24/05/2013 07:45 GMT+7

Muốn chống tiêu cực thi cử phải... đăng ký trước

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - “Việc các địa phương quy định thí sinh phải đăng ký, thông báo trước về thiết bị điện tử sẽ mang vào phòng thi là tạo điều kiện cho cơ quan chuyên môn kiểm tra kỹ thiết bị”.

cMf7jsRw.jpgPhóng to
Từ sự cố trong kỳ thi tốt nghiệp tại Trường Đồi Ngô (Bắc Giang), Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh mang thiết bị điện tử có chức năng thu nhưng không phát trực tiếp vào phòng thiẢnh chụp từ clip

Ông Phạm Ngọc Trúc, phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết như trên tại cuộc họp báo của Bộ GD-ĐT chiều 23-5. Dự kiến sẽ trao đổi về những vấn đề liên quan đến kết thúc năm học, nhưng buổi họp báo lại chủ yếu tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và những giải pháp ngăn ngừa tiêu cực.

Tập trung chống tiêu cực

Theo ông Ngô Kim Khôi - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, tới thời điểm này 63 tỉnh thành trên cả nước đều đã chuẩn bị sẵn sàng kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có các phương án đảm bảo an toàn cho thí sinh khi xảy ra sự cố hoặc có thiên tai bão lũ. Khẳng định tại cuộc họp báo, ông Khôi cho biết quan điểm của Bộ GD-ĐT năm nay là tập trung những giải pháp nhằm ngăn chặn tiêu cực xảy ra, nhất là ở khâu coi thi, chấm thi.

“Từ thực tế xảy ra ở Trường Đồi Ngô năm trước, Bộ GD-ĐT bổ sung quy định cho thí sinh mang thiết bị điện tử có chức năng thu nhưng không phát trực tiếp vào phòng thi nhằm tăng thêm một kênh giám sát tiêu cực trong phòng thi. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng bổ sung quy định yêu cầu mỗi hội đồng chấm thi có một tổ chấm kiểm tra các môn thi tự luận và chấm song song với tiến độ chấm thi chung ít nhất 5% số bài thi để kịp thời phát hiện sai sót. Đặc biệt, năm nay Bộ GD-ĐT sẽ thành lập hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận đối với những địa phương, hội đồng thi có dấu hiệu tiêu cực - ông Khôi cho biết những điểm mới của kỳ thi năm nay và nhấn mạnh thêm - Nếu trong quá trình chấm thi phát hiện dấu hiệu thí sinh “làm bài tập thể” sẽ truy lại trách nhiệm của giám thị và thanh tra phụ trách để xử lý kỷ luật”.

Đại diện Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục và Thanh tra Bộ GD-ĐT có mặt tại cuộc họp báo cho biết kỳ thi năm nay Bộ GD-ĐT có khoảng 10 đoàn thanh tra lưu động làm việc theo nguyên tắc không báo trước, sẽ kiểm tra tại 15 tỉnh thành. Bên cạnh đó, các địa phương phải bố trí thanh tra cắm chốt ở tất cả các khâu, riêng khâu coi thi phải đảm bảo 7-10 phòng thi/thanh tra.

Trả lời Tuổi Trẻ về việc bộ cần có hướng dẫn như thế nào trong việc kiểm soát thiết bị điện tử của thí sinh để tránh có những thí sinh lợi dụng quy định để gian lận, ông Phạm Ngọc Trúc cho biết: “Các địa phương phải chủ động xây dựng phương án trên cơ sở quy định của bộ. Bộ GD-ĐT không có hướng dẫn riêng về việc này”.

Với câu hỏi “Vậy để thu âm, thu hình với mục đích chống tiêu cực, phạm vi hoạt động của thí sinh đến đâu thì được xem là không phạm quy? Thí sinh không báo trước cho cán bộ an ninh, giám thị về việc sẽ thu âm, thu hình như phổ biến của nhiều địa phương thì có bị xử lý kỷ luật không?”, ông Phạm Ngọc Trúc khẳng định: “Thí sinh được ghi âm, ghi hình nhưng không được phép đi lại tự do, gây mất trật tự phòng thi. Nếu vi phạm điều này, thí sinh vẫn bị xử lý kỷ luật”.

946.064 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2013

Theo số liệu do Bộ GD-ĐT cung cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 946.064 thí sinh dự thi, trong đó có 854.335 thí sinh hệ THPT. Cả nước có 2.296 hội đồng coi thi với trên 40.000 phòng thi. Có 142.361 cán bộ giáo viên tham gia coi thi và 23.691 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi. So với năm 2012, kỳ thi năm nay giảm 17.507 thí sinh.

Ông Nguyễn Công Hinh, vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Bộ GD-ĐT, cho biết nhiều địa phương có sáng kiến dán tem vào thiết bị đã được kiểm tra để phòng ngừa thí sinh mang thiết bị không được phép. Vấn đề “đăng ký kiểm tra trước” đang là điều nhiều thí sinh và dư luận băn khoăn, bởi nếu “đăng ký trước là tôi chống tiêu cực” thì việc ghi âm, ghi hình chống tiêu cực không còn hiệu quả nữa.

Đề thi như năm 2012

Theo ông Ngô Kim Khôi, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay giữ ổn định như năm trước, không có thay đổi lớn. Nội dung đề thi trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi sẽ không quá khó, không quá dài, không có những câu hỏi lắt léo, đánh đố thí sinh. Tuy nhiên, sẽ vẫn có những câu hỏi phù hợp với các trình độ thí sinh, đảm bảo học sinh nắm vững kiến thức cơ bản của chương trình sẽ đạt điểm trung bình trở lên.

Ông Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh thêm việc các trường hướng dẫn học sinh ôn thi bám sát chương trình và sách giáo khoa là tài liệu ôn thi tốt nhất, không nên chạy theo các loại tài liệu tham khảo. Các thầy cô giáo cần hướng dẫn thí sinh để lược bỏ những phần nội dung được Bộ GD-ĐT giảm tải.

Trước phản ánh của báo chí về hiện tượng một số trường yêu cầu học sinh đóng tiền “chống trượt”, ông Chuẩn khẳng định: các trường không được phép thu bất cứ khoản tiền nào của học sinh, phụ huynh học sinh để phục vụ thi tốt nghiệp (trừ khoản được quy định để mua phôi bằng tốt nghiệp THPT). Nếu phát hiện trường hợp cụ thể nào, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các sở GD-ĐT xử lý ngay theo quy định.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên