé của một người, nhưng là bước nhảy vọt khổng lồ của nhân loại" vào năm 1969, nhiều người đã mong đợi các phi hành gia khác sẽ đến Mặt trăng thường xuyên hơn. Nhưng đã nửa thế kỷ trôi qua...

Theo trang Space.com, Mặt trăng là "mục tiêu thường xuyên" của tàu vũ trụ Mỹ trong thập niên 1960 và đầu thập niên 1970. Nhưng điều đó không chỉ xuất phát từ sự tò mò khoa học: Việc đưa phi hành gia lên Mặt trăng được coi là cách để chứng minh sự vượt trội về công nghệ so với Liên Xô - đối thủ của Mỹ thời Chiến tranh lạnh.

NASA đã chuyển sự chú ý khỏi Mặt trăng sau sứ mệnh Apollo cuối cùng vào năm 1972, để sang tập trung vào tàu con thoi, Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) và các mục tiêu khác, theo báo South China Morning Post.

Dưới nhiều đời tổng thống Mỹ, chính quyền đã đề xuất quay trở lại Mặt trăng, nhưng các chương trình này đã không vượt qua được những "cơn gió ngược chính trị". Tuy nhiên vào năm 2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy NASA khởi động chương trình Artemis để đưa con người quay lại Mặt trăng.

Hiện nay Mỹ mong muốn hiện diện trở lại trên Mặt trăng khi NASA đặt mục tiêu thực hiện các sứ mệnh robot, tìm hiểu thêm về môi trường trên Mặt trăng thông qua các đối tác tư nhân. NASA còn lên kế hoạch đưa phi hành gia quay trở lại Mặt trăng vào năm 2026.

Theo báo Washington Post, NASA đang đặt mục tiêu tạo ra sự hiện diện lâu dài của con người trên Mặt trăng - nơi mà một số người gọi là "lục địa thứ 8". Việc học cách sống và làm việc trên Mặt trăng cuối cùng sẽ giúp con người khám phá hệ Mặt trời.

Mục tiêu đầy tham vọng này của NASA gắn liền với một thứ đòi hỏi cần có trên Mặt trăng: nước. Hiện nay cực nam Mặt trăng - điểm xa nhất về phía nam trên Mặt trăng - nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học bởi sự hiện diện của băng nước ở những khu vực bóng tối vĩnh cửu xung quanh nó. 

Băng nước có thể được dùng để chiết xuất nhiên liệu, oxy và nước uống - những thứ có thể phục vụ cho các sứ mệnh Mặt trăng trong tương lai.

Nhiều thách thức

Tuy nhiên, việc khám phá Mặt trăng, nơi có môi trường khắc nghiệt, vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức vật lý. Bên cạnh đó, mặc dù tàu vũ trụ trải qua nhiều năm thử nghiệm trên Trái đất, nhưng cách duy nhất để biết chúng sẽ thực hiện sứ mệnh thành công hay không là thử nghiệm trong không gian - điều vốn có giới hạn.

Nhà vật lý Phillip Metzger tại Đại học Central Florida chỉ ra: "Trong trường hợp gặp sự cố nhiều lần, các chính trị gia sẽ bắt bạn ngừng thử nghiệm. Nếu đó là nỗ lực thương mại thì các nhà đầu tư sẽ rút lui. Do đó, bạn sẽ không được trao số lần thử nghiệm vô tận".

Đối với Công ty Intuitive Machines, lần thử đầu tiên dường như đã thành công. Và theo lời giám đốc NASA Bill Nelson, kỳ tích đó "cho thấy sức mạnh và sự hứa hẹn từ các quan hệ đối tác thương mại của NASA".

Thiết bị của công ty tư nhân lần đầu hạ cánh thành công xuống Mặt trăngThiết bị của công ty tư nhân lần đầu hạ cánh thành công xuống Mặt trăng

Công ty tư nhân Intuitive Machines của Mỹ đã đi vào lịch sử khi thiết bị của họ hạ cánh xuống Mặt trăng thành công sáng 23-2 (giờ Việt Nam), đánh dấu lần trở lại của người Mỹ sau nửa thế kỷ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên