"Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang chuyển sang giai đoạn chiến tranh tiền tệ với việc đồng nhân dân tệ giảm chạm mốc 1 USD đổi hơn 7 nhân dân tệ và Mỹ liệt Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ" - Hãng tin Yonhap ngày 6-8 dẫn lời chuyên gia Jeon Seung Ji của Samsung Futures nhận định.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 6-8 xác định Bắc Kinh đang thao túng đồng tiền khi để đồng nhân dân tệ rớt giá sâu nhằm đối phó với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu.
Trước đó, Bắc Kinh đã cho phép đồng nhân dân tệ mất giá 2% trong ngày 5-8, xuống ngưỡng trên 7 nhân dân tệ đổi được 1 USD, mức yếu nhất của đồng nội tệ Trung Quốc trong 10 năm trở lại đây.
Theo giới phân tích, tuy sự mất giá của nhân dân tệ hiện chỉ mang giá trị biểu trưng, tuy nhiên nó bắn đi tín hiệu về cuộc chiến tranh tiền tệ giữa hai nước.
Lo ngại càng lớn khi khả năng đạt được thỏa thuận thương mại giữa hai nước vẫn rất thấp trong bối cảnh kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Mỹ trả đũa
Lần cuối cùng Mỹ gọi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ là vào năm 1994. Theo Washington Post, Mỹ từng suýt liệt Trung Quốc vào danh sách này hồi tháng 5-2019.
Việc xác định Bắc Kinh là thao túng tiền tệ ngày 6-8 có thể mở đường cho Washington thực hiện những biện pháp cứng rắn hơn, chẳng hạn áp thêm thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc.
"Mỹ có thể sử dụng sự định danh này để áp đặt thêm thuế trừng phạt đơn phương. Nó cũng tạo ra vỏ bọc chính trị và sự biện hộ cho việc áp thêm thuế" - ông Prasad dự đoán.
Theo Reuters, ông Trump cũng có quyền cấm Trung Quốc tham gia việc mua sắm chính phủ của Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ cũng có thể kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới hoặc đơn giản là vận động các đồng minh tham gia hạn chế thương mại với Bắc Kinh.
Đồng nhân tệ của Trung Quốc mất giá mạnh vào đầu tuần này - Ảnh: REUTERS
Điều này cũng đồng nghĩa với việc đồng USD có thể bị can thiệp, hay thậm chí là nhiều nước lớn cũng tham gia hạ giá nội tệ để giảm thiệt hại. Hồi tháng trước, Mỹ đã thảo thuận việc hạ giá đồng USD nhưng sau đó loại bỏ kế hoạch này, theo Đài CNBC.
Tuy nhiên việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin dự kiến tham vấn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để loại trừ "ưu thế cạnh tranh không công bằng" của Trung Quốc được cho là sẽ khó khả thi.
IMF và một số chuyên gia phân tích cho rằng Bắc Kinh không cố tình hạ giá đồng tiền dù cũng không có biện pháp nào để ngăn đồng tiền mất giá.
"Trung Quốc không chủ động hạ giá đồng tiền. Đó là một động thái do thị trường định hướng" - nhà kinh tế Allen Sinai của Tổ chức Decision Economics đánh giá.
Sai lầm?
Dù vậy, giới phân tích nhận định động thái của Mỹ sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm tăng trưởng trong thời gian qua.
"Nếu Mỹ leo thang căng thẳng thương mại, không loại trừ khả năng chính quyền Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ giá đồng tiền để hỗ trợ các nhà xuất khẩu" - tờ Nikkei Asian Review dẫn lời nhà kinh tế Trung Quốc Zhang Ming cảnh báo.
Tuy nhiên kịch bản tệ nhất của chiến tranh tiền lệ là nó có thể khiến kinh tế của Trung Quốc lẫn Mỹ trì trệ trong thời điểm kinh tế toàn cầu đang suy giảm.
"Sự bất ổn tài chính kết hợp với chiến tranh thương mại sẽ làm gia tăng sự mất ổn định và tổn hại đến niềm tin và đầu tư, điều có thể tác động lớn đến kinh tế Mỹ" - cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Mark Sobel nhận định.
"Thời điểm không thể tệ hơn. Khả năng nhượng bộ đã không còn. Cả hai phía đều đang thúc vào nhau và nhà lãnh đạo ở hai nước đều quan tâm đến khán giả trong nước hơn hết. Chính trị đang dẫn dắt mọi thứ" - chuyên gia Bonnie Glaser của Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế có trụ sở ở Washington D.C đánh giá.
"Đây là một sai lầm chính sách nghiêm trọng. Tuyên bố của Bộ trưởng Mnuchin hoàn toàn là vì chính trị" - nhà kinh tế Allen Sinai của Tổ chức Decision Economics bình luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận