Hệ thống "hỏa thần" HIMARS được quân đội Mỹ sử dụng để tiêu diệt dàn 50 lãnh đạo của Taliban ở Afghanistan - Ảnh: AFP
Trung tá Martin O’Donnell - người phát ngôn liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan, cho biết Mỹ đã sử dụng hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), có khả năng bắn các tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường GPS trong cuộc tấn công trên, theo Hãng tin AP.
Hệ thống HIMARS của Mỹ được đánh giá là một trong những loại vũ khí phóng loạt nguy hiểm nhất trên thế giới hiện nay.
Địa điểm bị "dính đạn" là một trung tâm chỉ huy và điều khiển, được biết tới là nơi hội họp của các lãnh đạo cấp cao của Taliban. Ngày 29-5 (giờ Mỹ), trung tá O’Donnell thông tin rằng ít nhất 50 người đã bị tiêu diệt.
Trung tá O’Donnell cho biết thêm nhiều nhân vật cấp cao của Taliban cũng đã bị tiêu diệt trong các cuộc không kích của Mỹ ở một chiến dịch kéo dài 10 ngày gần đây.
Tuần trước, quân đội Mỹ thông báo đã tiến hành một cuộc tấn công bằng pháo phản lực hôm 24-5 nhằm vào quận Musa Qala, thuộc tỉnh Helmand, miền nam Afghanistan. Tuy nhiên, thời điểm đó Mỹ không thông tin số thành viên Taliban bị tiêu diệt.
Làm rõ vấn đề này, ông O’Donnell cho biết do số lãnh đạo Taliban bị tiêu diệt khá nhiều và kế hoạch tấn công được tiến hành trên diện rộng, nên ảnh hưởng của cuộc tấn công HIMARS "sẽ được cảm nhận bên ngoài phạm vi tỉnh Helmand".
Ông O’Donnell gọi đây là một ví dụ cho thấy cách thức quân đội Mỹ đang sử dụng các quyền hạn được mở rộng, nằm một phần trong chiến lược mới của chính quyền ông Trump cho cuộc chiến Afghanistan, cho phép các lực lượng quân sự Mỹ giữ vai trò tích cực hơn trong chiến đấu.
Một cảnh sát biên giới Afghanistan đi tuần tại thành phố Lashkargah, tỉnh Helmand hôm 17-3 - Ảnh: AFP
Tháng 8-2017, Tổng thống Donald Trump đã công bố chiến lược mới về Afghanistan, theo đó Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ và quân đội Afghanistan. Ông Trump cho biết sứ mệnh chống khủng bố của binh sĩ Mỹ tại Afghanistan sẽ được gia hạn và ông đã phê duyệt tăng thêm 4.000 quân tới quốc gia Nam Á này.
Mỹ hiện duy trì khoảng 15.000 quân tại Afghanistan, hầu hết là cung cấp các dạng hỗ trợ quân sự khác nhau. Giới chức Mỹ đang tìm cách ép Taliban ngồi vào bàn đàm phán hòa bình bằng cách tăng cường áp lực quân sự lên nhóm này.
Tuần trước, một nhóm giám sát chính phủ Mỹ nói rằng chiến lược mới của chính quyền ông Trump chỉ đạt ít tiến triển trong cuộc chiến chống lại sự nổi dậy của Taliban, biến đất nước này thành một nơi "nguy hiểm và bất ổn" gần 17 năm sau khi Mỹ và đồng minh xâm lược hồi năm 2001.
Kết luận này trái với các đánh giá được quân đội Mỹ đưa ra hồi mùa thu năm ngoái. Quân đội Mỹ cho biết người dân Afghanistan, với sự hỗ trợ của Mỹ, đã "vượt qua giai đoạn nguy hiểm" và có đủ đà để chống lại Taliban.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận