23/10/2021 06:19 GMT+7

Mỹ chuẩn bị trở lại UNESCO sau 4 năm rút lui?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Các nguồn tin am hiểu vấn đề của Reuters tiết lộ Mỹ đang có các bước đi chuẩn bị cho việc quay trở lại UNESCO, cơ quan chính quyền Donald Trump tuyên bố rút đi vào năm 2017 vì thành kiến với Israel.

Mỹ chuẩn bị trở lại UNESCO sau 4 năm rút lui? - Ảnh 1.

Trụ sở UNESCO tại Paris (Pháp) - Ảnh: UN

Trong một tuyên bố ngày 22-10, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) gọi việc Mỹ có ý định trở lại là một "tin tốt" nhưng cho biết vẫn chưa rõ thời gian và cách thức cho vấn đề này.

Cũng giống như Liên Hiệp Quốc nói chung, Mỹ đóng góp nhiều kinh phí hoạt động của UNESCO, chiếm khoảng 1/5 tổng kinh phí hằng năm. 

Chính quyền Mỹ bắt đầu ngừng đóng góp vào năm 2011 dưới thời tổng thống Barack Obama, sau khi Palestine trở thành thành viên đầy đủ của UNESCO. Năm 2017, tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi UNESCO vì thành kiến với Israel và hoàn tất tiến trình vào năm 2019.

Theo Hãng tin Reuters, nguyên nhân cho các động thái trên là do có quy định pháp lý yêu cầu Mỹ phải rút khỏi UNESCO nếu Palestine trở thành thành viên đầy đủ của các cơ quan Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, một dự luật được đệ trình lên Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện tuần này đã đánh tiếng sẽ bỏ các lệnh cấm trên, cho phép Mỹ tái đóng góp cho UNESCO. 

Điều kiện là Tổng thống Joe Biden và Quốc hội Mỹ tin rằng việc trở lại UNESCO sẽ cho phép Washington chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc hoặc thúc đẩy các lợi ích khác.

Israel rút khỏi UNESCO cùng thời gian với Mỹ và theo một nguồn tin ngoại giao phương Tây, nước này đang rất muốn quay trở lại nhưng chờ các động thái từ Mỹ. Bộ Ngoại giao Israel từ chối bình luận về thông tin trên, theo Reuters.

Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã đến Mỹ vào tháng trước và vận động phu nhân của Tổng thống Biden và một số thượng nghị sĩ về việc đưa Mỹ trở lại cơ quan này. Đệ nhất phu nhân Jill Biden từng tham gia vào các chương trình giảng dạy của UNESCO trước đây, một nhà ngoại giao nói với điều kiện giấu tên.

Để trở thành luật, dự luật cho phép Mỹ tái đóng góp kinh phí cho UNESCO cần được thông qua tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có các cuộc bỏ phiếu như vậy sắp diễn ra.

Tính đến thời điểm Mỹ rời khỏi UNESCO, nước này được cho là đã "nợ" nghĩa vụ đóng góp cho tổ chức khoảng 542 triệu USD. Washington cũng bị mất quyền bỏ phiếu tại UNESCO vào năm 2013 vì nợ tiền đóng góp.

UNESCO là một tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc, được thành lập vào ngày 16-11-1945 và có trụ sở chính tại Paris (Pháp) cùng 53 văn phòng khu vực trên toàn thế giới.

Sứ mệnh của tổ chức này là thúc đẩy hợp tác trong giáo dục, khoa học, văn hóa nhằm đảm bảo hòa bình lâu dài và phát triển bền vững, hiểu biết lẫn nhau giữa các nước.

Úc ám chỉ Bắc Kinh thao túng UNESCO Úc ám chỉ Bắc Kinh thao túng UNESCO

TTO - Úc tuyên bố "có ảnh hưởng chính trị" đằng sau lời kêu gọi đưa rạn san hô Great Barrier vào danh sách các di sản thế giới bị đe dọa của UNESCO. Các nguồn tin từ Chính phủ Úc tiết lộ đó là Trung Quốc.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên