Người biểu tình mang mặt nạ Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm các mô hình tên lửa ở Berlin, Đức hồi tháng 2-2019 để phản đối việc chấm dứt hiệp ước INF - Ảnh chụp màn hình Getty
Ngày 2-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Washington và Matxcơva thời Chiến tranh lạnh.
Tuyên bố được đưa ra không lâu sau khi Nga cùng ngày thông báo hiệp ước INF "đã chết", theo Hãng tin AFP.
"Nga là bên duy nhất chịu trách nhiệm cho việc chấm dứt hiệp ước này" - ông Pompeo nói trong một tuyên bố phát tại Thái Lan khi đến dự Hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 52.
Ngay sau tuyên bố của ông Pompeo, Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng khẳng định hiệp ước kết thúc là do "sáng kiến của Mỹ".
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng kêu gọi Mỹ thực thi lệnh hoãn triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung sau khi rút khỏi INF.
Nhiều tháng qua, cả Mỹ và Nga đều đã bắn tín hiệu về ý định rút khỏi hiệp ước INF, đồng thời cáo buộc nhau về việc phá vỡ các điều khoản của thỏa thuận.
Washington đã cáo buộc Matxcơva phát triển một loại tên lửa mới có tên 9M729 và cho rằng điều này đã vi phạm hiệp ước. Tuyên bố này cũng nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo NATO, siêu tên lửa này có tầm hoạt động khoảng 1.500km, trong khi phía Matxcơva khẳng định tên lửa này chỉ có thể di chuyển xa 480km.
Được ký kết năm 1987 bởi các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô là Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev, hiệp ước INF cấm hai nước phát triển và vận hành các tên lửa hạt nhân và tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500km.
Hãng tin AFP nhận định việc Mỹ và Nga rút khỏi INF đã làm dấy lên nỗi sợ hãi về một cuộc chạy đua vũ trang giữa các siêu cường toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận