● ASEAN cam kết triển khai hiệu quả và toàn diện Tuyên bố về quy tắc ứng xử giữa các bên trên biển Đông
Phóng to |
Ông Trần, dự kiến ở Mỹ đến ngày 22-5, là tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Trung Quốc thăm Mỹ trong vòng bảy năm qua. Các cuộc thảo luận giữa ông Trần và các quan chức Mỹ nhằm trao đổi quan điểm về quan hệ quân sự hai nước và các vấn đề quốc tế cũng như khu vực, được đánh giá là hoạt động quan trọng thể hiện sự phát triển mối quan hệ giữa quân đội hai nước, theo Tân Hoa xã.
Trong cuộc họp báo chung với đô đốc Mike Mullen, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, ngày 18-5, ông Trần nhắc nhở Washington đã “nói quá” về mối đe dọa quân sự từ Bắc Kinh, làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc tế và định hướng chiến lược của Trung Quốc cũng như làm vẩn đục mối quan hệ Trung-Mỹ.
Ông trấn an “thế giới không việc gì phải lo lắng” bởi Trung Quốc không muốn và không có đủ khả năng thách thức Mỹ trên Thái Bình Dương. “Tôi rất ngạc nhiên về mức độ hiện đại cao của quân đội Mỹ, bao gồm cả về vũ khí lẫn học thuyết” - ông Trần không quên khen ngợi.
Dù vậy, Trung Quốc cũng không làm ngơ vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan từng khiến mối quan hệ quân sự hai nước bị gián đoạn vào năm ngoái. Trung Quốc cảnh báo việc Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan có thể làm tổn hại đến quan hệ quân sự hai nước và “sự ảnh hưởng tệ hại như thế nào thì còn tùy thuộc vào loại vũ khí được bán”.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Mỹ, Đài Loan muốn thúc đẩy mua bán tàu ngầm và máy bay chiến đấu F-16. Năm 2010, Mỹ loan báo bán cho Đài Loan gói vũ khí trị giá 6,4 tỉ USD bao gồm trực thăng chiến đấu và tên lửa. Việc này đã khiến Trung Quốc vô cùng giận dữ và dằn mặt lại Mỹ bằng việc trình làng chiến đấu cơ tàng hình J-20 nhân chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates hồi đầu năm.
Trong chuyến thăm lần này của tướng Trần, ông Mullen và ông Trần cũng thảo luận một số vấn đề khác như giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, chống khủng bố và an ninh mạng.
Cả hai phía cũng đạt được một số thỏa thuận, như tổ chức các cuộc tập trận chung vào năm tới, diễn tập chống cướp biển trên điểm nóng vịnh Aden, diễn tập cứu trợ thảm họa thiên tai và duy trì đường dây nóng giữa hai nước. Tướng Trần đã chính thức mời ông Mullen sớm đến thăm Trung Quốc.
Trong khi đó, tại châu Á, tờ Tribune của Philippines ngày 17-5 dẫn lời đại sứ Mỹ tại ASEAN cho biết các nước Đông Nam Á cần sự giúp đỡ của Mỹ để giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Washington cũng cho biết Mỹ đang thúc đẩy Tuyên bố về quy tắc ứng xử trên biển Đông của ASEAN và kêu gọi các nước có liên quan thiết lập cơ chế giải quyết với sự hỗ trợ của những nước khác ngoài khu vực.
Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN ngày 19-5 đã đến Jakarta, Indonesia để thảo luận về các vấn đề an ninh trên biển Đông. “Các quốc gia thành viên ASEAN cam kết triển khai hiệu quả và toàn diện Tuyên bố về quy tắc ứng xử giữa các bên trên biển Đông và hướng tới việc thông qua quy tắc ứng xử trên biển Đông nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực” - Jakarta Post dẫn tuyên bố chung của các bộ trưởng. Các nguồn tin ngoại giao cho biết các nước ASEAN cũng thông qua ý tưởng hợp tác phát triển vũ khí nhằm tiết kiệm chi phí quốc phòng cho việc nhập khẩu từ các nước khác như phương Tây, Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc. Với việc hợp tác quân sự, các nước ASEAN dự kiến giảm một nửa chi phí nhập khẩu vũ khí, tổng cộng lên đến 25 tỉ USD mỗi năm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận