13/08/2012 10:25 GMT+7

Mưu sinh giữa lòng thành phố

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Căn nhà nhỏ trên đường Thiên Hộ Dương (Q.Gò Vấp, TP.HCM), đồng thời cũng là nơi đặt trụ sở của Hội Người mù Q.Gò Vấp, có một cặp vợ chồng mù cùng những người bạn đồng cảnh đang tá túc để mưu sinh. Cuộc sống của họ cũng chật vật không kém người mù ở nông thôn...

Kỳ 1: Cô gái mù hiếu thảoKỳ 2: Bốn bàn tay, một con mắt

pnQYRzC9.jpgPhóng to

Niềm vui đoàn tụ sau một ngày lao động vất vả của đôi vợ chồng khiếm thị Nguyễn Văn Phụng - Nguyễn Thị Minh Xuân - Ảnh: Tấn Đức

Mong ước giản đơn

Chị Nguyễn Thị Minh Xuân, phó chủ tịch Hội Người mù Q.Gò Vấp, quê ở Gò Dầu (Tây Ninh), bị ban sởi dẫn tới mù cả hai mắt từ lúc lên 3 tuổi. Thương con, cha mẹ Xuân đưa cả sáu anh em chị xuống ở nhờ nhà một người bà con trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Nghi (Q. Gò Vấp) để Xuân được học chữ nổi dành cho người mù tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM. Học hết cấp II, vì gia đình quá khó khăn Xuân đã theo một người bạn đi làm công nhân bó chổi tại một cơ sở giải quyết việc làm cho người khuyết tật ở Bình Dương.

Thu nhập không đủ sống, Xuân quay về mái ấm Nhật Hồng (Q.Bình Thạnh) nương náu. Rồi chị gặp Nguyễn Văn Phụng, một thanh niên đồng cảnh quê ở miệt biển Duyên Hải (Trà Vinh), bị mù bẩm sinh, đã một mình rời quê lên TP.HCM mưu sinh. Niềm vui của đôi vợ chồng mù cứ nhân lên từng ngày khi hai bé Như Uyên (sinh năm 2003), Quốc Bảo (2005) ngoan hiền, lớn nhanh như thổi và luôn là học sinh giỏi của Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền, Gò Vấp.

Theo thống kê của Viện Mắt trung ương, cả nước hiện chỉ có khoảng 15% trong tổng số khoảng 2 triệu người mù lòa được học nghề và có việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân.

“So với các dạng khuyết tật khác, việc học nghề đối với người khiếm thị luôn gặp nhiều khó khăn, trở ngại do khả năng tiếp cận thông tin cũng như sức lao động của họ còn nhiều hạn chế. Bởi thế những nghề mà người khiếm thị có thể tham gia rất ít, chủ yếu vẫn là các nghề: massage, đan lát thủ công, bán vé số...

Từ thực trạng đó, để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khiếm thị, cần đột phá vào khâu hỗ trợ vốn, nâng cao trình độ văn hóa, mở rộng lĩnh vực đào tạo nghề. Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng lao động cũng cần có cái nhìn khách quan, mạnh dạn tiếp nhận, tạo cơ hội thể hiện năng lực cho những người khiếm thị có kỹ năng, tay nghề chuyên môn đã qua đào tạo” - ông Nguyễn Đình Kiên, chủ tịch Hội Người mù TP.HCM, nói.

Hằng ngày, người chồng mù đi bán vé số, chị Xuân ở nhà mò mẫm lo cơm nước cho hai con nhỏ vừa thắc thỏm chờ chồng trở về với mong ước: chồng bán hết vé số và không bị kẻ xấu cướp mất tờ nào. Do không có vốn, phải trả tiền vé số theo kiểu gối đầu, nên mỗi tờ vé số vợ chồng Phụng lời chỉ 1.000 đồng. Hằng ngày Phụng đeo chiếc bình điện và thùng loa nặng hơn 8kg đi khắp nơi, vừa hát phục vụ vừa mời khách mua vé số. Bình quân mỗi ngày anh bán được 200 tờ, trừ tiền xe ôm, tiền sạc bình còn lãi 150.000 đồng. Số tiền này được vợ chồng Phụng chia thành hai món, gọi là “hụi chết”, không thể động đến: 20.000 đồng dành trả tiền điện, nước hằng tháng; 60.000-70.000 đồng đóng học phí, mua sách vở, đồ dùng học tập cho hai con. Còn lại bao nhiêu mới tính tới chuyện ăn uống cho cả nhà.

“Hồi trước ít người bán mình không phải đi xa, còn bây giờ nhiều khi phải qua tới Q.1, Q.5, tiền xe ôm đi về cả trăm ngàn đồng, nhưng vẫn phải đi bán để thu hồi vốn. Lại có khi gặp người xấu tráo vé số cũ lấy vé số mới của mình, thậm chí kẻ biết mình không thể đuổi theo được, ngang nhiên giật cả xấp vé trên tay mình chạy mất. Mấy tháng trước tôi đã bị một vố như vậy, mắc nợ đại lý 900.000 đồng, trả dần cả tháng mới hết” - Phụng kể.

Thế nên niềm vui đơn giản nhất mỗi ngày của vợ chồng Phụng là không hao hụt tờ vé số nào. Bữa nào được người mua vé số tặng lại vài tờ lấy hên, tới giờ xổ là vợ chồng cứ nôn nao hi vọng. Hơn tháng qua, người dân trong xóm bỗng thấy Phụng hí hửng mang về cây đàn organ. Anh khoe đó là quà tặng của một người may mắn trúng thưởng vé số mua tặng. Thế là Phụng tập tễnh học đàn với ý định phục vụ đám cưới, đám tang để tăng thu nhập cho gia đình.

Tìm đường trong bóng tối

Nếu tình cờ gặp người thanh niên khiếm thị gầy gò Ngô Thanh Toàn (33 tuổi) đi bán vé số dạo trên địa bàn Q.Bình Thạnh, chắc không ai hình dung hết những dự tính tương lai của anh. Quê Toàn ở ấp Thanh Bình, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu, Tây Ninh. Toàn bị mù từ lúc 4 tuổi. Lớn lên ở vùng quê đìu hiu, những tưởng cuộc đời cậu bé mù sẽ bình lặng trôi qua trong vòng tay gia đình. Nhưng không, với khát khao được đến trường như bao trẻ em trong xóm, cậu đã xin cha tìm cho mình chỗ học phù hợp dù phải sống xa nhà.

Dù không muốn xa đứa con trai duy nhất, nhưng vì tương lai đứa bé, cha mẹ Toàn cũng đành bấm bụng gửi con vào Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Toàn nộp hồ sơ thi vào khoa xã hội học ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, với mong muốn sau này trở thành chuyên gia tâm lý, giúp người mù xóa mặc cảm cá nhân, hòa nhập cộng đồng. Nhưng điều kiện sức khỏe đã không ủng hộ Toàn.

Bẵng đi cả chục năm, bận rộn với chuyện gia đình, chuyện mưu sinh, ước mơ vẫn không tắt trong lòng Toàn. Mùa thi năm nay (2012) Toàn đã quay lại TP để vừa bán vé số vừa ôn thi. Cuối tuần, Toàn lại mang số tiền tích lũy được về phụ với vợ cũng bị mù một mắt lo cho ba đứa con. Hôm gặp anh tại trụ sở Hội Người mù Q.Gò Vấp, Toàn cho biết đã nộp đơn thi vào ngành giáo dục đặc biệt của Trường cao đẳng Sư phạm trung ương tại TP.HCM.

Ở chung nhà với vợ chồng Phụng, Toàn còn có người bạn đồng cảnh Lê Tấn Dương. Năm 14 tuổi, khi đang chuẩn bị bước vào bậc THPT ở quê nhà thị xã Tây Ninh (Tây Ninh), Dương và người anh con bác ruột trong lúc chơi bắn bi đã tình cờ nhặt được một trái đạn hồi chiến tranh còn sót lại. Chưa kịp nhận ra mối nguy hiểm thì đạn đã nổ tung, người anh thiệt mạng tại chỗ, còn Dương bị mất vĩnh viễn cả hai mắt. Sau tai họa ấy cha mẹ Dương đã gửi con xuống một ngôi chùa tại TP.HCM học chữ nổi và các kỹ năng sống dành cho người khiếm thị. Tới tuổi trưởng thành, Dương trở về quê, làm đủ nghề để sinh sống.

Thấy Dương năng nổ, năm 2008 hội người mù địa phương đã đưa anh đi Hà Nội tập huấn các kỹ năng công tác hội, sau đó trở về tham gia ban chấp hành Hội Người mù thị xã Tây Ninh. Nhưng rồi vì chuyện mưu sinh, Dương đành quày quả trở lại TP.HCM tiếp tục nghề bán vé số.

Trò chuyện với chúng tôi sau một ngày rong ruổi khắp các nẻo đường TP để bán xong tấm vé số cuối cùng, Dương tâm sự: “Người mù ở quê khó tìm việc làm vì ít ai có tay nghề chuyên môn. Muốn làm nông nghiệp lại thiếu đất thiếu vốn. Bởi vậy, nhiều người như tôi muốn vươn lên đổi đời phải bỏ xứ ra TP”.

_____________

Một thầy giáo khiếm thị dạy tiếng Anh cho người sáng mắt nói: “Tôi là người may mắn”. Điều gì ẩn sau tâm sự đó...

Kỳ tới: Người thầy đặc biệt

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên