03/04/2019 10:20 GMT+7

Mỹ giận vì Thổ 'bắt cá 2 tay'?

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TTO - Có vẻ như việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayieb Erdogan kiên quyết mua tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-400 của Nga đã khiến ông Trump nổi giận.

Mỹ giận vì Thổ bắt cá 2 tay? - Ảnh 1.

Đường lối của ông Trump (trái) và ông Erdogan về các vấn đề Trung Đông có sự cách biệt ngày càng xa, đến mức khó cứu vãn - Ảnh: REUTERS

Trong động thái mới nhất, ngày 1-4 Lầu Năm Góc thông báo quyết định tạm ngưng việc bàn giao cho Ankara mọi thiết bị liên quan đến máy bay chiến đấu F-35 hiện đại nhất mà Mỹ đã thỏa thuận bán trước đó.

Mỹ không thể chấp nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ vừa là thành viên khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), vừa có quan hệ mật thiết về mặt quân sự với Nga - đối thủ cạnh tranh với Mỹ trên bình diện chiến lược toàn cầu và cả trên thị trường vũ khí hiện đại.

Quan hệ đảo chiều dưới trào ông Trump

Với Mỹ, việc chính quyền của Tổng thống Erdogan "bắt cá hai tay" khó tránh khỏi khả năng làm thất thoát những bí mật quân sự trọng yếu của Mỹ cho phía Nga.

Không phải đến lúc này, chính quyền của Tổng thống Donald Trump mới bực mình với thái độ "khó chịu" của Tổng thống Erdogan. Sự đảo chiều của Erdogan trong quan hệ với Washington có khởi nguồn chính từ việc Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ hồi đầu năm 2017.

Trước đó, thời tổng thống Barack Obama, Erdogan còn được coi là "cố vấn" của tổng thống Mỹ về các vấn đề Hồi giáo để giúp Mỹ lý giải và ứng phó với biến động bất thường của sự kiện "Mùa xuân Ả Rập", nổ ra từ đầu năm 2011 trong thế giới Ả Rập.

Khi ấy, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò bảo trợ chính trên thực địa cho phe đối lập Syria được Mỹ ủng hộ, trong cuộc nội chiến nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Basha’r al-Assad được Nga chống lưng và cứu cho thoát khỏi sụp đổ.

Thậm chí, Erdogan còn đối đầu với Nga ở Syria đến mức xảy ra vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu Su-24 của Nga trên vùng trời biên giới Thổ - Syria hồi tháng 11-2015.

Nhưng khi ông Trump vào Nhà Trắng, Erdogan thấy rõ sự thân thiện của tân tổng thống Mỹ với Ai Cập và Saudi Arabia mà Thổ Nhĩ Kỳ luôn cạnh tranh quyết liệt kể từ khi bùng phát sự kiện "Mùa xuân Ả Rập" để giành vị thế "ngọn cờ" trong thế giới Ả Rập và Hồi giáo theo dòng Sunni. Tháng 6-2016, Erdogan khởi đầu sự đảo chiều quan hệ với Mỹ bằng động thái xin lỗi Nga về "vụ Su-24".

Rồi xảy ra vụ đảo chính bất thành hồi giữa tháng 7-2016 nhằm lật đổ vị thế cầm quyền của Erdogan. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thoát nạn và kết tội chủ mưu vụ đảo chính này cho giáo sĩ đối lập Fat’hullah Golen.

Thổ đòi Mỹ giải giao giáo sĩ này về cho Ankara xét xử, bởi ông ta đang định cư tại Mỹ; nhưng yêu cầu ấy không được phía Mỹ đáp ứng. Sau vụ này, từ vị thế đối đầu với đường lối của Nga ở Syria, Tổng thống Erdogan quay ngoắt 180 độ để trở thành một đồng minh của Nga trong việc giành lấy quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến cuộc nội chiến ở Syria, đẩy Mỹ và đồng minh của Mỹ xuống vị thế gần như "hữu danh vô thực" trong tiến trình chính trị - quân sự trong cuộc nội chiến tương tàn ở nước này.

Khác biệt về Trung Đông nới rộng

Suốt từ đó đến nay, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã liên minh với Nga, cùng Iran, trong một cơ chế gọi là "Hội nghị Astana" (thủ đô Kazakstan), do Nga điều phối. Tiến trình Astana này, trên thực tế đã soán ngôi của tiến trình Geneva do Mỹ và phương Tây bảo trợ từ giữa năm 2012, dưới danh nghĩa Liên Hiệp Quốc, để dàn xếp tương lai cho Syria.

Những diễn biến tại Syria và Trung Đông trong hơn hai năm nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump cho thấy sự cách biệt ngày càng xa đến mức khó cứu vãn giữa đường lối của tổng thống Mỹ với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi ông Trump tập trung mọi nỗ lực để cô lập và trừng phạt Iran thì Erdogan vẫn duy trì quan hệ đồng minh với Iran trong cơ chế Astana do Nga bảo trợ. Trump coi Ai Cập và Saudi Arabia là đồng minh chiến lược Ả Rập trong đường lối của Mỹ ở Trung Đông thì Erdogan bị Ai Cập coi là dung dưỡng cho tổ chức Anh em Hồi giáo - tổ chức bị chính quyền của Tổng thống Abdull Fatah Seesy đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Còn với Saudi Arabia thì Erdogan thực sự là "đối thủ cạnh tranh trực diện" rất khó chịu. Saudi Arabia chủ xướng cuộc đoạn tuyệt quan hệ với Qatar hồi giữa năm 2017 thì Erdogan lập tức nhảy vào cứu Qatar và được nước này cho thiết lập một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Doha, mà Saudi Arabia và các đồng minh vùng Vịnh của hoàng gia này coi đó như "một lưỡi dao Ottoman cắm vào lưng Ả Rập vùng Vịnh"!

Rồi xảy ra vụ sát hại nhà báo đối lập Khashqoji hồi đầu tháng 10 năm ngoái ngay tại thủ đô Ankara. Vụ này đã khiến quan hệ giữa Ankara và Riyad khủng hoảng hơn bao giờ hết, khi chính quyền của Tổng thống Erdogan không hề che đậy việc họ muốn kết tội cho hoàng thái tử Mohammed Bin Salman là chủ mưu vụ này!

Dù Đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền của ông Erdogan bất ngờ mất quyền kiểm soát ở thủ đô Ankara trong cuộc bầu cử địa phương mới đây, nhưng với việc sửa đổi hiến pháp vào cuối năm 2018, ông Erdogan dường như nắm chắc quyền cai trị ở Thổ Nhĩ Kỳ cho đến năm 2026, trong khi vị thế của Trump tại Nhà Trắng thì vẫn bấp bênh từng ngày suốt hơn 2 năm qua. 

Xem ra, cuộc đối đầu giữa hai ông tổng thống được cho là rất độc đoán này không dễ gì phân thắng bại.

Mỹ ngừng giao thiết bị F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ vì S-400 của Nga Mỹ ngừng giao thiết bị F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ vì S-400 của Nga

TTO - Mỹ dừng giao thiết bị liên quan đến dòng chiến đấu cơ tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, đánh dấu bước đi cụ thể đầu tiên của Washington trong việc ngưng giao dòng máy bay này cho đồng minh NATO.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên