11/07/2018 11:10 GMT+7

Mỹ chưa chia tay nhưng vẫn cứ đòi quà

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc các đồng minh thuộc NATO không thực hiện những cam kết về chi tiêu quốc phòng, đồng thời ngụ ý các nước này cần "bồi hoàn" cho Mỹ.

Mỹ chưa chia tay nhưng vẫn cứ đòi quà - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump cùng phu nhân Melania rời chiếc Air Force One sau khi đáp xuống sân bay quân sự Brussels ở Melsbroek ngày 10-7 - Ảnh: REUTERS

Vẫn cách phát ngôn quen thuộc là viết trên mạng xã hội Twitter trên đường tới Brussels (Bỉ) tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Trump tuyên bố: "Nhiều quốc gia NATO, những nước mà chúng tôi bảo vệ, không chỉ không thực hiện cam kết của họ ở mức 2% (GDP cho quốc phòng), mà còn không thực hiện đúng hạn các khoản chi trả trong nhiều năm. Liệu họ có bồi hoàn cho Mỹ?".

Trong những tháng gần đây, Tổng thống Trump liên tiếp có những công kích gay gắt nhằm vào các đối tác của Mỹ trong NATO, cáo buộc những nước này "ăn bám" Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng.

"Đức đóng góp 1% GDP cho NATO, người Mỹ đang phải trả đến 4% […]. Làm sao tin được là chuyện đó cứ giữ được như thế? Mỹ đang hào phóng bảo vệ châu Âu. Trong khi đó Mỹ lại bị hứng đòn trong thương mại từ châu Âu. CHUYỆN NÀY PHẢI THAY ĐỔI!".

Ông Trump đã viết rõ ràng như thế trên Twitter từ hôm 9-6 với câu cuối viết kiểu nhấn mạnh, ngay trước cuộc họp G7.

Quan điểm của ông chủ Nhà Trắng đương nhiên không thay đổi. Hội nghị thượng đỉnh NATO, diễn ra 11 và 12-7 tại Brussels (Bỉ), vì thế được xem như thời khắc then chốt để tổ chức này xác định chiến lược hợp tác nội khối trong tương lai.

Lần xuất quân này, ông Trump đã lật lá bài đàm phán và nêu rõ quan điểm không nhân nhượng.

Ngay cả việc ông quyết định để Mỹ khơi chiến thương mại với gã khổng lồ Trung Quốc cũng cho thấy ông không nhường nhịn hoặc e dè ai cả khi bảo về quyền lợi cho người dân Mỹ.

Các nước thành viên NATO lần này không thể xem nhẹ những phàn nàn của ông Trump về chi phí đóng góp của liên minh, cũng như than phiền về tính hiệu quả của tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh này.

Mỹ chưa chia tay nhưng vẫn cứ đòi quà - Ảnh 2.

Binh sĩ Mỹ cùng xe tăng trong cuộc tập trận chung mang tên "Noble Partner 2016" ở Vaziani, Gruzia, tháng 5-2016 - Ảnh: REUTERS

Theo một nguồn tin từ Mỹ, Tổng thống Trump mới đây cho rằng NATO "tệ không kém gì NAFTA" - Hiệp định thương mại Bắc Mỹ (với Canada và Mexico) mà Trump coi là mối đe dọa an ninh của Mỹ và nhất quyết buộc ngồi vào bàn đàm phán lại bất chấp những phản ứng của hai đối tác sát sườn cùng châu lục.

Từ khi đắc cử đến nay, ông Trump luôn gay gắt chỉ trích các nước đồng minh NATO không công bằng khi dựa quá nhiều vào Mỹ để chi trả các hóa đơn cho quốc phòng bảo vệ chủ yếu nhóm các quốc gia châu Âu.

Chỉ 8 trong số 29 nước thành viên NATO hiện tại đáp ứng mục tiêu chi tương đương 2% GDP cho hoạt động quốc phòng, bao gồm Mỹ, Anh, Hy Lạp, Ba Lan, Latvia, Estonia, Romania và Litva.

Mục tiêu này đã được đề ra từ hội nghị thượng đỉnh NATO tại Wales năm 2014, và các nước đồng minh đã nhất trí hoàn thành mục tiêu trước năm 2024.

Tuy vậy, ông Trump vẫn muốn các nước đồng minh NATO đẩy nhanh kế hoạch đóng góp cho đúng cam kết.

Có thông tin cho rằng hôm 2-7 vừa qua, ông Trump đã gửi thư cho Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng như các nhà lãnh đạo của Bỉ và Na Uy yêu cầu họ phải thực hiện cam kết trên.

Trước đó, trong các bức thư được gửi vào tháng 6-2018, ông Trump còn bóng gió về việc sẽ xem xét điều chuyển binh lính Mỹ ở các nước châu Âu nếu các nước này không tăng chi tiêu quốc phòng.

Nếu đạt mức chi 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như mục tiêu đề ra thì sẽ có khoảng 100 tỉ USD mỗi năm được các nước thành viên NATO chi thêm cho quốc phòng.

Viễn cảnh về những cái bắt tay gượng gạo như trong cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Trump với các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh tháng 5 năm ngoái, hoàn toàn có thể tái diễn tại hội nghị năm nay.

Khi đó, dù mới nhậm chức vài tháng, ông Trump đã chứng tỏ cách chơi cứng: không chỉ chỉ trích một NATO lỗi thời và không chịu chia sẻ gánh nặng tài chính, ông còn từ chối ủng hộ điều khoản bảo vệ lẫn nhau, được gọi là "Điều 5" của Hiến chương NATO.

Một quan chức châu Âu thừa nhận ban đầu còn ngờ vực về kiểu chơi của ông Trump nhưng giờ thì họ đã hiểu rõ.

Người từng được dự cuộc họp kín của nhóm G7 tại Canada hồi tháng 6 vừa qua thừa nhận trên báo Le Figaro: "Chúng ta đang đối mặt với một quyền lực tàn bạo chỉ tìm cách hạ nhục đối tác".

Một nhà quan sát khác nhìn nhận rằng châu Âu hiện nay vẫn chưa biết cách đàm phán được với ông Trump và cũng chưa từng phải xem Mỹ như một thế lực đối địch như lúc này.

Nay thậm chí nhiều nhà lãnh đạo NATO còn lo ngại rằng với tính cách quyết đoán của mình, Tổng thống Trump sẵn sàng thẳng tay với các đồng minh NATO để tạo không khí thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến diễn ra 4 ngày sau đó.

Không loại trừ khả năng tại hội nghị thượng đỉnh NATO lần này, người ta phải chứng kiến một "cuộc đụng độ ngoại giao" nữa giữa các nhà lãnh đạo các nước thành viên châu Âu với Tổng thống Trump.

Cuộc họp thượng đỉnh của NATO bắt đầu hôm nay, như dự báo của một quan chức châu Âu là lành ít dữ nhiều. "Một cơn ác mộng thật sự", ông này nhận định.

Tin tặc Nga ‘săn’ điện thoại binh sĩ NATO để lấy thông tin Tin tặc Nga ‘săn’ điện thoại binh sĩ NATO để lấy thông tin

TTO - Tin tặc Nga được cho đang âm thầm tấn công điện thoại thông minh của các binh sĩ NATO trong một nỗ lực nhằm lấy thông tin về các kế hoạch của liên minh quân sự phương tây.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên