Phóng to |
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay Phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tại Washington, Mỹ hồi tháng 5-2011 - Ảnh: Reuters |
Giới chuyên gia Âu - Mỹ cho rằng ông Biden sẽ phải tìm cách xoa dịu những lo ngại của Bắc Kinh về tình hình khủng hoảng nợ của Mỹ, mà thỏa thuận mức trần nợ công vừa đạt được giữa quốc hội với Tổng thống Barack Obama là không đủ để kiểm soát khoản nợ lâu dài của Washington, và kinh tế Mỹ sẽ có nguy cơ chậm lại.
Do vậy, ông Biden sẽ phải nỗ lực trấn an giới lãnh đạo Trung Quốc rằng Mỹ đang lập lại trật tự trong lĩnh vực tài chính. Cùng lúc, bà Lael Brainard, thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách về các vấn đề quốc tế, lên tiếng khẳng định kinh tế Mỹ vẫn “linh động nhất, sáng tạo nhất” và việc đạt được thỏa thuận mức trần nợ công trước thời hạn ngày 2-8 là một bước quan trọng thể hiện trách nhiệm tài chính của Washington với thế giới.
Bà cũng cho rằng ông Biden sẽ kêu gọi Trung Quốc nên tập trung vào cải cách như đánh giá lại đồng nhân dân tệ. “Chính sách đồng nhân dân tệ rất quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là với hoạt động xuất khẩu và tạo việc làm của Mỹ” - bà nhấn mạnh. Viện Chính sách kinh tế có trụ sở tại Washington cho biết nếu đồng nhân dân tệ và các đồng nội tệ vệ tinh khác được định giá đúng, GDP của Mỹ sẽ tăng trưởng 1,9% khi có tới 2,25 triệu việc làm được tạo ra tại Mỹ.
Một số chuyên gia của Mỹ cho rằng Trung Quốc chỉ trích gay gắt Mỹ do quan ngại sâu sắc về khoản gần 1.200 tỉ USD đang đầu tư vào Bộ Tài chính Mỹ. “Họ quan tâm liệu Mỹ đang hành xử có trách nhiệm hay không và có đang phản ứng với những chỉ trích từ chủ nợ của họ hay không” - Bonnie Glaser, một học giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ, nhận định.
Nhân Dân Nhật Báo cho rằng Washington phải tìm cách làm giảm những quan ngại của Trung Quốc về mức nợ công khổng lồ của Mỹ, đồng thời cảnh báo căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và làm xói mòn lòng tin của thế giới. Theo Tân Hoa xã, trong chuyến thăm, Phó tổng thống Joe Biden có thể sẽ đưa đến những cam kết nhằm xoa dịu Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của họ.
Ông Kim Sán Vinh, phó viện trưởng Học viện quan hệ quốc tế Trường đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định: “Nhiệm vụ chính của ông Biden là xem xét Trung Quốc có thật sự bị phiền phức từ việc Mỹ bị đánh rớt hạng tín nhiệm tín dụng hay không, bởi Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của họ và thái độ của Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng với họ”.
Thế nhưng các chuyên gia tài chính dự đoán dù lo ngại song Trung Quốc sẽ không bán số trái phiếu họ đang nắm giữ trong Bộ Tài chính Mỹ, thậm chí còn mua thêm. Dự đoán này đã là sự thật khi cùng ngày Nhật Báo Trung Quốc cho biết Bắc Kinh vừa mua thêm 5,7 tỉ USD trái phiếu Mỹ, nâng tổng số trái phiếu nước này nắm giữ lên 1.170 tỉ USD. Song ông J.Stapleton Roy, giám đốc Viện Kissinger chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, cảnh báo: “Bắc Kinh đang dự phòng nhiều phương án và một khi muốn giảm sự phụ thuộc vào trái phiếu Mỹ, họ sẽ thay đổi ý định”.
“Chỉ là một phần chiến lược kinh tế của người Trung Quốc” - ông Scott Paul, giám đốc điều hành Liên minh các nhà sản xuất Mỹ, nhận định về những chỉ trích mà Bắc Kinh đưa ra ngay sau khi Mỹ bị Hãng Standard & Poor’s đánh tụt mức tín nhiệm tín dụng từ AAA xuống AA+. Ông Paul cho rằng Trung Quốc mua trái phiếu của Mỹ nhằm giữ giá trị đồng nhân dân tệ của họ ở mức thấp ảo để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.
Sau Bắc Kinh, ông Biden sẽ tới Thành Đô, sau đó sang thăm Ulan Bato, Mông Cổ. Chuyến công du châu Á chín ngày của ông Biden sẽ kết thúc tại Nhật Bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận