26/12/2017 12:08 GMT+7

Mỹ có bằng chứng nói Triều Tiên dùng mã độc WannaCry không?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Chuyện tưởng như “ai cũng biết”, lại thực tế chưa bao giờ có bằng chứng xác thực nào để khẳng định.

Mỹ có bằng chứng nói Triều Tiên dùng mã độc WannaCry không? - Ảnh 1.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) ghé thăm lực lượng Phòng không - Không quân của quân đội Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Lâu nay Mỹ đã tố Triều Tiên đứng sau phần mềm mã độc WannaCry – tấn công máy tính, đánh cắp dữ liệu và đòi tiền chuộc.

Tuy nhiên, phía Triều Tiên mới đây yêu cầu Washington cung cấp bằng chứng về cáo buộc chống lại Bình Nhưỡng.

Ông Pak Song Il, đặc phái viên Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc phụ trách quan hệ với Mỹ, cho rằng cáo buộc trên là "một sự khiêu khích vô căn cứ" và được sử dụng để làm nảy sinh căng thẳng.

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với hãng tin AP ngày 25-12 (giờ Mỹ), ông Pak Song Il nói Mỹ đang nỗ lực tạo ra một bầu không khí đối đầu vì quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ không tốt. Theo lời ông Pak thì: "Nếu họ chắc như vậy, thì đưa chúng tôi xem bằng chứng đi".

WannaCry là mã độc gây choáng cho dư luận quốc tế suốt thời gian qua, khi nó tấn công hàng trăm ngàn máy tính trên toàn cầu và làm tê liệt nhiều thành phần trong Sở Y tế Quốc gia Anh hồi tháng 5.

Cố vấn an ninh nội địa Mỹ Tom Bossert trong một bài viết cho Wall Street Journal tuần trước cho rằng chính quyền Mỹ đã xác định Triều Tiên đứng sau vụ tấn công WannaCry này.

Theo lời ông Bossert, cáo buộc trên dựa theo các bằng chứng đã được xác nhận từ chính phủ và công ty tư nhân các nước, bao gồm Vương quốc Anh và đại gia công nghệ Microsoft.

Phía Triều Tiên bác bỏ các cáo buộc này. Truyền thông quốc gia Triều Tiên phản ứng nhanh chóng bằng cách lên án lời buộc tội về WannaCry, khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ dung thứ cho những tuyên bố liều lĩnh như vậy, cho đó là "sự khiêu khích chính trị nghiêm trọng" và dọa sẽ trả đũa.

Đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên là đối tượng của những cáo buộc tấn công mạng diện rộng. Năm ngoái, Mỹ và Hàn Quốc cũng nói chắc nịch rằng chính Triều Tiên đứng sau vụ xâm nhập hãng phim Sony Pictures Entertainment sau khi bộ phim "The Interview" được sản xuất có nội dung ám sát lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Những lập luận cáo buộc nghe cũng rất… có lý. Đơn cử là Mỹ dẫn đầu các nỗ lực cô lập kinh tế Triều Tiên, sau đó cho rằng Triều Tiên buộc phải kiếm tiền thông qua việc đào tạo lực lượng tin tặc đi tấn công máy chủ khắp nơi.

Nhưng lâu dần, khi cáo buộc xuất hiện mà không kèm theo bằng chứng cụ thể, nó đang đứng trước nguy cơ bị nghi ngờ.

Ngày 26-12, công ty CSO của Úc là tổ chức mới nhất dấy lên câu hỏi về tính chính xác trong các cáo buộc tấn công mạng mà Mỹ nhằm vào Triều Tiên. CSO là website chuyên đưa tin, thu thập và xử lý dữ liệu trên mạng thuộc tập đoàn truyền thông IDG của Úc.

Website này dẫn lời nhà phân tích an ninh độc lập Graham Cluley như sau: "Tôi nghĩ trong không khí thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên, không quá vô nghĩa nếu giữ lại một số hoài nghi về việc tại sao các cáo buộc kiểu này được đưa ra, và cái gì đang là động lực khiến nó được đưa ra trong đúng thời điểm này. Đó có phải là Triều Tiên không? Rất khó nói. Các nước lớn vốn đang chia sẻ thông tin tình báo với nhau, và rất dễ để đưa ra sự quy kết sai lầm".

Tim Erlin, phó chủ tịch phụ trách sản phẩm và chiến lược tại công ty phần mềm an ninh Tripwire cũng cho rằng sự quy kết chính xác đối với các cuộc tấn công mạng luôn là công việc khó nhằn. Ông khẳng định nếu các bằng chứng ủng hộ cho kết luận về một cuộc tấn công mạng không được công bố thì người khác có quyền nghi ngờ.

"Với việc niềm tin trên toàn cầu dành cho chính phủ Mỹ giờ đây đang xuống thấp, thật không bất ngờ khi có những người đang hoài nghi", ông Erlin nói.

Bob Flores, cựu giám đốc công nghệ (CTO) tại Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng là một chuyên gia đi theo hướng hoài nghi.

Ông Flores cho rằng thực tế là ai cũng có thể thực hiện tấn công mạng rồi cố ý cho thấy "tôi làm đây, tôi đến từ Triều Tiên", bất kể tin tặc là người Nga hay Trung Quốc chẳng hạn. Điều quan trọng, theo ông Flores, là truy xét xem ai được lợi từ các cuộc tấn công ấy, ai đang kiếm tiền từ đấy.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên