02/11/2018 08:38 GMT+7

Mỹ cáo buộc Trung Quốc, Đài Loan đánh cắp bí mật thương mại của tập đoàn Micron

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions ngày 1-11 cáo buộc Bắc Kinh chống lưng cho kế hoạch của các công ty Trung Quốc và Đài Loan nhằm đánh cắp bí mật thương mại trị giá khoảng 8,75 tỉ USD từ tập đoàn bán dẫn Micron.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc, Đài Loan đánh cắp bí mật thương mại của tập đoàn Micron - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions công bố các cáo buộc chống lại các công ty điện tử của Trung Quốc và Đài Loan - Ảnh: AFP

Theo AFP, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố các cáo buộc hình sự chống lại công ty Mạch Tích hợp Kim Hoa Phúc Kiến thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc và Tổng công ty Vi mạch điện tử Liên hợp (UMC) của Đài Loan cùng 3 quan chức UMC.

Bộ cho biết các công ty và cá nhân này âm mưu cướp các thiết kế tiên tiến của Micron để giúp công ty Kim Hoa Phúc Kiến trở thành nhà cung cấp lớn trên thị trường bộ vi xử lý máy tính (con chip máy tính) toàn cầu.

Các cáo buộc trên là những trường hợp mới nhất trong một loạt các trường hợp mà Washington cho rằng Bắc Kinh đang "chống lưng" để thực hiện những vụ đánh cắp bí mật công nghiệp và thương mại có giá trị của Mỹ nhằm thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc.

"Những trường hợp này và những trường hợp khác kết hợp với nhau tạo thành một bức tranh nghiệt ngã về một quốc gia có sở thích trộm cắp để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và ăn bám Mỹ" - ông Sessions nói.

"Hành vi này là bất hợp pháp. Là sai trái. Là mối đe dọa cho an ninh quốc gia của chúng tôi. Và điều này phải dừng lại" - Bộ trưởng Sessions lên án.

AFP đưa tin tòa án quận của Mỹ tại San Jose, California đã công bố bản cáo trạng chống lại 3 cựu nhân viên Micron tại Đài Loan là Stephen Chen Zhengkun, He Jianting và Kenny Wang Yungming. Ba người này lần lượt vào làm cho UMC trong năm 2015 và 2016 với kế hoạch chuyển giao qui trình sản xuất và thiết kế chất bán dẫn cho bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) của Micron.

Tất cả các bí mật thương mại trên sau đó sẽ được chuyển giao cho công ty Kim Hoa Phúc Kiến theo hợp đồng của ông Chen.

Ông Chen trước đây là một giám đốc điều hành cấp cao của Micron tại Đài Loan. Năm 2015 ông Chen chuyển đến lãnh đạo UMC và sau đó trở thành chủ tịch của Kim Hoa Phúc Kiến.

Hành vi trộm cắp trên tạo ra mối đe dọa lớn cho công ty có giá trị khoảng 100 tỉ USD như Micron. Micron cũng là là công ty kiểm soát 20-25% thị trường toàn cầu về chip DRAM.

Ngoài các cáo buộc hình sự trên, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đệ đơn kiện dân sự để ngăn chặn nhập khẩu bất kỳ sản phẩm nào mà UMC và Kim Hoa Phúc Kiến sản xuất dựa trên công nghệ đã đánh cắp từ Micron.

Trong những năm gần đây Washington đã đẩy mạnh cuộc chiến chống lại chương trình gián điệp kinh tế mà Mỹ cáo buộc Trung Quốc đứng sau để chống lại Mỹ nhằm thu thập tất cả các loại công nghệ tiên tiến từ nông nghiệp đến công nghiệp nặng.

Trong hai tháng qua Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã truy tố 12 người Trung Quốc, bao gồm 3 quan chức tình báo, trong một âm mưu đánh cắp công nghệ động cơ phản lực từ các công ty Mỹ và Pháp.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên