18/10/2018 13:20 GMT+7

Mỹ là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Cường quốc số 1 thế giới lần đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), vượt lên các nước như Singapore, Đức, Thụy Sĩ và Nhật Bản.

Mỹ là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới - Ảnh 1.

Lần cuối Mỹ dẫn đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của WEF là vào năm 2008 - Ảnh: Reuters

Mỹ đạt được điểm số chung cao nhất (85,6 điểm) và được đánh giá cao về sáng tạo, thị trường lao động, quy mô thị trường, thể chế so với 140 nền kinh tế trong bảng xếp hạng. Gần như tất cả nhóm 30 nền kinh tế dẫn đầu tập trung tại châu Á và châu Âu.

Cạnh tranh nhất, nhưng...

Đây là lần đầu Washington trở lại vị trí đầu bảng kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008 và sau khi WEF áp dụng phương pháp đánh giá mới trong năm nay. Với sự vươn lên của Mỹ, Thụy Sĩ từ nước dẫn đầu suốt chín năm liên tiếp tuột xuống vị trí thứ tư, trong khi Singapore và Đức tiếp tục giữ vị trí tương ứng thứ hai và thứ ba.

Tuy nhiên, Mỹ dẫn đầu với nhiều "dấu hiệu đáng lo ngại". Theo WEF, Mỹ được đánh giá cao ở lĩnh vực động lực kinh doanh, hệ thống tài chính, sáng tạo. Các công ty Mỹ ghi điểm với khả năng thay đổi, nhưng Washington lại bị đánh giá thấp ở vấn đề sức khỏe và an ninh khi có tỉ lệ giết người khá cao ở một nước phát triển. "Mỹ làm cực kỳ tốt trong lĩnh vực động lực thị trường lao động nói chung, nhưng quyền của người lao động lại thấp. Các chính sách thị trường lao động chủ động cũng là điều còn thiếu so với các nền kinh tế tiến bộ khác" - bà Saadia Zahidi, thành viên ban giám đốc WEF, nhận định.

WEF cũng cho biết còn quá sớm để nói rằng việc Mỹ tăng hạng nhờ các chính sách gần đây của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, bởi các số liệu sử dụng trong báo cáo năm nay được thu thập trước khi ông Trump nhậm chức. "Còn quá sớm để sàng lọc dữ liệu đó trong báo cáo năm nay. Có thể có những căng thẳng thương mại với Trung Quốc và các đối tác khác, nếu tiếp diễn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự cạnh tranh của Mỹ trong tương lai" - Reuters dẫn lời bà Zahidi.

Dù vậy, WEF nhấn mạnh "các nền kinh tế mở thì càng cạnh tranh hơn". "Các số liệu cho thấy sức khỏe nền kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng tích cực ngược lại đối với sự cởi mở và hợp nhất" - báo cáo viết. Trong khi đó, nhà sáng lập Klaus Schwab của WEF cũng cho rằng sự đón nhận công nghệ trong "cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư" cũng là yếu tố quan trọng đối với năng lực cạnh tranh. "Tôi dự đoán sẽ có sự phân hóa toàn cầu giữa những nước thấu hiểu các cải cách sáng tạo và những nước không thể" - ông Schwab nói.

Châu Á tươi sáng

Bảng xếp hạng của WEF cho thấy bức tranh tích cực tại khu vực châu Á, trong đó một số nước có những bước nhảy đáng kể. Chẳng hạn Philippines tăng 12 bậc lên vị trí 56, hay Ấn Độ tăng 5 hạng lên vị trí 58.

Kinh tế Philippines tăng trưởng vượt 6% cùng với Trung Quốc, Campuchia và hai quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. WEF cũng đánh giá Philippines ngày càng an toàn hơn với các điểm về tội phạm, giết người, tham nhũng được cải thiện. Còn Ấn Độ ghi điểm ở các mục thể chế nghiên cứu và khởi nghiệp.

Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Singapore tiếp tục dẫn đầu và xếp ở vị trí thứ hai toàn cầu. Tiếp theo là Nhật Bản (5), Hong Kong (7), Đài Loan (13), Úc (14), Hàn Quốc (15), New Zealand (18). Dù xáo động về chính trị, nền kinh tế Malaysia vẫn tăng một bậc và ở vị trí thứ 25, xếp trên Trung Quốc (28). Phần lớn các nước ASEAN khác nằm trong nhóm giữa đều tăng hạng như Thái Lan (38, tăng 2 bậc), Indonesia (45, tăng 2 bậc), Philippines (56, tăng 12 bậc), Brunei (62, tăng 2 bậc).

Riêng Việt Nam giảm từ vị trí 74 năm ngoái xuống 77 năm nay. Việt Nam được đánh giá cao ở trụ cột sức khỏe - đạt 81 điểm, sự ổn định kinh tế vĩ mô - đạt 75 điểm, quy mô thị trường - đạt 71 điểm, tuy nhiên bị đánh giá thấp ở trụ cột năng lực sáng tạo - đạt 33 điểm.

Phương pháp mới

vietnam 2018

Việt Nam xếp hạng 77, giảm ba bậc - Ảnh: WEF

WEF sử dụng phương pháp mới trong việc xếp hạng, trong đó bao gồm các yếu tố đánh giá năng suất. Trong số 98 chỉ số xếp hạng, có đến 64 chỉ số mới được đưa vào. 12 trụ cột đánh giá trong xếp hạng bao gồm: thể chế, hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, ổn định kinh tế vĩ mô, động lực kinh doanh, năng lực sáng tạo... "Chỉ số cũ và chỉ số mới giống như táo và cam vậy. Lý do chúng tôi thực hiện chỉ số mới là vì sự thay đổi trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thu nhập trong dài hạn" - bà Zahidi nói.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên